Menu

Vai trò của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho HLV, VĐV trong công tác xây dựng và phát triển ngành TDTT

Vai trò của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho HLV, VĐV trong công tác xây dựng và phát triển ngành TDTT

21 Tháng Tư 2011

Vai trò của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho HLV, VĐV trong công tác xây dựng và phát triển ngành TDTT

TS Lê Hồng Sơn(Ảnh: Thu Thanh)
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng khẳng định: “Công tác tư tưởng đã góp phần nâng cao nhận thức, tính tích cực của cán bộ, đảng viên, nâng cao lòng tin của nhân dân vào đường lối đổi mới, tạo sự nhất trí trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị- xã hội”. Với ý nghĩa và tầm quan trọng như trên, có thể thấy, công tác giáo dục chính trị tư tưởng nói chung luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm, chú trọng.

Đối với lĩnh vực TDTT, công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho các VĐV luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm đối với các đơn vị đào tạo VĐV quốc gia. Hiện tại, cả nước có 4 Trung tâm HLTTQG, được đặt tại 4 địa điểm là Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh. Đây cũng chính là những cái nôi đào tạo VĐV lớn nhất cả nước với khoảng gần 1500 VĐV thuộc các đội tuyển quốc gia, tuyển trẻ. Chính vì vậy, song song với quá trình đào tạo, huấn luyện thể thao, công tác bồi dưỡng về văn hóa, đạo đức, lối sống và kỹ năng cho VĐV luôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng được đặt lên hàng đầu đối với các Trung tâm HLTTQG.

Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, khi thể thao Việt Nam đã và đang trong quá trình hội nhập với thế giới, vấn đề đào tạo VĐV đỉnh cao không vì thế chỉ tập trung ở mặt chuyên môn, trái lại chúng ta phải không ngừng tăng cường giáo dục đạo đức thể thao đối với VĐV thể thao thành tích cao và VĐV chuyên nghiệp. Điều này đã được khẳng định trong nhiệm vụ phát triển thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp của ngành TDTT (chiến lược phát triển thể thao Việt Nam đến năm 2020).

Thực tiễn đã chứng minh, trong những năm qua, đặc biệt là khoảng 1 thập niên trở lại đây, sự nghiệp TDTT nước nhà không ngừng vươn lên và từng bước khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế. Những thành tựu mà TTVN đạt được đã động viên tinh thần, củng cố niềm tin của đội ngũ HVL, VĐV, cán bộ và những người làm công tác TDTT.

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu về rèn luyện sức khoẻ, hưởng thụ văn hoá, thể dục thể thao trong xã hội sẽ gia tăng. Trình độ văn hoá, hiểu biết xã hội, ý thức chấp hành kỷ luật, lối sống của đội ngũ VĐV, HLV thể thao đã từng bước được nâng cao. Và quan trọng hơn, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng ngành TDTT luôn được Đảng, Nhà nước và lãnh đạo Ngành thường xuyên quan tâm, chăm lo. Điều này được thể hiện rõ qua các Văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là Luật TDTT đã được ban hành và đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, đâu đó, một bộ phận VĐV, HLV, trọng tài, cán bộ TDTT có biểu hiện sa sút về phẩm chất chính trị, đạo đức, có những hành vi tiêu cực, thậm chí vi phạm pháp luật như: mua bán tỷ số, cá độ, gian lận tuổi, bạo lực trong tập luyện và thi đấu thể thao…, gây ảnh hưởng không nhỏ tới danh dự, uy tín và sự phát triển chung của ngành, đồng thời có ảnh hưởng xấu tới xã hội.

Mặc dù các hành vi tiêu cực đều được xử lý nghiêm minh, song vì những nguyên nhân khách quan, lẫn chủ quan, các hiện tượng tiêu cực vẫn xuất hiện như một sự hiển nhiên trong nhiều giải thi đấu thể thao. Báo cáo tổng kết công tác năm 2010 của Bộ VH,TT&DL  cũng đã thẳng thắn chỉ ra rằng: "Công tác quản lý nhà nước về tổ chức các giải thể thao, đặc biệt là trong bộ môn Bóng đá còn hạn chế. Các hiện tượng tiêu cực, bạo lực thể thao, chủ yếu xảy ra trong giải lớn môn Bóng đá nam chưa giảm. Các hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp của vận động viên, các vụ ẩu đả của cổ động viên trong và sau trận đấu vẫn tái diễn".

