Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc Trung tâm HLTTQG Hà Nội đã báo cáo tóm tắt về tình hình hoạt động, cơ cấu tổ chức của Trung tâm, trong đó nhấn mạnh: TTHLTTQG Hà Nội là trung tâm trọng điểm của ngành TDTT trong công tác đào tạo, huấn luyện VĐV thể thao thành tích cao. Hàng năm Trung tâm quản lý và phục vụ từ 60 -70 đội tuyển, tuyển trẻ quốc gia với hơn 1000 HLV, VĐV. Tại các kỳ SEA Games, Asiad và Olympic, các VĐV tập huấn tại Trung tâm luôn đóng góp 2/3 tổng số huy chương cho đoàn Thể thao Việt Nam. Năm 2013, tại SEA Games 27 các đội tuyển do Trung tâm quản lý đạt 41/73 HCV trong đó tập trung tại Trung tâm có 8 đội gồm: Vật, Bắn súng, Điền kinh, Karatedo, Taekwondo, Bắn cung, Pencak Silat, Judo.
|
Toàn cảnh buổi làm việc (Ảnh: Y Trang) |
Trong nhiều năm qua chất lượng đào tạo HLV, VĐV luôn được chú trọng hàng đầu, hàng năm tại các cuộc thi đấu quốc tế, đặc biệt là các kỳ SEA Games, VĐV các đội tuyển tập huấn tại Trung tâm đều đạt thành tích cao chiếm từ 60 - 70% thành tích của đoàn Thể thao Việt Nam, xứng đáng là Trung tâm số 1 của quốc gia. Để đạt được thành tích đó, Trung tâm thường xuyên phát động các phong trào thi đua, đặc biệt là cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" được toàn thể cán bộ nhân viên, huấn luyện viên, vận động viên hưởng ứng nhiệt liệt bằng nhiều việc làm thiết thực và đạt hiệu quả cao.
Duy trì tốt việc học tập văn hóa, ngoại ngữ, đại học tại chức TDTT cho các VĐV (đã phối hợp với Trường Đại học TDTT Bắc Ninh tổ chức thi đầu vào lớp Đại học TDTT hệ vừa làm vừa học cho 62 cán bộ, HLV, VĐV). Công tác tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện VĐV thể thao thành tích cao phần nhiều vẫn còn phụ thuộc Tổng cục TDTT nên trong công tác này vẫn còn biểu hiện nhiều bất cập.
Song, thực tế trong nhiều năm qua cho thấy việc xây dựng, kiến nghị về chính sách đãi ngộ đối với các VĐV, HLV đỉnh cao vẫn còn gặp nhiều vướng mắc và chưa thực sự thỏa đáng với công sức mà các HLV, VĐV đã bỏ ra trong nhiều năm đơn cử như: việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thân thể cho VĐV (hiện nay VĐV bị chấn thương không thể tiếp tục tập luyện hoặc thi đấu vẫn chưa có chế độ đãi ngộ cụ thể). Mặc dù, Trung tâm đã rất cố gắng nhưng cũng chỉ mua được bảo hiểm y tế cho các VĐV, HLV.
Riêng về vấn đề này, đã có nhiều ý kiến đóng góp cũng như các câu hỏi từ phía các đại biểu trong đoàn đặt ra cho Ban giám đốc Trung tâm nhằm tìm ra các phương án, đề xuất phù hợp nhất giúp Trung tâm khắc phục và giải quyết công việc này một cách hiệu quả và mang lại kết quả tốt nhất.
Thêm một vấn đề quan trọng nữa trong khuôn khổ buổi làm việc được các đại biểu quan tâm đó chính là công tác đào tạo VĐV chuẩn bị cho Asiad 18 diễn ra vào năm 2019 do Việt Nam đăng cai tổ chức. Trả lời về điều này, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc Trung tâm cho biết: Mặc dù Việt Nam đã có kinh nghiệm tổ chức các sự kiện thể thao lớn như SEA Games 22 và Asian Indoor Games III, nhưng đăng cai Asiad 18 - 2019 là một sự kiện lớn mang tầm châu lục nên đòi hỏi yêu cầu cao hơn về quy môn và phương thức tổ chức. Do đó, việc chuẩn bị đề án đăng cai tổ chức là một bước vô cùng quan trọng trong quá trình triển khai công việc trong giai đoạn 6 năm tới để đảm bảo tổ chức thành công sự kiện quan trọng này.
Điều đó được thể hiện bằng việc, Trung tâm đã đưa các môn mũi nhọn cho Asiad và Olympic về tập huấn tại khu A, B để chuẩn bị đầu tư trước mắt và lâu dài nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay của Trung tâm là thiếu nhà thi đấu, nhà ở, nhà tập luyện cho các VĐV. Thông qua Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội, Trung tâm HLTTQG Hà Nội đề nghị cho phép Trung tâm lập đề án xây dựng cơ sở vật chất phục vụ công tác tập luyện và tổ chức thi đấu Asiad 18.
Kết luận tại buổi làm việc ông Nguyễn Văn Tuyết - Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTNNĐ của Quốc hội khắng định: Thể dục Thể thao là một trong những lĩnh vực quan trọng không thể thiếu trong đời sống xã hội, ngoài việc nâng cao sức khỏe người dân còn giúp quảng bá giới thiệu hình ảnh con người và đất nước Việt Nam đến bạn bè trên toàn thế giới. Vì vậy, việc đầu tư và phát triển cho lĩnh vực này đã luôn được Đảng và Nhà nước dành nhiều quan tâm trong những năm qua.
Ông Nguyễn Văn Tuyết đánh giá cao thành tích của Trung tâm HLTTQG đã có nhiều đóng góp cho đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 27. Việc tổ chức Asiad 18 năm 2019 tại Việt Nam không chỉ là vinh dự của ngành mà là vinh dự của cả quốc gia dân tộc. Bởi vậy, Trung tâm HTTQG Hà Nội cần đặc biệt coi trọng công tác tuyển chọn và đào tạo VĐV, cùng với đó là việc giáo dục đạo đức tư tưởng, lối sống, tăng cường học ngoại ngữ cho các VĐV trẻ.
Để thực hiện tốt những mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra, đặc biệt là công tác chuẩn bị cho Asiad 18, TTHLTTQG Hà Nội nói riêng và toàn ngành TDTT phải coi trọng và thực hiện tốt công tác xã hội hóa cũng như phối hợp chặt chẽ với các địa phương và các bộ ban ngành liên quan cùng chung tay, góp sức xây dựng nền thể thao nước nhà ngày càng phát triển bền vững.
N. H