 |
Võ Huỳnh Anh Khoa tại Hội nghị điển hình tiên tiến ngành TDTT lần I (Ảnh: Việt Duy) |
Đến với Bơi một cách tình cờ
Như biết bao đứa trẻ khác, Võ Huỳnh Anh Khoa được sinh ra hoàn toàn bình thường, khoẻ mạnh. Hoàn cảnh gia đình tuy có nhiều khó khăn, nhưng Khoa luôn được sống trong sự yêu thương hết mực của đại gia đình, bởi không chỉ là con đầu lòng của bố, mẹ mà Khoa còn là cháu "đích tôn" của cả dòng họ.
Năm lên 6 tuổi - cái tuổi đáng nhớ nhất của tuổi học trò với biết bao hồi hộp, thích thú vì lần đầu tiên được cắp sách tới trường, nhưng niềm vui thật ngắn ngủi khi Khoa mới học lớp 1 được chưa đầy 1 tháng, thì tai họa ập tới. Trong một lần ra chơi cùng các bạn, Khoa bị trượt chân ngã, mặc dù được bố, mẹ đưa đi khắp nơi chạy chữa, nhưng cả 2 chân và lưng đều bị liệt hoàn toàn. Đến khi bố, mẹ đưa Khoa vào trung tâm chấn thương chỉnh hình, Bác sỹ đã kết luận Khoa bị ung thư cột sống...
Cả một khoảng thời gian dài tới 2 năm liên tục, Khoa được điều trị ở bệnh viện ung bướu với chi phí rất tốn kém và cuối cùng may mắn cũng đã mỉm cười, thật đặc biệt Khoa là ca đầu tiên qua khỏi (mẹ Khoa kể lại lời bác sỹ). Thế nhưng, cũng từ đây, Khoa không còn đôi chân bình thường để có thể chạy, nhảy, đá bóng như các bạn cùng trang lứa.
Không cam chịu, mẹ Khoa vẫn luôn cố gắng khắc phục hoàn cảnh và tìm mọi cách để giành lại những điều tốt đẹp nhất cho con. Mẹ đã kiên trì đưa Khoa đi châm cứu, chạy điện, vật lý trị liệu suốt một năm nhưng vẫn không đỡ. Rồi, mẹ Khoa nghe nói chỉ có tập bơi là giúp con có thể chóng hồi phục sức khoẻ. Được sự tận tình giúp đỡ, hướng dẫn của bác sỹ, mẹ đã giúp Khoa xuống nước để giảm teo cơ. Thấy có kết quả, hằng ngày một buổi đi học, một buổi chiều Khoa được mẹ cho đi bơi 2 giờ. Từ đó, Khoa chăm chỉ luyện tập bơi với mục đích rèn luyện để tăng cường sức khoẻ.
Và trở thành VĐV khuyết tật môn Bơi với niềm say mê
Vừa mới đây, mẹ Khoa đưa Khoa ra Hà Nội dự Hội nghị điển hình tiên tiến của Tổng cục TDTT, bà tâm sự: "Lúc đầu, gia đình chỉ mong muốn cháu được hoà nhập vào cộng đồng, không nhút nhát, mặc cảm của người bị liệt và chữa khỏi bệnh, nhưng càng về sau, cháu không chỉ tự tin hơn mà ngày càng say mê với môn thể thao này. Rồi cháu không chỉ dừng lại ở bơi chơi, bơi tập mà cháu thích bơi để được đi thi đấu.
Được sự tận tình giúp đỡ của các HLV ở hồ bơi Đại Đồng - Quận Bình Thạnh và hồ bơi Yết Kiêu - Quận I, TP Hồ Chí Minh, trong thời gian đó, Khoa được tham gia các giải của Hội khoẻ Phù Đổng dành cho đối tượng là người bình thường. Đến năm 2003, trong một lần tham dự Hội khoẻ Phù Đổng của TP Hồ Chí Minh, các HLV đã chọn Anh Khoa đưa về đội bơi người khuyết tật Quận Tân Bình thuộc Sở TDTT TP Hồ Chí Minh (nay là Sở VH,TT&DL).
Là VĐV trưởng thành từ phong trào quần chúng, Anh Khoa luôn ý thức được rằng phải biết kết hợp khả năng chuyên môn tốt, tính kiên trì sẽ đem đến sự thành công cho mỗi VĐV dù có là VĐV khuyết tật. Từ đó đến nay, Anh Khoa luôn kiên trì phấn đấu, rèn luyện với niềm say mê và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhớ. Ở các giải toàn quốc từ năm 2004 đến nay, Khoa đã đạt được HCV trong hầu hết các cự ly thi đấu. Đặc biệt trong giai đoạn từ năm 2006 đến 2010, tại 2 kỳ Paragames 2007 và 2009, Khoa đã đạt được 8 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ, phá kỷ lục Paragames. Cao hơn nữa tại Đại hội Châu Á Thái Bình Dương 2006, Khoa đã xuất sắc giành 2 HCV, 1 HCB. Tổng cộng các giải thi đấu từ năm 2003 đến thời điểm này, Khoa giành được 49 HCV, 5 HCB và 2 HCĐ. Hơn cả những bảng vàng thành tích, điều kỳ diệu đã đến với Khoa - bệnh ung thư đã được đẩy lùi.
