Trên chuyến tàu mang số hiệu HQ 561 ra Trường Sa cách đây ít ngày có một đại biểu đặc biệt, đó là anh Trần Song Hải - Phó Chủ tịch lâm thời Hội CĐV Việt Nam. Chuyến đi đọng lại trong anh không chỉ là những câu chuyện biển đảo, mà còn là những câu chuyện với bóng đá nước nhà, anh Song Hải kể:
Trận bóng đá ở Trường Sa Lớn
Đó là chuyến công tác dài 12 ngày xuất phát từ Cam Ranh (Khánh Hòa) đi Trường Sa. Trưởng đoàn là Chuẩn Đô đốc - Phó Tư lệnh binh chủng Hải quân cùng đại biểu của các thành phố Hà Nội, Lạng Sơn, Phú Thọ... Ngoài ra, còn có các cựu chiến sĩ hải quân do Trung tướng Trần Quang Khuê dẫn đầu. Tàu HQ 561 là tàu bệnh viện hiện đại nhất của Việt Nam hiện nay. Đối với tôi, dù đã đi nhiều nơi trên thế giới, nhưng có mặt trên con tàu này ra Trường Sa là một vinh hạnh lớn, để lại nhiều kỷ niệm sâu sắc, đặc biệt. Lúc đầu tôi nghĩ và đã chuẩn bị tinh thần sẽ tìm cách động viên các chiến sĩ đang canh giữ vùng biển của tổ quốc, nhưng thật không ngờ, chính ở nơi đảo xa chúng tôi lại được những chiến sĩ động viên, nhắn nhủ phải sống, cống hiến thế nào cho tổ quốc.
Là một người yêu bóng đá, tôi thật sự ấn tượng với một trận bóng trên nền ximăng ở đảo Trường Sa Lớn. Trên sân bóng đặc biệt ấy, cũng có cầu môn. Bình thường nếu đủ người, họ sẽ chia nhau để thi đấu. Nhưng hôm đó, cũng chỉ có khoảng 10 chiến sĩ nên họ “đá ma” với nhau. Tôi bèn chạy tới, làm quen và cùng chơi với họ vài đường bóng. Một chiến sĩ tâm sự: “Tất cả anh em ở đây đều yêu thích và đam mê bóng đá.
Nếu không phải trực chiến và thật rảnh thì sẽ xem giải Ngoại hạng Anh. Nhưng nhiệm vụ canh giữ biển đảo mới là quan trọng nhất và chúng tôi không thể lơ là một giây”. Thật bất ngờ, nhiều chiến sĩ quan tâm tới giải V-League. Tôi nghe họ tâm sự: “Dạo này bóng đá Việt Nam có nhiều tiêu cực quá, rồi lùm xùm trọng tài, chúng tôi mong những người điều hành bóng đá Việt Nam tìm ra cách để trả lại sự trong sáng và vẻ đẹp của bóng đá”.
Hơi thở World Cup nơi đầu sóng
Tôi đến nhà giàn DK1 và thật ngạc nhiên là thấy mấy trái bóng đá ở đó. Tôi tự hỏi, nhà giàn chỉ rộng hơn chục mét vuông, chênh vênh giữa biển thì đá bóng thế nào? Một chiến sĩ giải thích: “Thực ra mấy trái bóng ấy là để giải cơn nghiền bóng đá. Nơi chật hẹp thế này, thỉnh thoảng chúng tôi mang ra tâng bóng với nhau”. Thật sự đó là những con người yêu bóng đá đến cháy bỏng. Tôi hỏi một chiến sĩ tên Sơn: Sắp tới World Cup thì sao, liệu mình có thức xem bóng đá không? Sơn cười cười nói: “Thật sự mà nói, khi còn ở đất liền và chưa vào quân ngũ thì anh em đều thức xem World Cup hay EURO cả, nhưng giờ ra đảo rồi, phải được phép của cấp trên mới được xem những trận đấu sớm. Những trận đấu diễn ra lúc 1-2 giờ sáng thì chịu, đó chính là lúc mà chúng tôi phải đề cao cảnh giác cao độ và tăng gấp đôi quân số. Bởi thế nên ở nhà giàn có TV, có đầu thu của VTC nhưng đành phải chờ nghe thông tin qua radio sau vậy...
Có ra Trường Sa, có ra nhà giàn DK1 đứng chơi vơi trên biển canh giữ biên cương hải đảo tổ quốc và chứng kiến tình yêu bóng đá đến cháy bỏng của những người lính lại thầm mong một ngày nào đó, lãnh đạo VFF, những nhà quản lý bóng đá Việt Nam có mặt tại đây để nghe tâm tư, tình cảm và những gửi gắm của họ về V-League. Để rồi từ đó, VFF điều hành bóng đá nước nhà tốt hơn. Bởi có lẽ, Việt Nam là một trong những dân tộc yêu bóng đá nhất thế giới. Nếu bóng đá nước nhà cứ tiếp tục xuống dốc, thì VFF không chỉ có lỗi với người hâm mộ ở đất liền, mà còn có lỗi với những chiến sĩ đang canh giữ biển trời của tổ quốc nơi đầu sóng, đảo xa...
Theo soha.vn