Đến nay, Thanh Trì là một trong những địa phương cấp huyện dẫn đầu của cả nước về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ công tác phổ cập bơi. Tuy nhiên, phía trước vẫn còn gặp những gian nan, đòi hỏi phải có niềm đam mê, trách nhiệm của những người trực tiếp dạy bơi và điều quan trọng rất cần sự đồng thuận của mỗi người dân.
Bể bơi bốn mùa huyện Thanh Trì với nguồn kinh phí hàng chục tỷ đồng
Tầm nhìn chiến lược với 100% xã có bể bơi: Cùng với chiến lược phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, những năm gần đây, lãnh đạo Huyện uỷ, UBND huyện Thanh Trì đã sớm có chủ trương chăm lo đầu tư cơ sở vật chất TDTT, đáp ứng nhu cầu tập luyện, rèn luyện sức khoẻ, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân; từng bước tạo nền tảng vững chắc tạo nên lực lượng VĐV năng khiếu thể thao, VĐV thể thao thành tích cao cho huyện và thành phố Hà Nội. Mặt khác, xuất phát từ thực tế được khảo sát cuối năm 2009 ở 34 trường Tiểu học và Trung học cơ sở của huyện, Thanh Trì có tới 81% trong số hơn 25 nghìn học sinh “ mù bơi”, trong khi đó Thanh Trì lại là địa phương có nhiều ao hồ, gần nhiều sông lớn như sông Hồng, sông Nhuệ... Con số này thực sự báo động, có thể ảnh hưởng tới tính mạng của các em nếu gặp tai nạn sông nước. Bởi vậy, “Đề án xoá mù bơi” đã được Huyện uỷ, UBND quyết định xây dựng và triển khai tích cực mà người khởi xướng Đề án này là ông Triệu Đình Phúc- Bí thư Huyện uỷ Thanh Trì. Và rồi, Huyện uỷ ra nghị quyết, chính quyền vào cuộc nhanh chóng, các ngành giáo dục, thể thao có sự phối hợp chặt chẽ nên công việc được tiến hành thuận lợi. Theo mục tiêu của Đề án này, Thanh Trì phấn đấu đạt 100% xã có bể bơi, khi kết thúc chương trình Trung học cơ sở, trừ những trường hợp đặc biệt, học sinh trong huyện đều phải biết bơi. Đề án cũng quy định, sau này, các trường học được xây mới đều phải có bể bơi và theo mô hình là tầng 1: bể bơi, tầng 2: bếp ăn; tầng 3: nhà rèn luyện thể chất. Theo đó, mô hình sẽ tận dụng tối đa không gian của các trường học, giúp nhà trường thuận tiện hơn trong việc giáo dục toàn diện cho học sinh. Trước mắt, trường chất lượng cao của huyện Thanh Trì tại thị trấn Văn Điển khi được đưa vào sử dụng cũng sẽ có 2 bể bơi.
Bên cạnh hệ thống bể bơi đơn giản tại các xã, UBND huyện Thanh Trì đã đầu tư xây dựng Bể bơi đạt tiêu chuẩn quốc gia tại Trung tâm TDTT huyện Thanh Trì. Đây là một trong những công trình thể thao quy mô, đạt tiêu chuẩn quốc gia với 8 làn bơi. Tại đây cũng có một bể khởi động hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu học kỹ thuật, tập luyện môn bơi cho đối tượng thiếu niên, nhi đồng. Công trình được xây dựng với tổng kinh phí xấp xỉ 57 tỷ đồng.
Lời khẳng định của Ông Lê Đình Hùng- Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì phản ánh rõ tinh thần nhân văn cao cả của những người làm lãnh đạo : “ Để đạt được những mục tiêu này, trên địa bàn trường học ở mỗi xã ở Thanh Trì đã được xây dựng ít nhất một bể bơi nhỏ, kinh phí để xây dựng cần một khoản không nhỏ khoảng gần 2 tỷ đồng/ bể bơi. Trong khi đó, Thanh Trì có tới hơn 30 trường học thì đối với huyện ngoại thành vẫn là bài toán khó. Nhưng quan điểm của lãnh đạo Huyện uỷ, UBND là phải mạnh dạn đầu tư để trẻ em có điều kiện tập luyện môn Bơi, quả thực nguồn kinh phí 2 tỷ/ bể bơi sẽ là nhỏ hơn sinh mạng của mỗi học sinh. Các em là những chủ nhân tương lai của mỗi gia đình, đất nước sau này, các em cần được thụ hưởng và được cả xã hội quan tâm để không còn xảy ra trường hợp đáng tiếc như chúng ta thường thấy”.
Giờ học bơi của học sinh ở một trường Tiểu học trên địa bàn huyện Thanh Trì
Những kết quả khả quan: Sau hơn 2 năm triển khai Đề án, đến nay, hệ thống bể bơi đơn giản có mái che đã được xây dựng ở 11/ 16 xã, bước đầu đáp ứng đáng kể cho công tác phổ cập “xoá mù” bơi cho học sinh. Dự kiến đến hết tháng 6 năm 2014, 5 bể bơi ở 5 xã còn lại sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng, sớm hơn kế hoạch một năm, đưa Thanh Trì là huyện đầu tiên trong toàn quốc đạt 100% xã có bể bơi. Như vậy, cho đến thời điểm này, huyện Thanh Trì là địa phương đầu tiên của cả nước đạt 100% xã có bể bơi.
