Menu

Trường Đại học TDTT Bắc Ninh: 53 năm nhìn lại

Trường Đại học TDTT Bắc Ninh: 53 năm nhìn lại

18 Tháng Mười Hai 2012

Trường Đại học TDTT Bắc Ninh: 53 năm nhìn lại

Tự hào về những thành tích đạt được…

Trường Đại học TDTT Bắc Ninh, tiền thân là trường Trung cấp TDTT trung ương, được thành lập ngày 25/9/1959. Những năm đầu mới thành lập, cơ sở vật chất phục vụ cho sinh hoạt, giảng dạy, học tập của thầy và trò đều rất nghèo nàn, thiếu thốn. Đội ngũ cán bộ, giáo viên của trường còn thiếu.

Trải qua năm tháng thăng trầm của lịch sử, đến nay sau 53 năm thành lập, trường tự hào đã có một đội ngũ cán bộ, giảng viên hùng mạnh với gần 400 cán bộ, giảng viên trong đó có 5 nhà giáo ưu tú, 2 giáo sư, 6 phó giáo sư, 29 tiến sĩ, 119 thạc sĩ và 122 cử nhân. Quy mô đào tạo của Nhà trường ngày càng mở rộng với lưu lượng hiện nay là 5000 sinh viên. Trước đây Nhà trường chỉ đào tạo được 1 loại hình cán bộ TDTT nhưng hiện nay, Nhà trường đang tiến hành đào tạo 4 loại hình cán bộ là: giáo viên TDTT, HLV các môn Thể thao, cán bộ quản lý TDTT và cán bộ Y học TDTT với các hình thức đào tạo và bậc học khác nhau từ bậc phổ thông đến tiến sĩ.

Nhân dịp kỷ niệm 53 năm thành lập trường, Bộ VHTTDT đã trao
kỷ niệm chương vì sự nghiệp VHTTDL cho 2 giảng viên đang 
công tác tại trường (Ảnh: Y Trang)

Tính đến năm 2012, trường Đại học TDTT Bắc Ninh đã đào tạo được 44 khóa đại học, 19 khóa cao học, hơn 70 khóa chuyên tu, tại chức và hoàn thiện Đại học với gần 27.000 sinh viên, trong đó có hàng chục sinh viên của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Rất nhiều người trong số những sinh viên tốt nghiệp ra trường đã trở thành những cán bộ lãnh đạo có uy tín, những cán bộ quản lý chủ chốt của ngành TDTT...

Với bề dày lịch sử, trường Đại học TDTT Bắc Ninh trong nhiều năm qua luôn được coi là “Trung tâm” chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm đào tạo, là “cái nôi” cung cấp đội ngũ cán bộ quản lý, HLV, giáo viên cho các khoa, các trường Đại học, Cao đẳng và các Trung tâm đào tạo VĐV, đào tạo cán bộ TDTT trên cả nước.

Bên cạnh đó, trường Đại học TDTT Bắc Ninh đã đóng góp một phần không nhỏ trong đào tạo VĐV tài năng thể thao bổ sung cho các đội tuyển quốc gia. Một số VĐV xuất thân từ trường đã thành công xuất sắc trên đấu trường quốc tế, đem lại vinh quang cho Tổ quốc tiêu biểu như VĐV: Võ Đức Phùng, Đoàn Kim Phách (Điền kinh), Hoàng Anh Tuấn (Cử tạ), Vũ Văn Huyện (10 môn phối hợp)… Những gương mặt VĐV này không chỉ là niềm tự hào của trường mà còn là niềm tự hào của ngành TDTT nước nhà.

Ghi nhận những thành tựu và đóng góp của nhà trường, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng cho trường nhiều Bằng khen và các Huân, Huy chương cao quý. Riêng trong năm 2012, Nhà trường đã có thêm 03 giảng viên được công nhận học vị tiến sĩ; Bộ VHTTDL đã tặng: danh hiệu tập thể lao động xuất sắc cho 11 đơn vị, 07 cán bộ được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp bộ, 14 cán bộ được tặng Bằng khen của Bộ trưởng; Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 53 năm ngày thành lập trường và 51 năm Bác Hồ về thăm, Bộ VHTTDL đã tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch cho 2 cá nhân hiện đang là giảng viên tại trường gồm: bà Đào Thị Phương Chi – Phó trưởng bộ môn Y sinh học TDTT và ông Tạ Văn Đăng – giảng viên môn lý luận đại cương. Đây cũng là năm đầu tiên nhà trường đã được công nhận là “cơ sở đào tạo nguồn nhân lực TDTT theo tiêu chuẩn ISO 2001 – 2008”.

…và định hướng phát triển cho tương lai…

Kế thừa truyền thống vẻ vang của các thế hệ cán bộ, giảng viên đi trước, đồng thời với mong muốn tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của Nhà trường lên một tầm cao mới, trong thời gian tới Nhà trường đã xây dựng chiến lược phát triển đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, sứ mệnh của trường Đại học TDTT Bắc Ninh là phấn đấu đến năm 2020, đưa trường trở thành một trường Đại học tiếp cận trình độ đẳng cấp quốc tế, có khả năng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao và tài năng thể thao đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp phát triển TDTT trong tương lai. 

Để thực hiện thành công mục tiêu đã đề ra, nhà trường đã xác định 3 giải pháp đột phá cần triển khai, thực hiện từ nay đến năm 2020, đó là: Đổi mới hệ thống cơ cấu của trường theo hướng Trường – Viện – Trung tâm; đào tạo phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; phát triển vật chất theo hướng hiện đại.

N. H

Print

Số lượt xem (1634)/Bình luận (0)

Tags:

Comments are only visible to subscribers.