Menu

Trẻ hoá đội hình: thách thức không nhỏ của Cầu mây nữ Việt Nam tại SEA Games 26

Trẻ hoá đội hình: thách thức không nhỏ của Cầu mây nữ Việt Nam tại SEA Games 26

10 Tháng Sáu 2011

Trẻ hoá đội hình: thách thức không nhỏ của Cầu mây nữ Việt Nam tại SEA Games 26

Với việc trẻ hoá đội hình, liệu cầu mây VN có lập lên kỳ tích tại SG 26 (Ảnh: Internet)
Khác với các kỳ SEA Games trước, lực lượng tham dự SEA Games 26 của Cầu mây nữ Việt Nam đều là những gương mặt còn khá mới mẻ, với 18 VĐV và 2 HLV. Đội tuyển chính thức tập trung từ ngày 5/5, tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội. Theo đó, Ban huấn luyện đã có sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên đội tuyển: 5 VĐV đảm nhiệm vị trí phát cầu (Lại Thị Huyền Trang, Trần Thị Thu Hằng, Cao Thị Hải Yến, Nguyễn Thuý An, Phạm Thị Luật); 7 VĐV ở vị trí chuyền hai gồm: Nguyễn Thị Bạch Vân, Đinh Thị Thuý Hằng, Nguyễn Thị Hoà, Nguyễn Thị Quyên, Nguyễn Thái Linh, Trương Thị Vân và Nguyễn Thị Giang; vị trí tấn công gồm 6 VĐV: Lê Thị Hạnh, Nguyễn Thị Hoà, Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Dung, Dương Thị Xuyên, Nguyễn Thu Trang.

Theo ông Hoàng Hữu Nghĩa - HLV trưởng đội tuyển Cầu mây nữ Việt Nam: đội tuyển Cầu mây nữ Việt Nam tham dự SEA Games 26 đa phần đều là những VĐV trẻ, trình độ chuyên môn kém xa so với lứa VĐV kỳ cựu như: Hải Thảo, Bích Thuỳ, Thu Ba, Bạch Vân, Lưu Thị Thanh... không những vậy, kinh nghiệm thi đấu quốc tế của các VĐV này còn ở mức rất khiêm tốn (15/18 VĐV chưa từng hoặc được tham gia các giải đấu quốc tế rất ít). Trong khi đó, các đối thủ của Cầu mây Việt Nam tại sân chơi khu vực năm nay vẫn là Thái Lan, Myanmara, Indonesia,... bên cạnh đó, VĐV các nước như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... đều có thể hình, thể lực tốt, được đầu tư thi đấu cọ xát nhiều.

Việc trẻ hoá đội hình của Cầu mây Việt Nam chắc chắn sẽ gây khó khăn, thách thức cho đội tuyển trong hành trình chinh phục đỉnh cao tại SEA Games 26 và các giải đấu khác trong năm. Tuy nhiên với quyết tâm hoàn thành mục tiêu giành 1 HCV, 1 HCB tại SEA Games 26, BHL cùng toàn thể đội tuyển đã lên kế hoạch tập luyện cụ thể cho từng giai đoạn, lịch tập liên tục từ thứ 2 - sáng thứ 7 hàng tuần (trung bình từ 5 - 6 giờ/ 1 buổi tập).

Nội dung huấn luyện tập trung vào cả 3 yếu tố: kỹ thuật, thể lực cũng như tâm lý cho các VĐV trong suốt quá trình tập trung tập huấn. Từ nay cho tới trước khi diễn ra SEA Games, ngoài lịch tập huấn trong nước, các VĐV đội tuyển nữ Cầu mây Việt Nam sẽ tham dự 2 đợt tập huấn tại Trung Quốc và Thái Lan (mỗi đợt dự kiến 20 ngày). Đặc biệt, BHL cũng đề xuất và được lãnh đạo Tổng cục TDTT đồng ý để đội tham dự các giải đấu quốc tế tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia và giải Việt Nam mở rộng...

Trước những khó khăn của Cầu mây Việt Nam trong việc chuẩn bị cho SEA Games 26, lãnh đạo Tổng cục TDTT hoàn toàn nhất trí với kế hoạch huấn luyện của đội tuyển Cầu mây, đồng thời đề nghị Ban huấn luyện cũng như các thành viên đội tuyển nỗ lực hết mình trong suốt quá trình tập huấn, huấn luyện.

Bên cạnh đó, Tổng cục TDTT cũng ủng hộ việc thuê chuyên gia người nước ngoài phục vụ cho công tác huấn luyện đội tuyển, song việc thuê chuyên gia nước nào thì Bộ môn, Liên đoàn cần phải có sự tính toán, cân nhắc kỹ. Và quan trọng hơn hết dù có chuyên gia nước ngoài hay không thì các HLV đều phải làm chủ được công tác huấn luyện, tránh tình trạng lệ thuộc hoàn toàn vào chuyên gia. Đây chính là mong muốn của lãnh đạo Tổng cục TDTT với BHL đội tuyển.

Với sự quan tâm, tạo điều kiện của Tổng cục TDTT, sự nỗ lực của BHL và đội tuyển, hy vọng Cầu mây nữ Việt Nam sẽ làm nên kỳ tích tại SEA Games 26 này.

VD

 

Print

Số lượt xem (2883)/Bình luận (0)

Tags:

Comments are only visible to subscribers.