Nhưng có lẽ ít người còn nhớ, ngay vào cái thời mà chiến tranh liên miên, khi chưa ai biết đến hồ bơi thông minh là gì, thì việc dạy bơi cho mọi người, đặc biệt là trẻ em đã là một phong trào trải rộng trên toàn quốc. Rất nhiều bể bơi dã chiến, tận dụng các đoạn sông, suối, hồ, rạch, kênh phù hợp để dạy các em biết bơi, sơ cứu người bị đuối nước.
“Ôn cố…”
Ngày đó, sau khi tốt nghiệp Học viện thể thao quốc gia Ki-ép (Liên Xô) hệ đào tạo huấn luyện viên chuyên sâu bơi lội, tôi mong muốn được trở về cống hiến cho thể thao nước nhà. Khi mới về nước, tôi đã đi thực tế ở các tỉnh phía Bắc và đề xuất với lãnh đạo mở rộng hình thức chi đoàn thanh niên biết bơi. Đây là tổ chức cơ sở của đoàn làm nòng cốt cho phong trào 5 môn: chạy, nhảy, bơi, bắn, võ.
Bác Lê Đức Chỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT lúc đó vui vẻ nói: “Trúng rồi, phải làm việc với đoàn thanh niên xây dựng phong trào này”. Tôi báo cáo: “Nhưng không có chỗ tập bơi”, bác Chỉnh giải quyết luôn: “Làm công văn xin đất, xây hồ bơi đơn giản hoặc cải tạo hồ ao sông suối tùy vào tình hình địa phương”. Bác Chỉnh đã quyết định cử tôi biệt phái sang Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và phát động phong trào: “Chi đoàn biết bơi trên toàn quốc”. Tổng cục TDTT và Trung ương Đoàn sẽ thành lập ban kiểm tra. Các cơ sở, ty TDTT ở các địa phương có nhiệm vụ hướng dẫn chuyên môn, tạo cơ sở vật chất như xây hồ bơi đơn giản, phong trào phát triển mạnh, mặc dù chiến tranh ác liệt, Mỹ cho máy bay oanh tạc Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh miền Bắc.
Phong trào thành công lớn. Từ năm 1974, mới có 19 đơn vị tập thể xã đoàn, 14 chi đoàn xã, 4 trường phổ thông đạt danh hiệu ở các tỉnh Thái Bình, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội, Nam Hà, Ninh Bình, Nghệ An. Chỉ vài năm sau, khi chúng tôi đến 1 trường học hơn 1.000 học sinh ở Trường Yên, Nho Quan, Ninh Bình để kiểm tra thì kết quả là 100% học sinh biết bơi 50m. Ở Hải Phòng, có tới 10 xã điểm đạt toàn xã biết bơi, tiêu biểu là các xã Minh Tân, Phúc Lễ, Lưu Kiến… Ở Hải Dương, có những xã nổi tiếng về bơi lội như: Nam Chính, Nam Đồng của huyện Nam Sách đạt danh hiệu “Toàn xã biết bơi”. Ở Nam Hà, có xã Nghĩa Phú là lá cờ đầu của phong trào “Toàn xã biết bơi” và 16 xã của huyện Nghĩa Hưng đạt danh hiệu. Ở tỉnh Ninh Bình có 2 xã là Gia Lạc và Gia Viễn có hơn 3.000 người biết bơi, nhiều người bơi được từ 3.000-4.000m. Tỉnh Thanh Hóa có các xã Cẩm Tư, Quảng Thịnh cũng đạt danh hiệu. Riêng huyện Gia Lộc 100% dân quân và thanh niên biết bơi. Tỉnh Nghệ Tĩnh có xã Thanh Tĩnh, Diễn Minh, Quỳnh Đôi đã xây bể bơi và đạt danh hiệu. Tỉnh Thái Bình có xã Nam Cao, Quỳnh Phụ. Tỉnh Hải Dương riêng huyện Nam Sách có hơn 20 xã đạt danh hiệu. Tỉnh Hà Tây có xã Hữu Hòa và Hà Nội có Hải Bối.
Một số tỉnh thành khác vùng núi như Lạng Sơn, Hòa Bình cũng có các xã như Dương Đức, Lập Chiêng, trường lâm nghiệp (Yên Bái), xã Vĩnh Lâm (Quảnh Trị), nông trường 3/2 (Nghệ An).
10 năm phát động phong trào, đến năm 1985, tại Hội nghị tổng kết đã có 6 triệu người đạt danh hiệu bơi lội phổ thông, hơn 40 xã đạt danh hiệu “Toàn xã biết bơi”, 7 cơ quan, nhà máy, nông lâm trường đạt danh hiệu, 50 xã đoàn, 80 trường học, hàng trăm đơn vị lực lượng vũ trang đạt danh hiệu toàn đơn vị biết bơi (từ đại đội trở lên). Hơn 100 xã có bể bơi đơn giản. Một hệ quả nữa của phong trào là đã xuất hiện nhiều tài năng trẻ để tuyển chọn vào các trường đào tạo năng khiếu bơi lội, như Nguyễn Thanh Xuân (14 tuổi) Hải Phòng, Nguyễn Đắc Quỳnh Anh (12 tuổi), Nguyễn Kiều Oanh (14 tuổi) TP.Hồ Chí Minh, Quách Hoài Nam (15 tuổi), Phạm Thị Phú (15 tuổi) Hà Nội, Trần Xuân Hiền (14 tuổi) Quảng Bình, Nguyễn Hữu Viết (15 tuổi) Hải Phòng, Nguyễn Thị Phương (Quảng Ninh), Nguyễn Ngọc Anh (17 tuổi) Nam Định, sau này giành nhiều vinh quanh cho Tổ quốc.
