Menu

WADA vẫn không ngừng nỗ lực vì một nền thể thao sạch

WADA vẫn không ngừng nỗ lực vì một nền thể thao sạch

23 Tháng Tám 2013

WADA vẫn không ngừng nỗ lực vì một nền thể thao sạch

Phát biểu với báo giới, Lance Amstrong vẫn hoài nghi rằng doping là một trong những nguyên nhân gây nên căn bệnh ung thư của anh (Ảnh: nydailynews.com)
Sau bê bối bị cảnh sát phát hiện một số lượng lớn lớn thuốc kích thích, trong đó có érythropoiétine (EPO, làm tăng hồng cầu trong máu, cho phép dẻo dai hơn) trong xe hơi của đội đua Festina (đội đua rất mạnh với ngôi sao Richard Virenque) và bị cấm không tham dự Tour de France năm 1998, Tổ chức chống doping thế giới (WADA) đã chính thức ra đời khi các chuyên gia về lĩnh vực này nhận thức được tầm nghiêm trọng và mức độ ảnh hưởng lan rộng của vấn đề sử dụng doping trong thể thao.

Ngay sau khi ra đời, WADA đã xây dựng danh mục "các chất cấm" đây cũng là những chất nghiêm cấm sử dụng đối với các VĐV. Không chủ các VĐV, những người luyện tập TDTT cũng là đối tượng mà danh mục này hướng tới.

Tuy nhiên WADA chỉ đóng vai trò tích cực trong việc phòng và chống sử dụng doping chứ không là cơ quan trực tiếp thực thi các hình thức kỷ luật đối với các VĐV có xét nghiệm dương tính với doping mà Các Liên đoàn thể thao quốc tế hoặc chính phủ sẽ làm điều đó.

Câu hỏi đặt ra ở đây là cuộc chiến chống doping có tầm quan trọng thế nào? Doping có thực sự là một vấn đề chính mà thể thao ngày nay phải đối mặt và sự ảnh hưởng của doping tới sức khỏe của VĐV như thế nào. Có thể thấy rằng chất kích thích cấm sử dụng sẽ làm tăng áp suất trong máu, là nguyên nhân của những căn bệnh về gan cũng như suy giảm miễn dịch.

Steriod là chất thường xuyên được sử dụng trái pháp luật. Mặc dù chất này làm các VĐV có cảm giác khỏe mạnh hơn, cơ căng và dẻo dai hơn nhưng hậu quả của nó để lại không chỉ là vấn đề rụng tóc và các vấn đề về mụn mà các VĐV sử dụng loại chất cấm này sẽ trở nên hoặc là ủ rũ, trì trệ hoặc hung hăng, dễ kích động thậm chí nặng hơn là trạng thái trầm cảm mong muốn tìm tới cái chết.

Một chất cấm khác cũng tương tự như Steroids là hoóc môn tăng trưởng được biết đến như là HGH. Chất kích thích này làm xương và cơ chắc khỏe nhưng lại phá huỷ gan, tuyến giáp và thị giác. Một số ghi chép cho thấy sự tăng áp suất máu thường xuyên dẫn tới những cơn đau tim đột ngột. Ngoài ra còn phải kể đến những chất cấm nguy hiểm khác như Erythropoetin (EPO), Stimulants, Marijuana và Narcotics (giống như hê rô in và moóc phin).

Các VĐV ngày nay cũng trở nên tinh vi hơn trong việc tìm ra những cách qua mắt các hệ thống bằng việc sử dụng các chất thay thế. Tuy nhiên các chất này cũng sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của VĐV theo hướng tiêu cực nhiều hơn là giúp ích cho họ. Chúng cũng là nguyên nhân gây mất nước, chóng mặt, tụt huyết áp, chuột rút và cũng rối loạn tim mạch.

Trước khi Lance Amstrong bị đưa ra ánh sáng vì thi đấu gian lận, làng thể thao thế giới đã chứng kiến rất nhiều bê bối doping động trời trong hơn 25 năm qua.

