 |
Các thành viên trong Hội đồng quản trị VPF sẵn sàng trả lời các câu hỏi của báo giới về bản quyền truyền hình cũng như việc thay đổi tên giải VĐQG chuyên nghiệp (Ảnh: HKT) |
Tham dự cuộc họp có ông Võ Quốc Thắng - Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF, ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF, ông Phạm Ngọc Viễn - Tổng giám đốc VPF, ông Nguyễn Lân Trung - Phó Chủ tịch VFF, ông Dương Vũ Lâm - Trưởng ban trọng tài VFF, đại diện các cơ quan thông tấn báo chí....
Tại buổi gặp mặt, đại diện BTC các giải đấu chuyên nghiệp quốc gia - ông Trần Duy Ly đã thông qua báo cáo tổng hợp sau vòng tứ kết cúp quốc gia - nhựa hoa sen; 4 vòng đấu giải Hạng Nhất quốc gia - Tôn Hoa Sen và giải Ngoại hạng quốc gia - EXimbank 2012. Theo đó, qua các vòng đấu, VPF đã nhận thấy rõ những hạn chế, yếu kém trong công tác tổ chức của BTC giải và BTC các CLB về vấn đề an ninh, an toàn trận đấu; những khuyết điểm của lãnh đạo và HLV các CLB trong công tác giáo dục đạo đức, phong cách thi đấu, thái độ chuyên nghiệp của các cầu thủ và nhất là những hạn chế, thiếu sót của đội ngũ giám sát, trọng tài...
Trao đổi với báo giới về vấn đề bản quyền truyền hình, ông Nguyễn Đức Kiên khẳng định: Chúng tôi khẳng định việc cho Đài truyền hình Việt Nam (VTV) và đài các địa phương được tham gia tác nghiệp tại các giải Bóng đá chuyên nghiệp là thực hiện ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Chúng tôi rất mừng vì sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với sự phát triển của Bóng đá, chính vì vậy chúng tôi cũng sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các đài truyền hình được đưa tin, phát sóng các trận đấu tới người hâm mộ cả nước.
Lý giải cho sự căng thẳng trong việc tranh chấp bản quyền truyền hình giữa VPF, AVG và VFF, ông Nguyễn Đức Kiên chia sẻ, tôi chọn bản quyền truyền hình, bởi theo tôi, đây là vấn đề đến tương lai của BĐVN, liên quan đến các đội tuyển quốc gia và nó cũng liên quan đến quyền lợi trực tiếp của cả các cơ quan truyền thông. Mặc dù rất nhiều áp lực, nhưng tôi không ngại, không sợ áp lực. Tôi sẵn sàng làm đến cùng và làm đến nơi đến chốn. Tôi sẵn sàng bỏ kinh doanh để đi tới tận cùng của Bóng đá.
 |
Toàn cảnh buổi gặp gỡ (Ảnh: HKT) |
Một trong những vấn đề được báo giới và dư luận quan tâm đó là công văn của Tổng cục TDTT yêu cầu thay đổi tên giải Super League, ông Nguyễn Đức Kiên cho biết, mục tiêu cao nhất của chúng tôi là vì sự phát triển của Bóng đá Việt Nam. Cái tên giải đấu không làm thay đổi bản chất giải đấu và không làm ảnh hưởng bất cứ vấn đề gì về kinh tế. Chúng tôi sẽ thực hiện theo chỉ đạo của Tổng cục TDTT, và VFF, VPF sẽ đứng ra lo mọi chi phí về việc thay đổi tên như in áo, biển quảng cáo, pano, áp phích, vé... Tuy nhiên, chúng tôi cần có sự tôn trọng ý kiến của tập thể. Chúng tôi sẽ báo cáo lại với VFF những văn bản VFF đã chỉ đạo VPF trước đây về việc để tên giải đấu là Super League. Nếu bắt buộc phải đổi tên, chúng tôi sẽ đổi, nhưng chúng tôi tiếp tục kiến nghị.
Nói về vấn đề này, ông Võ Quốc Thắng cũng chia sẻ, việc đổi tên giải phải thực hiện ngay từ vòng 5 sẽ rất khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến các đội bóng. Việc đổi tên là Super League đã được VFF và 24 CLB chấp thuận ký vào điều lệ. Nếu VPF đơn phương đổi tên thì trái với pháp luật, trái với các văn bản mà Sở Kế hoạch - đầu tư Hà Nội cấp, nếu không thực hiện thì chúng tôi lại không đúng với cấp trên”.
Ngoài những nội dung trên, công tác trọng tài cũng được các phóng viên, nhà báo quan tâm, trong đó có trường hợp của Trọng tài Bùi Quang Thông. Ông Nguyễn Đức Kiên bầy tỏ quan điểm về vấn đề này một cách rõ ràng: Ban tổ chức cần mạnh tay, xử phạt những hành vi bạo lực trên sân cỏ để làm gương cho các đội bóng khác.
VD