Menu

VPF chưa đồng thuận với kết luận của Thanh tra Bộ VH,TT&DL

VPF chưa đồng thuận với kết luận của Thanh tra Bộ VH,TT&DL

18 Tháng Hai 2012

VPF chưa đồng thuận với kết luận của Thanh tra Bộ VH,TT&DL

Tham dự buổi gặp gỡ báo chí, đại diện VPF có: ông Võ Quốc Thắng - Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF, ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF và ông Phạm Ngọc Viễn - Tổng Giám đốc VPF.

Chưa đồng thuận với kết luận của thanh tra, tại buổi gặp gỡ báo chí, ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF cho biết: Kết luận của Thanh tra còn một số điểm phải xem xét lại, đó là: theo quy định tại Khoản 1, điều 74 điều lệ VFF thì các CLB thành viên có quyền đồng sở hữu với VFF về các giải Bóng đá chuyên nghiệp chứ không phải VFF là chủ sở hữu duy nhất. Ông Kiên còn trích dẫn điều 169 và 170 Bộ luật dân sự quy định vấn đề sở hữu bản quyền truyền hình. Theo khoản 1 điều 170 Bộ luật dân sự, các CLB có quyền đồng sở hữu hợp pháp các giải đấu này. VFF ký hợp đồng với AVG không xin ý kiến các CLB là không đúng với quy chế bóng đá chuyên nghiệp.

Thứ 2, Thương quyền được quy định trong hợp đồng của VFF với AVG là toàn bộ bản quyền truyền hình, quyền viết bài, ghi hình trên báo, tạp chí, Internet, truyền hình.... đều đã được VFF bán cho AVG. Theo đó, vấn đề được đặt ra đó là ngoài việc bán toàn bộ thương quyền của các giải Bóng đá, các trận bóng đá của đội tuyển quốc gia cho AVG, VFF còn bán cả thương quyền của đội tuyển quốc gia.

Trong khi, đội tuyển quốc gia không thuộc quyền sở hữu của VFF mà thuộc sở hữu của nhà nước, cụ thể là Tổng cục TDTT và Bộ VH,TT&DL (Điều 35 - Luật TDTT). Và Theo điều 29, Luật quản lý sử dụng tài sản, thì VFF bán thương quyền đội tuyển quôc gia là không phù hợp.

Hơn nữa, từ năm 2011 trở về trước, VFF đều có thông báo chào bán bản quyền truyền hình cho các đài khác nhau, nhưng năm 2011, trước khi ký với AVG, VFF đã không công bố cho các đài như VTV, VTC.... Điều đó là không công khai, thiếu công bằng, giảm sự cạnh tranh, không đúng theo quy định của pháp luật về bán đấu giá. Và như vậy không xác định được giá trị của Hợp đồng một cách hợp lý.

Ông Nguyễn Đức Kiên cũng bày tỏ quan điểm, chúng tôi không chống lại cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi luôn tuân thủ mọi chỉ đạo của Bộ VH,TT&DL, Tổng cục TDTT và VFF cũng như quy định của Pháp luật. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa thấy thoả đáng với kết luận của Thanh tra Bộ VH,TT&DL. Bởi vậy, chúng tôi sẽ họp và sẽ gửi công văn khiếu nại kết luận thanh tra này lên Bộ VH,TT&DL và Thanh tra Chính phủ. Đồng thời VPF sẽ gửi văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo.

Nói về vấn đề bản quyền truyền hình, ông Võ Quốc Thắng - Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF cho rằng: thời hạn hợp đồng 20 năm mà VFF ký với AVG là quá dài, nếu hợp đồng chỉ vài ba năm thì không có vấn đề gì, nhưng hiện giờ còn đến 19 năm nữa. Mỗi năm giá trị hợp đồng tăng 10% thì chi phí của mỗi đội bóng rất cao, với giá trị hợp đồng bản quyền truyền hình mà VFF bán cho AVG, mỗi năm số tiền mà mỗi CLB được nhận không đáng là bao. Với số tiền bỏ ra đầu tư quá lớn mà thu về thế này thì liệu các doanh nghiệp có còn muốn đầu tư cho Bóng đá?

Chính vì vậy, chúng tôi không thể bỏ qua hợp đồng này, và nếu hợp đồng này không được xem xét, chắc chắn sẽ gây nhiều khó khăn cho việc tác nghiệp của báo chí và quan trọng hơn có thể nó sẽ có hại cho sự phát triển của Bóng đá Việt Nam. Bởi lẽ theo xu hướng phát triển, trong những năm tới số lượng CLB chuyên nghiệp tham dự các giải đấu sẽ tăng, mức chi phí đầu tư cũng tăng cao. Nhiệm vụ của VPF là tìm ra nguồn thu hỗ trợ cho các đội tuyển (tập huấn, đào tạo, thi đấu nước ngoài... ). Nếu không tạo ra nguồn thu cho CLB sẽ khó khuyến khích các doanh nghiệp hào hứng đầu tư. Vì sự phát triển của Bóng đá, tôi mong rằng giữa đơn vị đầu tư (AVG) và nhà sản xuất (VPF) cần sớm tìm ra tiếng nói chung.

Hiện tại, việc tạo nguồn thu hỗ trợ công tác đội tuyển đều dùng tiền thuế của dân. Chúng tôi muốn dùng Bóng đá nuôi Bóng đá. Do vậy VPF sẽ làm hết sức mình để thay đổi hợp đồng này và VPF hy vọng cơ quan quản lý nhà nước hiểu được mục đích của VPF.

Khi được hỏi, nếu trường hợp cuối cùng bản hợp đồng vẫn không thay đổi, thì VPF sẽ ứng sử như thế nào?. Ông Nguyễn Đức Kiên cho biết, trước và trong suốt thời gian qua, ở tất cả các Hội nghị, chúng tôi đều đưa ra ý kiến kiến nghị về bản hợp đồng này. Chúng tôi biết, bản quyền truyền hình là một vấn đề phức tạp, nhưng không thể không làm. Chúng tôi tin kiến nghị của chúng tôi sẽ được giải đáp thoả mãn. Dù kết quả thế nào, đúng hay sai, chúng tôi vẫn tiếp tục đầu tư vào Bóng đá. Chúng tôi chỉ có một mong muốn duy nhất là làm sao có lợi nhất cho Bóng đá và vì sự phát triển của Bóng đá Việt Nam.

VD

Print

Số lượt xem (1631)/Bình luận (0)

Tags:

Comments are only visible to subscribers.