Đây là tổng kết được cung cấp bởi nghiên cứu của tổ chức Liên minh vì sự an toàn trẻ em Hoa Kỳ (TASC) phối hợp với ĐH Y tế Công cộng, UNICEF về đuối nước trẻ em tại châu Á. Để có can thiệp y tế công cộng hiệu quả và để hạn chế đuối nước - nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, hầu hết trẻ nhỏ trên 5 tuổi cần được dạy về kỹ năng bơi này (khoảng 75% số trẻ cần được dạy). Chương trình SwimSafe chính là để phổ biến những kỹ năng tồn tại hữu ích ấy…
Đà Nẵng đi đầu
Mỗi sáng sớm, rất đông phụ huynh đưa con em tới các CLB tại TP. Đà Nẵng để học bơi. Các phụ huynh cho rằng, sau quá trình học tập vất vả, các em cần được vui chơi, bơi lội thoải mái. Vừa rèn luyện thể lực cho trẻ, vừa tăng thêm kỹ năng sống cho các em khi gặp đuối nước.
Đây là kết quả của Chương trình SwimSafe - Dự án của TASC được triển khai tại Đà Nẵng từ năm 2009 đến nay như là một phần của chương trình về ngăn ngừa chấn thương ở trẻ em có tên “An toàn Đà Nẵng”. Từ 2009-2012, tổng kinh phí thực hiện đã lên tới gần 16 tỷ đồng.
Dự án đã tiến hành xây dựng 13 bể bơi di động tại 11 trường học trên toàn TP. Đà Nẵng; 2 bãi biển Sơn Trà, Thanh Khê và CLB bơi lội - Bệnh viện phục hồi chức năng Đà Nẵng. Chương trình dạy miễn phí cho học sinh trong 3 tháng hè. Mỗi bể bơi sẽ dạy cho trẻ em và học sinh của 5 trường tiểu học trở lên trong vùng.Trung bình mỗi ngày có 11 ca và mỗi ca có 6 học sinh, một đợt học kéo dài 20 ngày. Tại các lớp dạy bơi, các em được hướng dẫn 20 bài cơ bản về các kỹ năng bơi sống sót, kỹ năng sơ cấp cứu, kỹ năng bơi an toàn nhằm tránh nguy cơ đuối nước cho bản thân và biết cách cứu đuối trong trường hợp người khác bị nạn… Chỉ sau vài buổi học, nhiều em đã thành thạo các kỹ năng cơ bản và mạnh dạn hơn khi tiếp xúc với nước.Để được cấp chứng chỉ sau khi hoàn thành khóa học, các em học sinh phải biết bơi tối thiểu là 25m và nổi trên mặt nước được 60 giây.
Em Lê Minh Nga, học sinh lớp 3 trường tiểu học Hoàng Văn Thụ hồ hởi: “Cháu tham gia học lớp học này đã được 2 tháng. Hiện cháu đã biết bơi và không sợ nước nữa”.
Ông Ross Cox - Giám đốc điều hành dự án - TASC cho biết: “Sau 3 năm, chương trình này đã đào tạo cho 15.000 học sinh tiểu học Đà Nẵng về an toàn dưới nước và các kỹ năng bơi cơ bản. Chúng tôi mong muốn tiếp tục triển khai dự án bơi an toàn tại Đà Nẵng và mở rộng ra 5 tỉnh, thành khác của Việt Nam”.
Không chỉ giúp trẻ chống đuối nước, từ SwimSafe, có nhiều học sinh đã bơi thành thạo và trở thành nguồn VĐV bơi lội cho Đà Nẵng. Đặc biệt có 5 em giành HCV môn bơi lội tại HKPĐ toàn quốc vừa qua.
Ông Pete, người sáng lập TASC và cũng là người theo sát dự án trong những năm qua chia sẻ: “chương trình “Bơi an toàn” sẽ được TASC triển khai tại Đà Nẵng đến năm 2014 và tiếp tục những năm sau đó. Từ Đà Nẵng, tôi mong chương trình sẽ còn được nhân rộng ra ở nhiều địa phương khác”.
Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng - ông Phùng Tấn Viết khẳng định, chương trình “Bơi an toàn” hoàn toàn phù hợp với định hướng đến năm 2016 “xoá mù bơi” cho học sinh tiểu học mà Nghị quyết HĐND TP. Đà Nẵng đã đề ra. Chính vì vậy, UBND TP. Đà Nẵng sẽ có trách nhiệm huy động các nguồn lực từ ngân sách, từ xã hội hoá... để tiếp tục cùng TASC triển khai thực hiện chương trình “Bơi an toàn” tại Đà Nẵng và có thể nhân rộng ra nhiều địa phương ở miền Trung.