“…Tri tân”
Bẵng đi nhiều năm, phong trào bơi và dạy bơi có phần thoái trào. Tại hội thảo quốc gia năm 2001 ở Hà Nội các báo cáo cho thấy 90% bị chết đuối do lũ lụt là trẻ em từ 5-11 tuổi, tai nạn sông nước cũng thường xảy ra ở các vùng đô thị mới, hoặc vùng sâu vùng núi. Có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do trẻ em không biết bơi, không biết phòng tránh hoặc xử lý khi gặp tai nạn.
Ủy ban TDTT lúc đó đã chủ động phối hợp với Ủy ban dân số, gia đình và trẻ em, Bộ giáo dục đào tạo phát động phong trào dạy bơi và cứu đuối cho trẻ em ở các vùng sông nước như đồng bằng sông Cửu Long, sông Hồng, vùng duyên hải, vùng trung du và miền núi. Khẩu hiệu là “Sống chung với lũ lụt phải biết bơi”. Mục tiêu là phấn đấu trong 15 năm (2005-2020), xóa nạn “mù bơi cho trẻ em từ 6-15 tuổi”. Phong trào này đang được các địa phương tích cực hưởng ứng. Tính đến năm 2010, tổng cục TDTT đã mở 12 lớp hướng dẫn viên ở Đồng bằng sông Cửu Long và 18 lớp ở Đồng bằng sông Hồng, 14 lớp ở vùng trung du và miền núi, đào tạo được hơn 5.000 hướng dẫn viên dạy bơi và cứu đuối.
Chúng tôi tự biên soạn tài liệu bằng đĩa, tờ rơi để chuyển đến cho mọi người và đã đến mọi miền đất nước, lên biên giới, vào các tỉnh Đông Nam Bộ để mở lớp hướng dẫn viên bơi lội và cứu đuối cho 14 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tại Cà Mau - tỉnh cực Nam của đất nước. Ở đây hơn 500 học viên là giáo viên kinh nghiệm, 1/3 là cán bộ, thanh niên, lực lượng vũ trang và dân quân tự vệ, khi kiểm tra bơi mọi người đều biết bơi sải dân tộc. Hạn chế của kiểu bơi này là không bơi dài được, không bơi nhanh và không dìu vớt nạn nhân khi bị đuối sức. Một kỹ năng thứ 2 là không biết làm hô hấp nhân tạo và tháo gỡ khi bị nắm, giữ. Sau một tuần học kỹ thuật cơ bản bơi và đặc biệt tập kỹ thuật bơi ếch, dìu, lặn, mò, tháo, gỡ, khi bị nắm, giữ, rồi cùng nhau thực tập hô hấp nhân tạo. Các học viên đã nắm vững nội dung khóa học.
Một lần, tôi được mời đi dạy bơi cho công nhân viên chức nhà máy xi măng Hoàng Thạch, tỉnh Hải Dương - một nhà máy sản xuất xi măng hàng đầu của Việt Nam. Ban lãnh đạo nhà máy đã xây dựng một khu bể bơi cho công nhân và gia đình. Bể bơi theo quy chuẩn với 10 đường bơi, dài 50m rộng 25m, và một bể nhỏ cho trẻ em. Bản thân tôi bơi thấy sảng khoái vô cùng, còn đối với công nhân, sau 8 tiếng làm việc được đắm mình trong làn nước trong mát, cơ thể hầu như hồi phục trở lại hoàn toàn.
Thế nhưng, phong trào này chưa đủ. Nghe đài, báo tuyên truyền, nhiều trẻ em chết đuối ngay từ những ngày đầu hè mà toàn ở các thành phố lớn. Lại cũng thấy nhiều người kêu khó khi triển khai dạy bơi tại các trường tiểu học, trung học, phổ thông. Tôi không khỏi buồn lòng.
Bởi, trong thành phố các em nhỏ tập bơi ở đâu để an toàn và hiệu quả? Tôi ước ao trong một tương lai gần mỗi trường chuẩn nên có bể bơi riêng. Các khu dân cư, phường xã, đặc biệt ở nông thôn cần xây dựng được 50% bể bơi cho học sinh.
Thời chiến tranh ác liệt, nhân dân của hơn 100 xã đã giành đất xây nhiều bể bơi để tập luyện cho các cháu học sinh. Mặc dù sau một thời gian sử dụng có nhiều hồ bơi bị hư hỏng và không thể hoạt động được nữa, nhưng sự xuất hiện các hồ bơi đơn giản ở nông thôn có thể coi là một nét đặc sắc của phong trào TDTT ở nước ta. Ngày nay, trong thời đại mới, việc xây một bể bơi đơn giản ở nông thôn càng không phải là việc khó. Những thành tựu của phong trào dạy bơi, việc xây các hồ bơi đã trở thành các huyền thoại của thể thao Việt Nam, thể hiện tinh thần tự chủ và sáng tạo của nhân dân trong lĩnh vực TDTT, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tại sao bây giờ lại không thể vận dụng phần nào đó bài học của “ngày xưa”?
Văn Trọng
Theo tapchithethao.vn