Để hiểu hơn về ý nghĩa những tấm HCV của môn Thể dục dụng cụ tại SEA Games 26 cũng như các kế hoạch phát triển của bộ môn này trong thời gian tới, Phóng viên Trang tin Điện tử TDTT Việt Nam - Tổng cục TDTT đã có cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Kim Lan - Trưởng bộ môn Thể dục, Tổng cục TDTT.
|
TS. Nguyễn Kim Lan - Trưởng bộ môn Thể dục, Tổng cục TDTT
(Ảnh: Văn Duy) |
Bà có đánh giá gì về thành tích của môn Thể dục tại SEA Games 26?
Có thể khẳng định rằng, SEA Games 26 là một kỳ Đại hội đáng nhớ đối với môn Thể dục dụng cụ, các VĐV đã thi đấu rất xuất sắc và mang về chiến thắng vang dội cho Thể dục Việt Nam. Tham dự ở 13 nội dung trên tổng số 14 nội dung tại Đại hội nhưng chúng ta đã giành chiến thắng với 11 HCV. Đây là thành tích tốt nhất của toàn đội tại các kỳ SEA Games từ trước đến nay. Để có được thành công này chúng ta đã có sự chuẩn bị rất tốt và bài bản, các VĐV đã được đào tạo cơ bản trong nhiều năm qua và đến nay đã hái được "quả ngọt". Về mặt chyên môn, SEA Games 26 này, các VĐV Việt Nam đã khẳng định một đẳng cấp vượt bậc, các bài thi của các VĐV đều rất tuyệt vời được sắp xếp rất phù hợp, uyển chuyển và chính xác.
Vậy trong quá trình thi đấu tại SEA Games 26, môn Thể dục dụng cụ gặp những khó khăn gì thưa bà?
Tại SEA Games lần này có lẽ khó khăn lớn nhất mà các nước tham dự nói chung và môn Thể dục dụng cụ nói riêng gặp phải đó là vấn đề ăn uống ở trong làng VĐV không được bảo đảm, khiến cho 1 số VĐV bị đau bụng đã ảnh hưởng ít nhiều tới sức khỏe của các em. Tuy nhiên, trước khó khăn đó chúng tôi đánh giá rất cao sự nỗ lực và tinh thần thi đấu quyết tâm của các VĐV khi liên tiếp mang vinh quang về cho tổ quốc. Thành tích đáng ghi nhận nhất có lẽ là tấm HCV đồng đội, điều đó cho thấy sự đoàn kết chặt chẽ giữa các VĐV tạo nên một tập thể mạnh và đây là điều rất đáng khen ngợi.
Ở SEA Games 26 đoàn TTVN có sự xuất hiện nhiều gương mặt trẻ đã ghi danh, bà có đánh giá gì về thành tích của các VĐV trẻ đó trong những năm tiếp theo?
Đây là điều đáng mừng cho Thể thao Việt Nam, bởi chúng ta đã có sự kế thừa và các VĐV trẻ này sẽ là đội ngũ kế cận cho các VĐV xuất sắc của Việt Nam đã qua thời kỳ phong độ đỉnh cao. Riêng đối với môn Thể dục dụng cụ, chúng tôi rất yên tâm về chuyên môn của các VĐV, bởi đây đang là thời điểm tốt nhất và có thể nói là đang ở "độ chín" của các VĐV. Hơn nữa, trong thời gian tới Ban huấn luyện cũng như bộ môn sẽ đưa ra những kế hoạch phát triển phù hợp nhất để tạo đà cho các VĐV có thể vươn xa hơn nữa về thành tích. Sân chơi mà Thể dục dụng cụ Việt Nam muốn hướng đến trong thời gian tới đó là ASIAD và Olympic.
Tuy nhiên, vẫn có một chút khó khăn chúng tôi muốn nhắc đến đó là, hiện nay cả nước có 4 đơn vị tập trung đầu tư mạnh cho Thể dục dụng cụ là Hà Nội, Hải Phòng, Tp. Hồ Chí Minh, Quân Đội, do vậy khâu tuyển chọn VĐV và tìm ra những tài năng trẻ ở môn Thể dục dụng cụ còn khá khó khăn. Hơn nữa, theo quy định của SEA Games thì các VĐV nữ phải từ 16 tuổi trở lên mới được tham gia tranh tài mà hiện nay đội ngũ VĐV nữ trẻ của Thể dục dụng cụ chưa đủ tầm để kế cận.
Đặc biệt, sự trở lại của Ngân Thương đã làm tăng động lực, tiếp thêm sức mạnh cho các VĐV trẻ trong toàn đội. Đây là một sự tính toán và chuẩn bị rất chặt chẽ của ban huấn luyện cũng như những người làm công tác quản lý môn Thể dục dụng cụ.
Bà có thể cho biết, kế hoạch sắp tới của môn Thể dục dụng cụ ở các sân chơi lớn mà trước hết là Olympic Luân Đôn 2012?
Sân chơi mà môn Thể dục dụng cụ muốn hướng đến đó là ASIAD và Olympic, cho đến thời điểm này các VĐV của chúng ta đều có khả năng và chuyên môn rất tốt. Nếu trong thời gian tới chúng ta có sự chuẩn bị chặt chẽ ở tất cả các khâu và sự ủng hộ nhiều hơn nữa của các cấp quản lý như Bộ VH,TT&DL, Tổng cục TDTT... thì tôi tin tưởng rằng Thể dục dụng cụ sẽ còn có những bước tiến về thành tích xa hơn nữa và con số VĐV tham dự Olympic không chỉ dừng lại ở con số 1, 2 mà có thể lên đến 4, 5.
Những thành tích mà Thể dục dụng cụ vừa đạt được tại SEA Games 26 có tác động như thế nào đến kế hoạch phát triển Thể thao thành tích cao nói chung và chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020, thưa bà?
Những thành tích mà Thể dục dụng cụ đã đạt được chắc chắn sẽ có tác động rất lớn đến kế hoạch phát triển Thể thao thành tích cao và chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020 trong thời gian tới. Trước đây, kế sách "đi tắt đón đầu" để đẩy mạnh và đưa Thể thao Việt Nam đến gần với khu vực và Châu lục hơn là rất hữu ích nhưng cho đến bây giờ thì có lẽ nó không còn phù hợp nữa. Hiện nay, Thể thao Việt Nam đã có một nội lực khá mạnh và phát triển rộng rãi, sắp tới đây trong kế hoạch phát triển Thể thao thành tích cao thì các môn Thể thao nằm trong hệ thống thi đấu Olympic chắc chắn sẽ được tập trung đầu tư phát triển mạnh.
Hy vọng, sau thành tích đạt được tại SEA Games 26, Thể dục dụng cụ sẽ có được sự đầu tư và quan tâm nhiều hơn nữa để môn Thể thao này ngày càng được phát triển rộng rãi trong toàn quốc và đạt thành tích cao tại các đấu trường Châu lục và trên thế giới.
NPV Hương