Thực trạng trên cho thấy, việc tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng ngành TDTT nhằm nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ văn hóa cho cán bộ, HLV, VĐV và trọng tài vẫn là giải pháp quan trọng số 1 được đặt ra đối với các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý và trực tiếp là các Trung tâm HLTTQG. Tuy nhiên, vấn đề làm thế nào để nâng cao hiệu quả của công tác giáo dục chính trị, đạo đức cho VĐV, HLV quả là nhiệm vụ không dễ dàng. Bởi lẽ, các tác động môi trường sống, tình hình kinh tế xã hội, an ninh xã hội cùng với lối sống hội nhập của một bộ phận thanh thiếu niên hiện nay ảnh hưởng lớn đến công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đối với thế hệ trẻ Việt Nam nói chung, các VĐV, HLV… ngành TDTT nói riêng.

Bên cạnh đó, nền kinh tế đất nước đang trong quá trình phát triển, việc đầu tư cho lĩnh vực TDTT còn hạn chế, đời sống của của cán bộ, HLV, VĐV còn nhiều khó khăn và đặc biệt là nhận thức về chính trị, tư tưởng của lực lượng HLV, VĐV không đồng đều, trong đó một bộ phận lực lượng VĐV, HLV có thái độ đề cao cá nhân, sớm thoả mãn...

Do vậy, để nâng cao hiệu quả của công tác giáo dục chính trị, đạo đức cho đội ngũ VĐV, HLV, cán bộ làm công tác thể thao, thiết nghĩ chúng ta cần thực hiện tốt một số giải pháp sau;

- Trong kế hoạch của các đội tuyển quốc gia nhất thiết và bắt buộc phải có chương trình, nội dung giáo dục công dân, giáo dục chính trị bằng nhiều chủ đề cụ thể, chi tiết. Điều này phải được thực hiện từ khi các đội tuyển xây dựng kế hoạch huấn luyện, tránh tình trạng chỉ làm một cách qua loa, hình thức hoặc thậm chí chỉ xây dựng chứ không thực hiện.

- Các Trung tâm huấn luyện, đào tạo VĐV cần phải có các chương trình, nội dung sinh hoạt văn hoá, giáo dục chính trị, giao lưu giao tiếp cho VĐV. Hàng tuần phải tổ chức sinh hoạt chính trị lồng ghép từ 1 – 2 giờ và đánh giá vào sáng thứ 2 hàng tuần trước toàn Trung tâm. Hàng tháng có sơ kết đánh giá chung toàn diện.

- Cần phải thường xuyên quan tâm, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, HLV. Bởi những người thầy có vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến nhân cách, đạo đức của học trò. Do vậy, đòi hỏi đội ngũ cán bộ HLV phải là tấm gương sáng về mọi mặt để VĐV noi theo.

- Các Trung tâm huấn luyện, đào tạo VĐV phải tạo ra một môi trường lành mạnh về tinh thần và đạo đức để rèn luyện VĐV. Cần quan tâm, chấn chỉnh các nghi thức mang tính giáo dục đối với VĐV trong hoạt động và thi đấu thể thao. Đơn cử như khi chào cờ các VĐV phải hát Quốc ca, nghi lễ chào cờ, các bài hát về thể thao và các phòng tập phải có cờ Tổ quốc, khẩu hiệu...  những nghi thức dù rất nhỏ, nhưng nếu không có sự giáo dục thường xuyên sẽ dễ bị xem là không cần thiết, và nếu thực hiện thì qua loa, không thể hiện tính trang nghiêm, thậm chí là bị lãng quên.

- Cuối cùng là thường xuyên tăng cường công tác truyền thông, thông tin, tuyên truyền và động viên, khích lệ tinh thần tự hào dân tộc của mỗi VĐV, đặc biệt là các VĐV có thành tích tại các giải thi đấu thể thao trong nước cũng như quốc tế.

TS Lê Hồng Sơn

 

Print

Số lượt xem (6447)/Bình luận (0)

Tags:

Comments are only visible to subscribers.