Menu

TTVN thẳng thắn nhìn nhận kết quả Olympic Tokyo 2020, tìm hướng đi mới cho mục tiêu ngắn hạn và dài hạn

TTVN thẳng thắn nhìn nhận kết quả Olympic Tokyo 2020, tìm hướng đi mới cho mục tiêu ngắn hạn và dài hạn

17 Tháng Chín 2021

Thẳng thắn nhìn nhận, phân tích sâu những tồn tại từ sân chơi Olympic…

Theo báo cáo của Phó Tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn tại buổi làm việc: Thời điểm đoàn Thể thao Việt Nam lên đường tham dự Olympic Tokyo 2020 đúng lúc Việt Nam đang tái bùng phát trở lại dịch Covid – 19. Chính vì vậy, đoàn đã có sự chuẩn rất kỹ về các điều kiện đảm bảo y tế theo khuyến cáo của Bộ Y tế Việt Nam và Nhật Bản về phòng chống dịch.

Thành tích tốt nhất của đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo 2020 là lọt vào bán kết nội dung 400m rào nữ của VĐV Quách Thị Lan, môn Điền kinh. Sau khi trở về từ Nhật Bản, 11 đội tuyển đã đánh giá kết quả thi đấu, phân tích những mặt mạnh, những tồn tại để tìm ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục.

Theo ông Trần Đức Phấn sở dĩ tại Olympic Tokyo 2020 đoàn Thể thao Việt Nam chưa có được thành tích như kỳ vọng đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Và một trong số đó chính là rào cản về ngoại ngữ, nhất là các HLV, VĐV. Điều đó dẫn đến các vấn đề cần trao đổi về chuyên môn sâu, VĐV chưa nắm hết được ý tưởng huấn luyện từ các chuyên gia, HLV người nước ngoài để hoàn thiện, nâng cao năng lực bản thân. Đây là một trong những tồn tại, hạn chế của HLV, VĐV Việt Nam trong nhiều năm qua.

Bàn luận và phân tích về những mặt chưa làm được tại kỳ Olympic lần này của VĐV Việt Nam, ông Ngô Ích Quân – Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 2 cho biết: về thể trạng, tầm vóc VĐV Việt Nam (thấp bé, mảnh mai) còn nhiều hạn chế đối với nhiều môn thể thao Olympic, nhất là đối với các môn liên quan đến quy định về hạng cân. Bên cạnh đó, trong suốt hai năm qua, cơ bản các đội tuyển và các VĐV trọng điểm không được đi tập huấn và thi đấu quốc tế do dịch bệnh Covid – 19 kéo dài. Điều này ảnh hưởng lớn tới thành tích thi đấu của các VĐV Việt Nam. Một số môn áp dụng giải pháp thuê chuyên gia nước ngoài, tuy nhiên số chuyên gia này trình độ trung bình khá, chưa thuê được chuyên gia thực sự tốt, chất lượng cao do hạn chế về nguồn lực tài chính.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân quan trọng nữa đó chính là nguồn nhân lực tuyển chọn đầu vào VĐV đỉnh cao từ nhiều năm qua chưa đạt được chất lượng như mong muốn. Bởi ngay từ tuyến thể thao cơ sở, thể thao trường học chưa phát triển mạnh. Môn giáo dục thể chất trong các trường học từ nhiều năm qua chưa được chú trọng, quan tâm. Điều này vô hình tạo nên sự thiếu hụt về nguồn lực và mất đi cơ hội vàng phát triển thể lực, tầm vóc của thế hệ trẻ (lứa tuổi học sinh tiểu học đến giai đoạn dậy thì).

Giá trị lớn nhất từ sân chơi Olympic mang lại cho các quốc gia chính là giá trị về sức lan tỏa tinh thần thể thao, sự đoàn kết, giới thiệu nhiều nền văn hóa, kết nối bạn bè trên toàn thế giới. Giá trị thứ 2 chính là thành tích của VĐV ở mỗi quốc gia, qua đó khẳng định được vị thế, tầm ảnh hưởng của mình tới các quốc gia khác. Đối với Olympic Tokyo 2020, đoàn Thể thao Việt Nam đã làm tốt công tác lan tỏa tinh thần thể thao, song lại chưa thành công về thành tích. Đây là điều mà trong nhiều ngày qua giới chuyên môn, các nhà quản lý đã và đang suy nghĩ rất nhiều để tìm ra phương hướng phát triển đúng, trúng cho các nhiệm vụ quốc tế quan trọng vào thời gian tới. Đây chính là chia sẻ của ông Hoàng Quốc Vinh – Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao 1, Tổng cục TDTT.

Trong khuôn khổ buổi làm việc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lê Thị Hoàng Yến cho rằng: Hiện khu thể thao dưới nước và sân vận động Mỹ Đình thuộc khu Liên hợp Thể thao quốc gia Mỹ Đình có điều kiện về cơ sở vật chất đạt tiêu chuẩn quốc tế, rất tốt cho việc tập luyện của các môn thể thao như: Điền kinh, Bơi, Nhảy cầu. Song từ nhiều năm nay, các môn thể thao này không được tập luyện tại đây. Điều này dẫn đến lãng phí và không tạo được cơ chế tốt nhất về điều kiện cơ sở vật chất phục vụ tập luyện và thi đấu của VĐV đỉnh cao Việt Nam. Nhận thấy, sự thiếu hợp lý này nên gần đây Tổng cục TDTT đang xây dựng các kế hoạch đưa các nhóm môn Điền kinh, Bơi, Nhảy Cầu, Lặn về tập trung tại Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, nhưng hiện do điều kiện vì dịch bệnh Covid – 19 đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam nên kế hoạch đó chưa thể thực hiện được.

