Menu

Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập, chủ quyền dân tộc và nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay

Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập, chủ quyền dân tộc và nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay

08 Tháng Sáu 2013

Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập, chủ quyền dân tộc và nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay

Chuẩn đô đốc Đinh Gia Thật - Chính uỷ Quân chủng Hải Quan (Ảnh: Văn Duy)
Trong đó nhấn mạnh: Biên giới, chủ quyền lãnh thổ, độc lập - tự do... là những phạm trù rất thiêng liêng, gắn liền với khái niệm Tổ quốc trong mỗi người dân đất Việt. Trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam, “biên cương” là nơi địa đầu, là phên dậu của Tổ quốc, là tài sản vô giá của cả dân tộc, lớp lớp các thế hệ cha ông phải đổ bao xương máu mới có được, mọi người đều phải có trách nhiệm giữ gìn nghiêm ngặt, bảo vệ vẹn toàn.

Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, người Cha của các lực lượng vũ trang nhân dân đã sớm thấy được giá trị to lớn của vấn đề “tự do, độc lập” của dân tộc. Nghiên cứu tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đấu tranh cách mạng, về giải phóng dân tộc, về bảo vệ Tổ quốc toát lên tư tưởng sâu sắc của Người về “bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia”. Tư tưởng ấy được thể hiện ở những nội dung cơ bản sau:

Biên giới quốc gia (BGQG) là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, mỗi người Việt Nam phải biết giữ gìn, bảo vệ. Trong quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, biên giới quốc gia (kể cả biên giới đất liền và biên giới biển) có nguồn tài nguyên thiên nhiên to lớn, là nơi địa đầu - cửa ngõ của Tổ quốc, địa bàn chiến lược cả về chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và đối ngoại. Bác đã từng nói: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển của ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Xuất phát từ vị trí ý nghĩa chiến lược của biên giới quốc gia, chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu: Giữ nhà mà không giữ cửa có được không? Kẻ gian tế vào chỗ nào trước? Nó vào ở cửa trước". Do vậy Người khẳng định chúng ta cần phải “canh cửa cho Tổ quốc".

Bộ VHTTDL tổ chức nghe thời sự với nội dung tư tưởng HCM về độc lập, chủ quyền dân tộc và nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay (Ảnh: Văn Duy)
Quan điểm tư tưởng cơ bản về bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam trong tình hình mới được thể hiện trong các Nghị quyết của Đảng, tập trung chủ yếu ở Nghị quyết về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc và Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Ông Đinh Gia Thật nhấn mạnh, nhiệm vụ bảo vệ vững chắc toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc là hết sức nặng nề và vẻ vang, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc; trong đó, Hải quân Nhân dân Việt Nam là nòng cốt của nền quốc phòng toàn dân trên biển.

Để bảo vệ vững chắc toàn vẹn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và tình hữu nghị với các nước láng giềng, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, trước hết, cần phát huy sức mạnh tổng hợp, giữ vững độc lập chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải, vùng trời Tổ quốc. Cần tận dụng mọi tiềm năng, thế mạnh của biển, đảo, động viên, thu hút mọi nguồn lực để phát triển kinh tế, tăng cường quốc phòng, an ninh trên biển; cả nguồn lực trong nước và nguồn lực ngoài nước, vừa hợp tác vừa đấu tranh, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế biển và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo. Kết hợp chặt chẽ các hình thức, biện pháp chính trị, ngoại giao, pháp lý, kinh tế, quốc phòng trong quản lý vùng trời, bảo vệ biển, đảo.

Ông Đinh Gia Thật cho biết: trước tình hình tranh chấp chủ quyền biển, đảo trên Biển Đông diễn ra phức tạp, đặt ra yêu cầu cao phải tăng cường tổ chức lực lượng và phát huy sức mạnh của toàn dân, đấu tranh toàn diện, bằng các hình thức, biện pháp linh hoạt, thông qua chủ trương, kế hoạch chỉ đạo, điều hành tập trung thống nhất trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, pháp lý, kinh tế, quốc phòng. Sự kết hợp đó phải được tổ chức thực hiện trong từng lực lượng, bộ, ngành và giữa các bộ, ngành, từ Trung ương đến địa phương, kết hợp cả trong nước và ở ngoài nước.

Để kết hợp đấu tranh hiệu quả, cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật biển, làm cơ sở cho việc xác lập chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia; triển khai chặt chẽ việc phân vùng, bố trí dân cư ven biển với tổ chức các lực lượng bảo vệ chủ quyền biển đảo; ban hành chính sách khuyến khích mạnh mẽ nhân dân định cư sinh sống ổn định lâu dài trên đảo và làm ăn trên biển dài ngày. Các địa phương có biển, đảo cần có chủ trương, giải pháp, kế hoạch phù hợp, nhằm tăng cường nghĩa vụ, trách nhiệm của các doanh nghiệp và nhân dân trong quản lý bảo vệ, khai thác các lợi ích từ biển. Giải quyết các bất đồng, tranh chấp thông qua thương lượng hòa bình, tôn trọng nhau, bình đẳng cùng có lợi. Đây là nguyên tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế, được ghi trong Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật biển năm 1982. 

Tình hình hiện nay đang phức tạp với nhiều diễn biến khó lường, nhưng chúng ta hãy tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, hãy tin ở sức mạnh của dân tộc, hãy tin ở ý chí quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ các lực lượng bảo vệ chủ quyền biển, đảo mà Quân chủng hải quân là lực lượng nòng cốt.

A.T
 

Print

Số lượt xem (5097)/Bình luận (0)

Tags:

Comments are only visible to subscribers.