Hơn 10 năm đã qua đi, kể từ ngày những chuyên gia đầu ngành thể thao thấy được sự cần thiết và quan trọng của việc nâng cao tầm vóc thể lực người Việt Nam, đến nay Đề án 641 mới chính thức được phê duyệt và trở thành một trong những nhiệm vụ lớn của đất nước giai đoạn 2011 – 2030. Nói như vậy để thấy, muốn giải quyết được những vấn đề nêu trên, yếu tố con người là vô cùng quan trọng; xây dựng con người mới toàn diện, hội tụ đầy đủ các yếu tố: đức – trí – thể – mỹ - lao nhất thiết phải nằm trong chiến lược phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc.
Năm 2013 được coi là năm bản lề để triển khai các nhiệm vụ của đề án, bởi thực chất giai đoạn được xác định từ 2011 – 2030 nhưng 2012 chỉ là năm chuẩn bị, hoàn thành thủ tục hành lang pháp lý. Quá trình hơn 10 năm thai nghén đã chứng minh tính cấp thiết của đề án này.
Nhìn ra thế giới
Từ nhiều thập kỷ trước, một số quốc gia Châu Á, đặc biệt Nhật Bản đã rất chú trọng phát triển thể lực, tầm vóc con người, nhằm mục tiêu phát triển nguồn nhân lực, thu hẹp khoảng cách phát triển so với các quốc gia Châu Mỹ và Châu Âu.
Nhật Bản và một số quốc gia khác đã ứng dụng thành công các giải pháp đồng bộ về dinh dưỡng và TDTT để trực tiếp tác động đến hệ xương, nâng cao tầm vóc thân thể, chức năng cơ thể đồng thời trực tiếp phát triển thể lực nhân dân. Từ năm 1950 – 1970 (tức là sớm hơn so với Việt Nam bây giờ là hơn 40 năm), Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện chương trình tăng chiều cao thân thể người Nhật bằng các giải pháp đồng bộ, trực tiếp là dinh dưỡng và TDTT hợp lý đối với con người từ bào thai tới 18 tuổi.
Họ coi dinh dưỡng và thể thao như hai bánh xe để nâng chiều cao thân thể người Nhật. Ngay từ những năm 50, Nhật Bản đã chú trọng chăm sóc dinh dưỡng cho các trẻ em từ bào thai đến 5 tuổi. Nhờ vậy mà những thanh niên độ tuổi trung bình 20 ở Nhật Bản những năm 1980 đã cao hơn so với các thanh niên không được thụ hưởng chương trình khoảng 10cm.
Hay như công trình nghiên cứu nổi tiếng mang tên Fels của Mỹ - theo dõi chiều cao của một cộng đồng ổn định tại bang Ohio cho thấy, ở nam giới chiều cao trung bình trong độ tuổi 20 vào năm 1886 - 1920 là 177 cm, đến năm 1921 - 1949 tăng lên 180,9 cm, và đến năm 1950 - 1968 thì đạt đỉnh cao là 181,8 cm. Nói cách khác, sau gần nửa thế kỉ chiều cao tăng 4,8 cm. Trong cùng thời gian này, chiều cao nữ giới phát triển khoảng 3,1 cm. Từ đó, Chính phủ Mỹ đưa ra những chương trình để không ngừng tăng chiều cao, chất lượng dân số như: Chương trình công dân khỏe mạnh từ năm 2000 - 2010 gồm 22 đề án, trong đó có đề án TDTT trường học. Chính phủ Mỹ đưa ra các tiêu chí giảm thiểu bệnh tim, mạch, bệnh béo phì trong thanh, thiếu niên nhi đồng…
Ở một số quốc gia Châu Á khác như: Trung Quốc, Thái Lan, Singapore cũng ý thức được tầm quan trọng của vấn đề này và đã triển khai các chương trình liên quan như: Kế hoạch quốc gia toàn dân rèn luyện sức khỏe, coi TDTT trường học là nền tảng, từ năm 1995, Quốc Vụ Viện Trung Quốc đã ban hành: “Điều lệ TDTT trường học”; hay kế hoạch quốc gia sinh mệnh và sự vận động, đặc biệt chú trọng trang bị cơ sở vật chất cho TDTT trường học.
Và hành động của chúng ta
Thực tế ở nước ta, từ những năm chiến tranh, Bác Hồ có viết: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công. Mỗi một người dân yếu ớt, tức là làm cho cả nước yếu ớt một phần; mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe. Vậy nên tập luyện thể dục, bồi bổ sức khỏe, tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe. Vậy nên tập luyện thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người dân yêu nước”.
Như vậy tư tưởng văn hóa, đạo đức và xây dựng cuộc sống mới lấy con người làm chủ đạo đã được Bác đề cập cách đây rất lâu. Nhưng những năm tháng đó, do đất nước ta còn nghèo, đói, chiến tranh liên miên nên người dân chưa có điều kiện để chăm lo cuộc sống, tập thể dục đều đặn, vấn đề tầm vóc, thể lực vì thế cũng chưa được quan tâm đúng mức.
Hơn nửa thế kỷ qua, cùng với việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đổi mới đất nước, đời sống nhân dân đã từng bước ổn định, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều giải pháp, chính sách quan trọng để nâng cao sức khỏe của nhân dân. Nhờ vậy, tầm vóc, thể lực của người Việt Nam cũng được cải thiện đáng kể. Tuy có chậm hơn so với các quốc gia khác, nhưng đó cũng là kết quả đáng ghi nhận của đất nước mới thoát khỏi cảnh nghèo.
Với chiều cao trung bình 163,7 (nam) và 153,0 (nữ), tầm vóc người Việt Nam còn thua kém rất nhiều so với một số quốc gia trong khu vực Châu Á và càng xa hơn so với các quốc gia Châu Âu. Ai cũng biết rằng chiều cao cơ thể của một dân tộc là hệ quả của sự tương tác của ba yếu tố: gien, dinh dưỡng, và hoạt động thể lực. Không thể kì vọng vào việc can thiệp bằng dinh dưỡng và TDTT mà không xem xét đến yếu tố di truyền. Chúng ta không thể phát triển chiều cao tương đương với người Âu Mĩ trong vòng 20 năm, bởi vì cấu trúc gien của chúng ta không tương đương với cấu trúc gien của người Âu Mĩ.
Song với điều kiện kinh tế của đất nước ta hiện nay, với mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo vệ an ninh, quốc phòng; cùng sự chung tay của nhiều bộ ngành, cơ quan chức năng: TDTT, Y tế, dinh dưỡng, tuyên truyền thì đây là giai đoạn thích hợp để triển khai đề án. Và việc cải thiện được nhiều hay ít cũng sẽ đem lại kết quả nhất định cho tầm vóc, thể lực của người Việt Nam.
Vẫn còn quá sớm đề để khẳng định đề án 641 sẽ thành công nhưng giá trị nó mang lại cho những người sáng lập ra nó là vô giá: “Đó là cảm giác hạnh phúc khi đem đến những thay đổi tích cực cho xã hội; tạo tiền đề trực tiếp để nâng cao chất lượng dân số, phục vụ các mục tiêu hội nhập quốc tế và trên hết đối với mỗi gia đình việc thực hiện các biện pháp chăm sóc dinh dưỡng, phát triển thể chất hài hòa cho con em mình là điều hết sức nhân văn và cao cả”,
Vân Thùy