Năm 2003, giải trẻ Châu Á Thái Bình Dương tổ chức tại Hồng Kông là giải đấu đầu tiên Khoa tham dự dưới màu áo của đội tuyển NKT Việt Nam và cũng là lần đầu tiên Khoa được ra nước ngoài đã để lại nhiều ấn tượng trong đời. Khi đó, Khoa tròn 12 tuổi nên chưa đủ tuổi tham dự Paragames 2 tổ chức tại Việt Nam, nhưng được Uỷ ban TDTT (trước đây) và Hiệp hội thể thao người khuyết tật Việt Nam, Sở TDTT TP Hồ Chí Minh (trước đây) cùng Trung tâm VHTT Quận Tân Bình cử đi tham dự giải trẻ này. Khoa đã giành được thành tích bất ngờ là 4 HCV, 1 HCB và 1 HCĐ. Khi quốc kỳ Việt Nam tung bay cũng là lúc Quốc ca được cất lên tại Đại hội giữa bao bạn bè quốc tế, cháu - một cậu bé bại liệt 12 tuổi tưởng khó giành được sự sống đã bật khóc - Anh Khoa hồi tưởng.
Nhắc đến kỷ niệm đó, Khoa xúc động tâm sự "Cháu không bao giờ quên những người thầy, người HLV đã tận tình chỉ bảo cho cháu những bài học đầu tiên trong môn Bơi, tập thể lực trên cạn cũng như từng động tác kỹ thuật của các kiểu bơi. Đặc biệt, những lời động viên của Chủ tịch nước, của Thủ tướng Chính phủ hay là Bộ trưởng và các bác lãnh đạo đã giúp cháu không còn mặc cảm minh là người khuyết tật nữa. Cháu và gia đình cháu vô cùng rất biết ơn Đảng, Chính phủ, biết ơn ngành TDTT và tất cả người thân, bạn bè đã quan tâm, tạo điều kiện cho cháu có được như ngày hôm nay."
Phấn đấu giành xuất đến Paralympic 2012
Hiện nay, song song với việc tập luyện môn thể thao mình say mê, Khoa đang là sinh viên năm thứ 2 của trường Công nghệ thông tin (chuyên ngành lập trình viên). Trong những lúc rảnh rỗi, Khoa còn phụ giúp các HLV, các HDV dạy bơi tại hồ bơi. Mặc dù với rất nhiều công việc khác, nhưng trong Khoa vẫn luôn luôn khao khát và tích cực tập luyện để bảo vệ thành công 2 tấm HCV đã đạt được tại giải Châu Á Thái Bình Dương và đạt chuẩn để được tham dự Paralympic London năm 2012. Khoa còn suy nghĩ với sức vô cùng nhỏ bé của mình hy vọng thể thao người khuyết tật Việt Nam ngày một phát triển để sánh vai với bè bạn năm Châu.
Thay lời kết
Những tấm huy chương sáng chói, danh giá không chỉ riêng đối với Khoa và gia đình mà Khoa giành được tại các giải thể thao trong và ngoài nước, không chỉ đơn thuần là những kết quả của sự tập luyện chăm chỉ, vững vàng về chuyên môn, mà đó như một bài học điển hình về ý chí, kiên cường, nghị lực khắc phục khó khăn, bệnh tật để vươn lên số phận.
Thể thao không chỉ đem lại cho con người niềm vui, sức khoẻ, những phẩm chất tốt đẹp đó còn là liều thuốc kỳ diệu giúp con người từ trong vô vọng có thể đứng lên vượt qua mọi khó khăn, trở ngại tưởng chừng như không thể vượt qua.
Bảng vàng thành tích của Anh Khoa
Năm 2003: Giải tiền Paragames: 6 HCV (100m, 200m, 400m tự do); 1 HCB (50m tự do); Giải trẻ tại Hồng Kông: 4 HCV (50m, 100m, 200m tự do); 1 HCB (400m tự do), 1 HCĐ (200m hỗn hợp)
Năm 2004: Giải toàn quốc: 3 HCV (200m, 400m tự do, 100m ngửa); 1 HCB (tiếp sức 4x50m tự do)
Năm 2005: Giải toàn quốc: 3 HCV (200m, 400m tự do, 100m bướm)
Năm 2006: Giải toàn quốc: 3 HCV (50m, 100m, 400m tự do); Fespicgames Malaysia: 2 HCV (100m bướm, 100m tự do), 1 HCB (400m tự do).
Năm 2007: Paragames Thái Lan: 4 HCV (100m bướm, 400m tự do, 4x50m hỗn hợp); 1 HCĐ (4x50m tự do); Giải toàn quốc: 50m, 100m tự do, 100m bướm, 4x50m tự do, 4x50m hỗn hợp).
Năm 2008: Giải toàn quốc: 5 HCV (100m bướm, 50m bướm, 100m tự do, 4x50m tự do, 4x50m hỗn hợp). Được chọn là VĐV tiêu biểu.
Năm 2009: Paragames Malaysia: 4 HCV (100m, 400m tự do, 50m bướm, 4x100m hỗn hợp); 1 HCB (4x100m tự do); Giải toàn quốc: 5 HCV.
Năm 2010: giải toàn quốc: 5 HCV (50m bướm, 100m bướm, 50m tự do, 4x50m tự do, 4x50m hỗn hợp
Được trao tặng các phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của các cơ quan: Uỷ ban TDTT nay là Bộ VH,TT&DL, BCH Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản HCM; Quỹ hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam, UBND TP HCM, UBND Quận Tân Bình - TP HCM; được bình chọn VĐV khuyết tật xuất sắc toàn quốc năm 2006, 2007, 2008;
|
HX