Hiện nay, không chỉ Đà Nẵng mà nhiều tỉnh, thành cũng bắt đầu tiếp cận chương trình này.Hà Nội là một trong những địa phương như vậy. Chị Lan Hương, nhân viên ngân hàng Vietcombank cho biết: “Tôi cũng rất muốn Hà Nội có chương trình này cho các bé học tập đúng tiêu chuẩn. Nhưng dù chưa có, tôi vẫn cho con và gia đình theo học giáo trình SwimSafe tại bể bơi Thái Hà, do HLV chuyên nghiệp dạy”.
Bên cạnh đó, TASC cũng tiếp tục triển khai chương trình tại một số tỉnh có nguy cơ cao như Đồng Tháp, An Giang.. Bên cạnh các dự án của UNICEF và Bộ Y tế bao gồm: Cần Thơ, Hải Phòng và Hải Dương.
Các HLV tương lai sẽ nhân rộng phong trào?
Với ý nghĩa như vậy, việc phổ cập chương trình SwimSafe là vô cùng quan trọng.Với trẻ em, có thể áp dụng đào tạo các kỹ năng bơi sống sót.Với người lớn, không chỉ giới thanh niên, học sinh, sinh viên mà cả với nhiều phụ huynh cũng nên được phổ cập các kỹ năng cấp cứu cơ bản nhất.
Trường Đại học TDTT Đà Nẵng đã quyết định cho chương trình SwimSafe trở thành kỹ năng phải có cho các sinh viên phổ tu.
Ông Lê Tấn Đạt, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Xuất phát từ mục tiêu môn học cho sinh viên phổ tu là trang bị kỹ năng biết bơi các kiểu bơi như trườn sấp, ếch (đối với sinh viên phổ tu đại học) và kiểu bơi ếch (đối với sinh viên phổ tu cao đẳng). Xuất phát từ thực tế giảng dạy cho thấy, phần lớn các em sinh viên sau khi học môn bơi phổ tu đều nắm được một kỹ thuật bơi thể thao.Song, các kiến thức về bơi lội đưa vào ứng dụng và giảng dạy cho người học bơi ban đầu thì các “HLV tương lai” này còn lúng túng.Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đang thí điểm đưa môn bơi vào các trường phổ thông. Việc trang bị các kiến thức và kỹ năng thực hành cho sinh viên để giảng dạy người học bơi ban đầu là một nội dung quan trọng. Xuất phát từ những lý do trên, chúng tôi đã tìm hiểu nội dung chương trình SwimSafe và từ đó lựa chọn các nội dung thích hợp để trang bị cho sinh viên học môn bơi phổ tu trường Đại học TDTT Đà Nẵng”.
Vì vậy, trong quá trình giảng dạy nhà trường đã xen kẽ trang bị cho sinh viên phổ tu các nội dung sau:
- Các kiến thức trọng tâm như kỹ năng vào và ra khỏi nước, các kỹ năng sống sót, kỹ năng bơi, kỹ năng cứu hộ, các kỹ năng cấp cứu cơ bản (dành riêng cho phần nâng cao).
Trong giờ tự học, đa số các sinh viên được học các kiến thức lý thuyết cũng như thực hành để trang bị kỹ năng bơi cho người học ở tại vị trí có mực nước sâu của bể bơi và đồng thời kết hợp xen kẽ trang bị kỹ năng cứu đuối gián tiếp và trực tiếp.
Ông Đạt cũng vui mừng cho biết: “Trong năm học 2011-2012, chúng tôi đã tiến hành ứng dụng nội dung chương trình trên, kết quả đã cho thấy: Số lượng sinh viên đã tiếp thu kỹ thuật bơi (trườn sấp, ếch) tốt hơn rất nhiều so với các năm học trước, thể hiện qua kết quả học tập tăng rõ rệt. Các em đã mạnh dạn hơn khi xuống nước; đặc biệt là phần lớn các sinh viên không còn cảm giác sợ sệt, lo lắng khi bơi đến những vị trí có mực nước sâu của bể bơi và quan trọng hơn cả là các em có thể tự mình xử lý khi bơi bị đuối sức. Ở nội dung thực tập giáo án của các em trong chương trình môn học, chúng tôi nhận thấy sinh viên mạnh dạn hơn trong việc giảng dạy cho người học bơi ban đầu, cũng như kiến thức về môn bơi lội. Qua chương trình SwimSafe được tìm hiểu và ứng dụng vào trong quá trình học tập sẽ giúp cho các em có kiến thức và kỹ năng về môn bơi lội khi ứng dụng vào thực tập sư phạm cuối khóa, cũng như sau khi tốt nghiệp ra trường”.Tuy nhiên, hiệu quả của chương trình này chưa được nhân rộng và việc triển khai còn mới chỉ mang tính phong trào.
Có thể nói, để phòng chống đuối nước một cách có hiệu quả cho trẻ em ở Việt Nam, chúng ta cần nhân rộng chương trình SwimSafe một cách bài bản và phải làm nhanh chóng mà việc phổ cập nó trong hệ thống giáo dục tiểu học và đại học là dễ dàng và hiệu quả nhất.
Th.S Lê Chí Hùng
THeo tapchithethao.vn