Trong công tác phổ cập bơi cho học sinh, Phòng Giáo dục- Đào tạo huyện Thanh Trì đã trực tiếp quản lý, chỉ đạo và kiểm tra sát sao việc thực hiện của các trường theo kế hoạch của Đề án như: Chỉ đạo, đôn đốc và triển khai công tác tuyên truyền của các nhà trường tới phụ huynh và học sinh của 24 trường Tiểu học và THCS có bể bơi. Phòng Giáo dục- Đào tạo cũng đã thành lập tổ công tác phụ trách các xã, thị trấn kiểm tra, theo dõi thường xuyên tiến độ thực hiện của các bể dạy bơi. Giáo viên giảng dạy bơi đều là giáo viên thể dục của nhà trường đã tham gia chương trình tập huấn do Phòng Giáo dục- Đào tạo tổ chức. Với sự nỗ lực của tập thể, giáo viên TDTT tại các trường, trong dịp hè năm 2013, toàn huyện Thanh Trì đã tổ chức được 227 lớp dạy bơi ở 24 trường Tiểu học, THCS (đây là những trường đã có bể bơi) trên địa bàn 11 xã, thị trấn đã hoàn thành chương trình được cấp chứng chỉ là 3713 học sinh/ 4500 học sinh đạt 82, 5% kế hoạch đề ra. Trong đó, một số trường đã đạt và vượt chỉ tiêu như: Trường Tiểu học Đông Mỹ, THCS Liên Ninh. Việc giảng dạy bơi cho các em học sinh ở các trường ở Thanh Trì đều đảm bảo theo đúng giáo trình hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho học sinh, không có sự cố đáng tiếc nào xảy ra.
Còn đó những khó khăn: Bên cạnh những thuận lợi trên, việc phổ cập bơi cho học sinh ở Thanh Trì còn gặp những khó khăn cơ bản. Việc giảng dạy phổ cập bơi cho học sinh nơi đây được thực hiện với phương châm Xã hội hoá, nên các trường thực hiện mức thu như Đề án là 200 nghìn đồng/ học sinh/ khoá. Thực tế cho thấy, mức thu này còn quá thấp, không thể đủ chi phí đáp ứng điều kiện trong quá trình vận hành bể ( hoá chất xử lý nước, điện, nước thay bể…), chưa kể kinh phí bồi dưỡng thêm cho giáo viên dạy bơi. Được biết, để giảng dạy bơi theo đúng kế hoạch trong thời gian qua, những giáo viên dạy bơi ở các trường thực sự phải có tinh thần nhiệt huyết, nêu cao tinh thần trách nhiệm vì sinh mạng của mỗi học sinh mới có thể ngâm mình dưới nước 5- 6 tiếng/ ngày. Đó là một công việc mang tính đặc thù vất vả mà không phải ai cũng thấu hiểu!
Lời kết: Với sự quan tâm của Huyện uỷ, UBND huyện Thanh Trì, 100% các xã có bể bơi được sự đồng thuận, hưởng ứng của đông đảo tầng lớp nhân dân chính là một thành công lớn trong mục tiêu phát triển chung của huyện. Mỗi người dân nơi đây, từ trẻ thơ đến người già đều hân hoan, phấn khởi trước những công trình vì lợi ích dân sinh. Thế nhưng, lãnh đạo các cấp, ngành, trường học nơi đây vẫn băn khoăn: Làm thế nào để công trình được khai thác, vận hành hiệu quả? Câu hỏi này liên quan đến vấn đề kinh phí từ xã hội hoá. Đó là bài toán chưa có lời giải đáp! Nếu như chỉ áp dụng mức thu 200 nghìn/ học sinh/ khoá học bơi như hiện nay, chắc hẳn các trường sẽ không thể vận hành và duy trì được. Một ví dụ đơn giản như mỗi lần thay nước ở bể, xử lý hoá chất… cũng lên tới cả chục triệu đồng. Nên chăng, cần có sự điều chỉnh mức thu phù hợp để có thể cân đối, vận hành tốt cũng như thúc đẩy niềm đam mê của những giáo viên dạy bơi. Tại Hội nghị sơ kết công tác dạy bơi năm 2013, có nhiều ý kiến xoay quanh điều chỉnh mức thu có thể từ 500.000-800.000 đồng/ học sinh. Để có mức thu phù hợp với sự tính toán từ chi phí thực tế, Ban Giám hiệu các trường có bể bơi rất mong các bậc phụ huynh có cách nhìn đúng: “ Hãy đặt sự an toàn sinh mạng của con em mình lên hàng đầu,vì phổ cập bơi là trách nhiệm không của riêng ai!”.
Thu Thủy
Theo thethaovietnam.vn