Menu

Toạ đàm về “Thực trạng và giải pháp phát triển thể dục - thể thao TP HCM”

Toạ đàm về “Thực trạng và giải pháp phát triển thể dục - thể thao TP HCM”

22 Tháng Ba 2014

Toạ đàm về “Thực trạng và giải pháp phát triển thể dục - thể thao TP HCM”

Toàn cảnh buổi toạ đàm (Ảnh: KHà-TP )
Buổi toạ đàm, tập trung đánh giá thẳng thắn thực trạng phong trào thể dục thể thao (TDTT) TP.HCM; các chính sách, chế độ đối với hoạt động TDTT; phân tích thực trạng trong từng lĩnh vực TDTT quần chúng, thể thao học đường, thể thao thành tích cao; giải pháp thu hút sự đầu tư của xã hội trong lĩnh vực TDTT; vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền đối với sự nghiệp TDTT địa phương, đơn vị…

Theo ý kiến từ các đại biểu, thực trạng của TDTT thành phố Hồ Chí Minh hiện nay còn nhiều vấn đề bất cập. Hệ thống cơ sở vật chất còn thiếu thốn, không đủ mặt bằng, nhà thi đấu, sân chơi phục vụ nhu cầu tập luyện của người dân. Về vấn đề này, nguyên Phó Giám đốc Sở TDTT thành phố Hồ Chí Minh Trần Văn Mui cho rằng: TPHCM hiện đang hẹp dần quỹ đất dành cho thể thao, chỉ có 3,33 công trình cho 10.000 dân (trung bình thế giới là 6,58), trong số đó số công trình đạt tiêu chuẩn quốc tế chỉ 2% so với tổng số lượng cơ sở đã xây dựng (trung bình thế giới là phải gấp 1,8 lần). Ông Mùi cũng cho rằng, sự thiếu vắng các công trình thể dục thể thao đạt chuẩn quốc tế làm cho thành phố Hồ Chí Minh không còn được xem là nơi có hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật đủ sức đăng cai những giải đấu lớn.

Các đại biểu tham dự buổi toạ đàm cũng đánh giá, giáo dục thể chất và hoạt động thể dục, thể thao trong học sinh, sinh viên chưa thường xuyên và kém hiệu quả; sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, công tác quản lý Nhà nước về thể dục, thể thao của nhiều địa phương và đơn vị chưa theo kịp yêu cầu đổi mới của Thành phố; đầu tư của Thành phố cũng như việc huy động các nguồn lực từ xã hội cho thể dục, thể thao còn hạn chế...

Trước thực trạng đó, để TDTT Thành phố ngày càng phát triển, ý kiến từ các chuyên gia đầu ngành đã chỉ ra nhiều giải pháp thiết thực như: cần đổi mới nhận thức, tư duy, có những quyết sách thỏa đáng làm thay đổi diện mạo thể thao Thành phố, tạo quỹ đất cho phát triển cơ sở vật chất, đẩy mạnh xã hội hóa thể thao, phát huy tối đa nguồn lực xã hội và tại chỗ, có hệ thống mô hình đào tạo chất lượng cao và công tác tuyển chọn, phát triển thể thao học đường…

Và để thực hiện được những giải pháp trên, nhiều đại biểu cho rằng, điều quan trọng nhất đó là Thành phố Hồ Chí Minh cần có sự quy hoạch để định hướng phát triển cho hoạt động TDTT của TP; cần đưa ra một chiến lược phát triển mang tính định hướng, làm kim chỉ nam cho hoạt động TDTT của TPHCM.

Những ý kiến đóng góp tại buổi tọa đàm sẽ giúp Thành uỷ, ngành TDTT Thành phố Hồ Chí Minh có những hoạch định mới, sao cho phù hợp với thực tiễn và cụ thể hóa thực hiện các chương trình hành động 33 và kế hoạch hành động 939 về thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị một cách toàn diện hơn, góp phần thúc đẩy thể thao Thành phố ngày càng phát triển, xứng với tiềm năng, thế mạnh của một trung tâm kinh tế, xã hội lớn nhất cả nước.

P.Dũng

 

Print

Số lượt xem (1284)/Bình luận (0)

Tags:

Comments are only visible to subscribers.