Ben Johnson (điền kinh) bị tước HCV Olympic Seoul 1988

Tại Thế vận hội Seoul 1988, VĐV chạy nước rút người Canada, Ben Johnson đã làm sửng sốt cả thế giới khi đoạt HCV ở nội dung 100m với thành tích 9’79, vượt qua nhà vô địch năm 1984 Carl Lewis của Mỹ. Nhưng sau đó, Ben Johnson bị phát hiện phản ứng dương tính với chất stanozolol (chất phát triển cơ bắp và tăng hormone sinh dục nam). Vì bê bối này, Ben Johnson bị tước HCV và trao lại cho Carl Lewis, người đứng thứ 2 ở cuộc thi năm đó.

Festina (đội đua xe đạp) bị cấm tham dự Tour de France 1998

Năm 1998, chỉ ít ngày trước khi diễn ra cuộc đua xe đạp vòng quanh nước Pháp, cảnh sát nước này đã phát hiện một số lượng lớn lớn thuốc kích thích, trong đó có érythropoiétine (EPO, làm tăng hồng cầu trong máu, cho phép dẻo dai hơn) trong xe hơi của đội đua Festina (Tây Ban Nha). Khi đó, Festina là đội đua rất mạnh với ngôi sao Richard Virenque, nhưng sau vụ này họ bị BTC cấm không tham dự Tour de France năm 1998.

Bê bối của "ông trùm doping" Mỹ - Victor Conte

Năm 2004, Victor Conte - giám đốc phòng thí nghiệm đầy tai tiếng Balco - đã lên truyền hình tiết lộ về việc ông đã tạo ra một loại doping tổng hợp mới, giúp các VĐV nâng cao hiệu suất thi đấu. Ngay lập tức Ủy ban phòng chống doping Mỹ (USADA) cũng như cục điều tra Liên bang Mỹ vào cuộc.

Kết quả điều tra đã phát hiện Marion Jones, VĐV từng đoạt 3 HCV ở Thế vận hội Sydney 2000 có sử dụng chất cấm EPO. Cô bị tước toàn bộ huy chương tại giải đấu này đồng thời bị bỏ tù 6 tháng vì khai man trước tòa.

Không chỉ Jones dính chàm mà chồng của cô - VĐV chạy nước rút từng giữ kỷ lục thế giới ở nội dung 100m Tim Montgomery cũng là nạn nhân của Balco. Anh bị cấm thi đấu trong 2 năm từ tháng 12/2005 cũng vì sử dụng một loại doping tổng hợp. Ngay sau khi bị cấm thi đấu, Montgomery đã giã từ sự nghiệp.

6 VĐV trượt tuyết dùng doping tại Olympic mùa đông 2002, 2006

Tại Thế vận hội mùa đông 2002 ở Salt Lake (Mỹ), ba vận động viên trượt tuyết băng đồng Johann Muehlegg (Tây Ban Nha), Lazutina (Nga) và Olga Danilova (Nga) đã bị tước HCV do đồng loạt sử dụng chất EPO. 4 năm sau đó tại Thế vận hội mùa đông 2006 ở Turin, lực lượng an ninh Canabinieri phát hiện thêm 3 VĐV trượt tuyết người Áo dương tính với rất nhiều chất cấm. Vì hành vi này, họ bị cấm thi đấu suốt đời.

Vụ doping khủng khiếp của Đông Đức cũ

Tháng 10/2007, Ủy ban Olympic Đức thông báo về việc bồi thường cho 157 VĐV trước đây của Cộng hòa dân chủ Đức (Đông Đức cũ), nạn nhân của một chương trình sử dụng doping tàn bạo với số tiền 2,9 triệu euro.

Quy mô của việc dùng doping đối với các VĐV Đông Đức cũ lớn hơn nhiều so với vụ Lance Amstrong. Những cuộc điều tra sau đó cho thấy từ năm 1970 đến 1989, hơn 10.000 VĐV Đông Đức đã bị ép dùng doping từ rất sớm. Khi đó các VĐV đều bị ép sử dụng chất Anabolic Steroid, chất tăng trưởng cơ bắp, thúc đẩy phân chia tế bào, tăng trưởng mô và cơ xương… Nhờ điều này mà Đông Đức tuy là một quốc gia nhỏ nhưng đạt được rất nhiều thành tích thể thao đáng nể. Tuy nhiên, hậu quả của việc lạm dụng doping khiến cho nhiều VĐV mất cân bằng nội tiết tố, vô sinh ở nữ hay bị ung thư…

A.T
 

Print

Số lượt xem (969)/Bình luận (0)

Tags:

Comments are only visible to subscribers.