Năm học nào, Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh cũng tổ chức từ 3 đến 5 hoạt động thể dục thể thao, tạo sân chơi cho học sinh toàn trường. Theo thầy Lê Hồng Duy, Bí thư Đoàn trường kiêm giáo viên môn Giáo dục thể chất, vì đặc thù là trường nội trú dành cho học sinh dân tộc thiểu số, nên nhà trường rất quan tâm đến việc tổ chức các hoạt động giải trí, TDTT, rèn luyện sức khỏe và tạo sân chơi lành mạnh cho các em. Mỗi lần tổ chức các cuộc thi TDTT, hội thao, hội trại, nhà trường đều đưa vào các trò chơi dân gian, các môn thi đấu mang đậm bản sắc dân tộc như đi cà kheo, bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co, nhảy thụng… Thầy Duy thổ lộ: “Khi chúng tôi tổ chức các môn thể thao này, học sinh tỏ ra rất hứng thú vì đó đều là những môn thể thao gần gũi, dễ chơi và tạo không khí tươi vui”.
Không chỉ Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, thời gian qua, nhiều trường học trong tỉnh cũng đã tổ chức cho học sinh làm quen và tham gia thi đấu các môn thể thao dân gian, truyền thống. Nhiều trường tổ chức cho học sinh chơi trong các giờ giải lao, giờ thể dục, giờ ngoại khóa. Một số trường tổ chức vào các dịp lễ kỷ niệm, khai giảng, bế giảng năm học... Dù hình thức tổ chức khác nhau, nhưng điểm chung là học sinh đều tỏ ra hào hứng tham gia. Em Nguyễn Thị Mỹ Tâm, lớp 4C Trường tiểu học số 1 Hòa Thịnh (Tây Hòa) chia sẻ: “Mỗi khi trường tổ chức thi đấu các môn thể thao dân tộc, em rất thích. Em thường cùng các bạn tham gia thi kéo co, nhảy thụng, chơi giật cờ… Tham gia vào các hoạt động này em thấy khỏe hơn, các bạn ở lớp cũng trở nên đoàn kết hơn”.
Từ khi phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” được Bộ GD-ĐT phát động vào năm 2008, các hoạt động thể thao dân tộc càng được các cơ sở giáo dục quan tâm để tạo sân chơi cho học sinh. Theo thống kê của Sở GD-ĐT Phú Yên, trong 5 năm qua, toàn tỉnh có gần 300 trường thường xuyên tổ chức thi đấu các môn thể thao dân tộc, đưa các trò chơi dân gian vào các hoạt động tập thể, hoạt động vui chơi giải trí của học sinh. Trưởng phòng GD-ĐT TX Sông Cầu Lê Minh Thơ cho biết: “Đặc điểm chung của các môn thể thao truyền thống, trò chơi dân gian được triển khai trong trường học là đơn giản, dễ chơi, ít tốn kém, học sinh dễ hòa nhập vào cuộc chơi. Việc đưa các môn thể thao truyền thống, trò chơi dân gian vào trường học mang nhiều ý nghĩa thiết thực vì giúp học sinh tăng cường sức khỏe và phát huy tinh thần đoàn kết, trí tuệ”.
Theo ông Nguyễn Văn Thuyền, Phó trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT Phú Yên), bên cạnh các trường làm tốt việc đưa thể thao dân tộc vào học đường, vẫn còn một số trường học tỏ ra lúng túng trong việc tổ chức. Để làm tốt hơn nội dung này, các trường cần bố trí khoảng không gian riêng để tổ chức và xây dựng kế hoạch lồng ghép trong các tiết sinh hoạt ngoại khóa, thể dục, các tiết học hướng nghiệp, ngoài giờ lên lớp. Ngoài ra, những người quản trò phải lựa chọn môn thi đấu, trò chơi phù hợp với lứa tuổi và đặc điểm riêng của học sinh trường mình. “Việc phổ biến, nhân rộng đưa thể thao dân tộc vào học đường rất cần thiết, vì không chỉ giúp học sinh có được không gian, thời gian vui chơi lành mạnh, bổ ích, mà còn góp phần thực hiện hiệu quả phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. Vì vậy, các trường cần đẩy mạnh hơn nữa để giúp học sinh cảm nhận được cái hay, cái đẹp qua mỗi môn thể thao dân tộc, từ đó, phát huy lòng yêu nước, tự giác rèn luyện thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe”, ông Thuyền nhấn mạnh.
HÀ MY
Theo baophuyen.com.vn