Menu

Xúc tiến thành lập các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia

Xúc tiến thành lập các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia

21 Tháng Ba 2011

Xúc tiến thành lập các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia

Toàn cảnh buổi họp(Ảnh: Thế Thiện)
Tại buổi họp, đại diện Vụ Thể thao thành tích cao đã báo cáo về thực trạng việc thành lập, hoạt động của các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia trong những năm qua. Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, việc thành lập các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia là vô cùng cần thiết. Đây cũng chính là một trong những biện pháp tích nhằm thực hiện Nghị quyết 05 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động thể dục thể thao.

Theo quy định của Luật TD,TT, các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia có quyền và nghĩa vụ, trong đó có nhiệm vụ cơ bản là tổ chức các hoạt động tác nghiệp về thể thao. Cụ thể như: Liên đoàn thể thao quốc gia tổ chức, quản lý các giải thể thao quốc gia, quốc tế tổ chức tại Việt Nam theo thẩm quyền đó là các giải thi đấu vô địch quốc gia, giải trẻ quốc gia hàng năm từng môn thể thao do Liên đoàn thể thao quốc gia đề nghị Bộ trưởng quyết định tổ chức. Các giải thể thao quốc tế do liên đoàn thể thao quốc gia đề nghị Bộ trưởng trình Thủ tướng chính phủ cho phép đăng cai. Tham gia tổ chức các giải thi đấu từng môn thể thao trong khuôn khổ của các Đại hội thể thao khu vực và thế giới mà Việt Nam đăng cai.

Liên đoàn thể thao quốc gia công nhận kỷ lục quốc gia các môn thể thao, kết quả thi đấu thể thao trong nước và quốc tế. Công nhận đẳng cấp cho VĐV, HLV, trọng tài thể thao theo tiêu chuẩn do Bộ trưởng quy định. Liên đoàn thể thao quốc gia thực hiện việc quản lý VĐV, HLV, trọng tài môn thể thao thuộc liên đoàn; cử VĐV, đội tuyển thể thao tham gia thi đấu quốc tế. Liên đoàn thể thao quốc gia chịu trách nhiệm quản lý đội tuyển quốc gia theo quy định của Bộ trưởng về trình tự thủ tục thành lập đội thể thao quốc gia.

Qua đây, có thể khẳng định việc phân định trách nhiệm giữa cơ quan quản lý hành chính nhà nước với các tổ chức liên đoàn, hiệp hội thể thao là khá rõ ràng. Việc chuyển giao hoạt động tác nghiệp về thể thao từ cơ quan quản lý hành chính nhà nước về TDTT theo luật định cho các tổ chức xã hội thực hiện, đối với  Uỷ ban Olympic Việt Nam, các liên đoàn thể thao quốc gia đã được thành lập và hoạt động có hiệu quả như: Liên đoàn Bóng đá, Liên đoàn Bóng chuyền, Liên đoàn Cầu lông...  Về cơ bản, các tổ chức này đã triển khai thực hiện hầu hết các nhiệm vụ hoạt động tác nghiệp, tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, trong bối cảnh hiện nay, do điều kiện cụ thể phát triển các môn thể thao ở nước ta mà nhiều môn thể thao còn chưa thành lập được liên đoàn của mình nên các hoạt động tác nghiệp về những môn này còn do cơ quan hành chính nhà nước phải thực hiện. Trong khi đó một số liên đoàn thể thao đã được thành lập nhưng chưa đủ năng lực tự chủ thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ theo luật định một cách có hiệu quả.

Các thành viên tham dự buổi họp đã đưa ra những ý kiến đóng góp xác đáng trong việc xúc tiến thành lập các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia (thuận lợi, khó khăn, nguyên nhân, cơ chế quản lý?...). Đa phần các đại biểu đều cho rằng, để thực hiện tốt chủ trương của Đảng và Nhà nước về xã hội hoá các hoạt động TDTT, thì việc xúc tiến thành lập các liên đoàn thể thao quốc gia đối với những môn thể thao đã phát triển và có trong chương trình thi đấu vô địch quốc gia hàng năm là vô cùng cần thiết. Bên cạnh đó, cần phải kiện toàn các liên đoàn thể thao quốc gia đối với những liên đoàn đã có nhưng chưa đủ năng lực để chủ động tích cực trong việc thực hiện các hoạt động tác nghiệp thuộc thẩm quyền...

Phát biểu chỉ đạo tại buổi họp, Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Tuấn cũng nêu rõ, việc thành lập các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia vừa nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đồng thời góp phần thực hiện chủ trương, đường lối chính sách của Nhà nước về công tác xã hội hoá trong lĩnh vực TDTT. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh các biện pháp để thành lập các Liên đoàn, Hiệp hội cần phải được tiến hành theo đúng thông lệ quốc tế. Đặc biệt, Phó Tổng cục trưởng khẳng định rõ vai trò quản lý nhà nước trong việc định hướng, xây dựng kế hoạch hoạt động của các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao.

Xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, cùng với sự quyết tâm, nỗ lực của các nhà quản lý, hy vọng trong tương lai không xa, nhiều Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia được thành lập và phát huy hiệu quả của một tổ chức xã hội nghề nghiệp, góp phần thúc đẩy sự nghiệp TDTT nước nhà ngày càng phát triển, đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế.

HKT

 


Print

Số lượt xem (2157)/Bình luận (0)

Tags:

Comments are only visible to subscribers.