Menu

Trường Đại học TDTT Tp. Hồ Chí Minh 35 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành

Trường Đại học TDTT Tp. Hồ Chí Minh 35 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành

12 Tháng Năm 2011

Trường Đại học TDTT Tp. Hồ Chí Minh 35 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành

Những viên gạch đầu tiên...

Tiền thân là Trường Trung học TDTT miền nam, được thành lập ngày 28/01/1976 (theo Quyết định số 68 của Tổng cục TDTT), đến ngày 26/10/1977 Trường đổi tên thành Trường Trung học TDTT Trung ương II, sau khi Liên kết với trường Đại học TDTT I mở lớp Đại học Chính quy đầu tiên. Đến ngày 18/9/1985 theo Quyết định số 234 của Hội đồng Bộ trưởng, Trường lại một lần nữa được đổi tên thành Trường Đại học TDTT II. Năm 2008, theo Quyết định 149/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính Phủ về các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ văn hóa, thể thao và du lịch, Trường Đại học TDTT II được đổi tên thành Trường Đại học TDTT Tp. Hồ Chí Minh.

Cuốn theo dòng chảy của lịch sử của đất nước, sau 35 năm xây dựng và trưởng thành - quãng thời gian không phải là dài, nhưng đó là  cả một quá trình phấn đấu không mệt mỏi, với biết bao những trăn trở và đổi mới để khẳng định vai trò, nhiệm vụ của mình trước xã hội, trước đất nước của các thế hệ cán bộ, giảng viên Nhà trường. 35 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành của Trường đã khẳng định được vị trí là một trong 3 trung tâm đào tạo nguồn nhân lực TDTT lớn nhất cả nước. Uy tín, khả năng và tiềm năng phát triển của  Nhà trường đã được khẳng định.

Nhân dịp này nhà trường vinh dự được nhận Huân chương
lao động hạng III (Ảnh: QC )

...và những kết quả đạt được

Trong 35 năm qua, Trường đã đào tạo 7.751 cán bộ có trình độ thạc sĩ, cử nhân, cao đẳng và Trung cấp TDTT, trong đó có 29 khóa Đại học chính quy; 50 khóa đại học tại chức. Đồng thời, từ năm 1995 Trường bắt đầu đào tạo cán bộ có trình độ sau đại học, đến nay có 13 khóa đào tạo với 230 thạc sỹ giáo dục học. Ngoài ra, Trường cũng đã đào tạo 1.826 trình độ Cao đẳng, chuyên tu và trung cấp TDTT.

Ngoài nhiệm vụ đào tạo là trọng tâm, những năm qua công tác nghiên cứu khoa học của trường không ngừng phát triển, đáp ứng việc ứng dụng khoa học TDTT trong việc nâng cao hoạt động thể thao ở cơ sở và thể thao thành tích cao. Thành tích trong công tác nghiên cứu khoa học của Nhà trường cũng rất đáng biểu dương, với 3 đề tài cấp quốc tế: 30 đề tài cấp Bộ, thành phố, tỉnh; 32 đề tài cấp cơ sở và rất nhiều đề tài cấp trường. Đặc biệt, từ năm 2002 đến nay các Hội nghị khoa học của Trường được tổ chức mang tầm quốc tế với sự tham gia của nhiều giáo sư đến từ các trường Đại học nước ngoài. Công tác nghiên cứu khoa học trong sinh viên cũng có những bước tiến mới: Câu lạc bộ khoa học trẻ của trường được hình thành, hàng trăm sinh viên tự nguyện tham gia. Hội nghị khoa học của sinh viên hàng năm cũng được duy trì; nhiều sinh viên đoạt giải công trình nghiên cứu khoa học của Bộ GD&ĐT.

Về phát triển công nghệ thông tin, Trường đã tập trung xây dựng và ứng ứng dụng trong các hoạt động quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học, đặc biệt phát triển mạng toàn trường, E-Office, Wifi... Mảng quan hệ quốc tế của Trường đã không ngừng được mở rộng không những về lượng mà cả về chất trên các lĩnh vực trao đổi kinh nghiệm quản lý, giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu khoa học  với các nước: Đại học TT Thượng Hải, Thiên Tân, Thẩm Dương (Trung Quốc), Đại học TT quốc gia Hàn Quốc, Đại học Tổng hợp Burapha (Thái Lan)...

Về cơ sở vật chất, từ chỗ không có địa điểm chính thức, trang thiết bị phục vụ cho công tác giảng dạy vô cùng thiếu thốn, Nhà trường đã nỗ lực khắc phục khó khăn để đảm bảo công tác đào tạo cán bộ TDTT cho các tỉnh, thành phía Nam. Tháng 9/1990, trường mới chính thức dời đến địa điểm mới tại Linh Trung - Thủ Đức - Tp. Hồ Chí Minh (12,6 ha), để ổn định lâu dài. Được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, những dự án cải tạo và xây dựng mới những công trình thể thao, trang thiết bị hiện đại phục vụ cho việc đào tạo, nghiên cứu khoa học và huấn luyện thể thao của Nhà trường đã được hình thành.

Để thực hiện các nhiệm vụ trên, đội ngũ cán bộ, giảng viên không ngừng lớn mạnh. Đến nay, với 207 cán bộ biên chế và hợp đồng trong đó có 8 GS-PTS. TS, 78 thạc sỹ, 92 cử nhân và 177 giảng viên cơ hữu đã và đang thể hiện lòng nhiệt huyết, luôn đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao, cập nhật kiến thức để đào tạo đội ngũ cán bộ TDTT đạt được chất lượng theo yêu cầu của xã hội. Bên cạnh đó, về mặt tổ chức, Trường được xây dựng theo mô hình liên kết giữa đào tạo và huấn luyện (Trung tâm HLTTQG II mà hiện nay là Trung tâm HLTTQG Tp. Hồ Chí Minh và Trường - 2 đơn vị với 2 chức năng khác nhau nhưng luôn có sự gắn kết chặt chẽ) để hoàn thành các nhiệm vụ của ngành TDTT giao phó.

Chặng đường 35 năm là giai đoạn trăn trở và đổi mới, với sức bật của tuổi 35, cộng thêm sự đồng thuận của cả một tập thể trí tuệ và bản lĩnh, sự nghiệp đào tạo và huấn luyện của Trường Đại học TDTT Tp Hồ Chí Minh chắc chắn sẽ có bước tiến vững chắc trong tương lai.

N. H

Print

Số lượt xem (3506)/Bình luận (0)

Tags:

Comments are only visible to subscribers.