 |
Bóng chuyền VN đang sở hữu một dàn cầu thủ đầy triển vọng (Ảnh: VD) |
Thực tế phát triển của Bóng chuyền khu vực Đông Nam Á lâu nay cho thấy, mặc dù được thừa nhận ở vị trí đứng đầu nhưng người Thái (kể cả đội tuyển nam và nữ) chưa bao giờ mời các cầu thủ nước ngoài chơi ở giải VĐQG của họ, nhất là ở giải nam. Tuy nhiên, sau những bước tiến dài của Bóng chuyền nữ Thái Lan để giúp họ có mặt ở các sân chơi lớn tầm Châu Á và thế giới, giờ đây dường như người Thái bắt đầu hướng đến mục tiêu đưa Bóng chuyền nam tiếp bước các đồng nghiệp nữ để có thể nhanh chóng trở thành quốc gia có phong trào Bóng chuyền mạnh không chỉ ở trong khu vực. Việc LĐBC Thái Lan tái sử dụng phương pháp mở rộng cửa cho các cầu thủ nam thi đấu tại Bahrain, Qatar, Indonesia hay Việt Nam trong thời gian qua là một minh chứng. Và năm 2010 có thể được xem là một bước ngoặc mang tính đột phá của Bóng chuyền Thái Lan khi họ vừa cho phép các CLB trong nước được tăng cường cầu thủ ngoại để thi đấu giải VĐQG, đặc biệt là nguồn VĐV giỏi đến từ Việt Nam.
Với Bóng chuyền Việt Nam, đây là một tín hiệu đáng lạc quan dù cả hai đội tuyển nam, nữ thi đấu không mấy thành công tại SEA Games 25 – 2009, nhưng hiện Việt Nam vẫn có một dàn cầu thủ đầy tiềm năng. Minh chứng cho điều này có thể thấy, ngoài Ngọc Hoa - ngôi sao sáng duy nhất của Bóng chuyền nữ, là mũi phụ công lợi hại hàng đầu khu vực Đông Nam Á được một số CLB của Thái như Korat hay Nakhon mời gọi, những cái tên như: Quang Khánh, Văn Kiều, Hữu Hà và sắp tới có thể còn nhiều gương mặt khác được người Thái “chấm”đã chứng tỏ Bóng chuyền nam Việt Nam là môn thể thao có nhiều triển vọng.
Thực tế cũng cho thấy, sau lần đầu tiên tuyển thủ quốc gia Ngô Văn Kiều xuất ngoại, Bóng chuyền Việt Nam đang đứng trước cơ hội và triển vọng về nhiều mặt. Việc đầu quân cho các CLB nước ngoài là môi trường tốt để các cầu thủ có thể khẳng định năng lực thực sự của mình ở đấu trường khu vực, từ đó làm bệ phóng tiến xa hơn ra tầm châu lục trong một tương lai gần.
Về vấn đề này, Tổng Thư ký Trần Đức Phấn cho biết: Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam hiện vẫn chưa nhận được văn bản chính thức nào từ phía đối tác, vì đây mới chính là cơ sở để thực hiện việc chuyển nhượng. Theo nguyên tắc, các CLB của Thái Lan phải đề nghị với Liên đoàn của họ để từ đó, Liên đoàn Bóng chuyền Thái Lan gửi văn bản sang Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam. Mọi thủ tục chuyển nhượng quốc tế (ITC) cho cầu thủ đều phải thực hiện đúng quy trình do Liên đoàn Bóng chuyền quốc tế (FIVB) quy định. Tuy vậy, đó mới chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ bởi về mặt quản lý nhà nước, sau khi hai bên đã thỏa thuận và đồng ý về mặt chủ trương chuyển nhượng cầu thủ, các CLB của Việt Nam còn phải xin phép để được sự chấp thuận của lãnh đạo UBND tỉnh, thành quản lý trực tiếp và Bộ VH,TT&DL.
Thanh Tùng