Theo báo cáo của Văn phòng Ban điều phối, đến nay đã có hơn 44 tỉnh, thành thành lập Ban chỉ đạo đề án và đặc biệt, có một số tỉnh bày tỏ sự ủng hộ cũng như mong muốn được triển khai sớm (dù kinh phí phân bổ cho Đề án chưa được phê duyệt).
Trong Quý I, Văn phòng Ban điều phối cũng đã tiến hành hoàn thiện hồ sơ phê duyệt 4 chương trình thành phần cùng các công việc khác như: ổn định nhân sự, phương tiện, trụ sở làm việc tạm thời của Văn phòng Ban điều phối; xây dựng nội quy làm việc tạm thời, quy chế chi tiêu nội bộ…
Đặc biệt, để chuẩn bị tổ chức Hội nghị triển khai Đề án tại 3 miền: Bắc - Trung - Nam (dự kiến diễn ra từ 16 - 17/04 và 23 - 26/04), Văn phòng Ban điều phối đã liên hệ với các địa phương; xây dựng nội dung và kinh phí tổ chức để Hội nghị triển khai đạt kết quả tốt nhất.
Tuy nhiên, trước những khó khăn, hạn chế làm chậm tiến độ của Đề án, Phó Tổng cục trưởng Lâm Quang Thành – Giám đốc Văn phòng Ban điều phối xác định việc cần giải quyết ngay chính là xây dựng và ban hành Thông tư liên tịch giữa Bộ Tài chính và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về: “Hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030”.
Song song với đó, các chương trình thành phần cũng cần rà soát lại dự trù kinh phí (tỷ lệ ngân sách của trung ương, địa phương, xã hội hóa sao cho bám sát với Quyết định của Thủ tướng Chính phủ). Phó Tổng cục trưởng cho rằng: Tiến độ của Đề án chậm do một số cán bộ phụ trách chưa thực sự chủ động, linh hoạt trong điều hành, triển khai, sắp xếp công việc. Do vậy, trong thời gian tới, Chủ nhiệm 4 chương trình thành phần phải nêu cao hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo để thành lập được cơ cấu tổ chức, nhân sự nhằm điều tiết công việc hiệu quả, hợp lý và đảm bảo tiến độ.
Ý kiến đóng góp của 4 chương trình thành phần và chuyên gia dự họp:
*TS. Hoàng Công Dân: Trong 4 chương trình thì chỉ có chương trình 4: “tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi xã hội về phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam” cơ bản đi vào hoạt động tốt, còn lại các chương trình 1, 2, 3 triển khai chậm và rất đáng lo ngại. Đặc biệt phải đẩy nhanh tiến độ của chương trình 3 để bắt kịp với năm học 2014 – 2015 (các nhiệm vụ của chương trình này thì phải gắn liền với ngành giáo dục, cụ thể là lịch học của học sinh).
Thêm nữa, việc thống kê các số liệu của chương trình hiện vẫn đang thực hiện một cách rất thủ công mà chưa có phần mềm quản lý.
*TS. Cao Thu Hương: Hiện nay hành lang pháp lý của chương trình 1 và 2 vẫn chưa được kiện toàn. Cụ thể là danh sách Ban chỉ đạo chương trình chưa được thành lập, gây ra rất nhiều khó khăn trong công tác triển khai.
*TS. Đàm Quốc Chính: Mặc dù Đề án đã triển khai và thực hiện được nhiều việc nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Để đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng của các chương trình, Văn phòng Ban điều phối cần giải quyết sớm 5 việc:
- Ban hành Quyết định phê duyệt nội dung 4 chương trình.
- Bằng nguồn kinh phí hiện nay tiến hành tổ chức thi sáng tác logo, bài hát, bộ nhận diện, cổng thông tin điện tử của Đề án.
- Các chương trình lập dự toán chi tiết cho từng giai đoạn phải có sự tham mưu của Bộ Tài chính.
- Nhanh chóng tổ chức các Hội nghị (Hội nghị quán triệt cho các tỉnh, thành; Hội nghị phối hợp giữa Bộ Tài chính và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Hội nghị các Nhà tài trợ) để thực hiện chương trình này.
- Văn phòng Ban điều phối cần xây dựng kế hoạch hoạt động dài hạn để định hướng cũng như xác định tiến độ cho Đề án.
|
Thùy Anh