… tìm ra hướng đi mới cho mục tiêu ngắn và dài hạn

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương nêu ý kiến từ đấu trường Olympic Tokyo 2020, chúng ta thẳng thắn nhận thấy một vấn đề nổi cộm rằng: trong số các môn trong hệ thống thi đấu Olympic, có một số môn thể thao không phù hợp với thể trạng của người Việt Nam. Điều đó, dẫn tới cơ hội giành Huy chương cho đoàn Thể thao Việt Nam gần như không thể. Chính vì vậy, thời gian tới ngành TDTT cần rà soát thật kỹ lại những môn thể thao này có cần thiết xếp vào đầu tư trọng điểm nữa không? Từ đó, xây dựng nên một chiến lược phát triển Thể thao phù hợp về yếu tố con người cũng như mục tiêu thành tích mà Thể thao Việt Nam muốn hướng đến trong thời gian tới.

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho rằng, việc thay đổi nhận thức, cách làm như kể trên không phải là “vắt chanh bỏ vỏ” mà là đầu tư đúng người, đúng mục đích và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Lúc này, mục tiêu quan trọng nhất của thể thao Việt Nam chính là sắp xếp lại nguồn lực để có sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ Asiad sắp tới tại Hàng Châu và Olympic diễn ra tại Pháp. Đồng thời, nghiên cứu kỹ hơn nữa về chế độ dinh dưỡng, xây dựng tâm lý vững chắc, khắc phục mọi khó khăn của dịch bệnh để đưa các VĐV vào guồng tập luyện liên tục, không bị đứt gãy, gián đoạn quá trình tập luyện. Mạnh dạn lựa chọn những VĐV trẻ tài năng đôn lên tuyển quốc gia đầu tư trọng điểm (nếu triển vọng có khả năng giành thành tích cao). Thẳng thắn loại bỏ những VĐV đã quá tuổi thi đấu, hoặc quá thời điểm phong độ thi đấu đỉnh cao nhằm làm mới lực lượng, thay đổi tư duy của một số HLV chưa phát huy được hết năng lực.

Đánh giá cao các ý kiến đóng góp, phân tích rất sâu, cụ thể từ các thành viên dự họp về các nguyên nhân, bài học rút ra của đoàn thể thao Việt Nam tham dự Olympic Tokyo 2020, cũng như báo cáo của Tổng cục TDTT rất công phu và mang tính khoa học, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị Tổng cục TDTT xem xét thực hiện nghiêm túc 4 nhóm vấn đề quan trọng để xây dựng chiến lược phát triển thể thao trong thời gian tới:

Thứ nhất, ngành TDTT phân tích, cân nhắc thật kỹ, chính xác về việc lựa chọn nhóm môn phù hợp với mục đích chiến lược phát triển của từng giai đoạn cụ thể, mà gần nhất là trong 5 năm tới đây.

Thứ hai, phải làm thật tốt công tác tuyển chọn VĐV ngay từ tuyến cơ sở. Kịp thời phát hiện, bồi dưỡng các tài năng thể thao (tìm kiếm trên diện rộng khắp cả nước) và đảm bảo các điều kiện thi đấu tốt nhất để VĐV phát huy được trình độ, tài năng bản thân.

Thứ ba, quan tâm chú trọng tới đội ngũ Huấn luyện viên, chuyên gia… lựa chọn những người có tâm, trình độ chuyên môn giỏi, có thực lực. Bộ trưởng khẳng định: “ Muốn có học trò giỏi thì phải có thầy giỏi, mà đối với thể thao muốn có học sinh giỏi thì phải phát hiện từ sớm để uốn nắn, trui rèn”.

Thứ tư, điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho VĐV tập luyện đảm bảo tiêu chuẩn, tốt nhất trong điều kiện hiện có của Việt Nam.

Từ bốn nhóm vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị Tổng cục TDTT luận giải, tìm hiểu thật kỹ, khẩn trương xây dựng chiến lược phát triển thể thao đỉnh cao trong những năm tới để đệ trình Chính phủ.

Cùng với đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định: muốn có một nền thể thao phát triển bền chặt, chắc chắn định hướng chiến lược phát triển của ngành TDTT phải luôn lấy quan điểm phát triển thể thao quần chúng làm nền tảng để phát triển thể thao đỉnh cao. Bộ trưởng mong muốn, tập thể cán bộ trong toàn ngành thể thao hãy luôn đoàn kết, gạt bỏ những cái tôi, thẳng thắn nhìn nhận vào những tồn đọng đưa ra phương án giải quyết phù hợp để xây dựng ngành phát triển vững mạnh.

Bài, ảnh N.H
Print

Số lượt xem (572)/Bình luận (0)

Tags:

Comments are only visible to subscribers.