Nhà thi đấu TDTT T.P Thanh Hóa đang xuống cấp sau nhiều năm hoạt động.
Cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh, T.P Thanh Hóa gặp không ít khó khăn trong đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng phát triển TDTT. Tuy nhiên, nhờ có nhiều cách làm phù hợp thành phố đã thu hút được các nguồn vốn xã hội hóa đầu tư xây dựng các công trình văn hóa - thể thao với hệ thống sân chơi bãi tập đáp ứng cơ bản nhu cầu tập luyện TDTT của người dân. Trong đó cũng phải ghi nhận nhiều cơ quan, đơn vị cấp tỉnh đóng trên địa bàn đã đầu tư xây dựng sân chơi, bãi tập, góp phần thúc đẩy nhu cầu tập luyện TDTT trong các tầng lớp nhân dân.
Ở các xã, phường nhiều sân chơi TDTT cũng được đầu tư. Đó là việc thành phố tạo các điều kiện thuận lợi về cơ chế thuê đất, tổ chức nhiều giải đấu để tạo sân chơi… Cách làm xã hội hóa TDTT để phục vụ cho nhu cầu tập luyện của nhân dân ở T.P Thanh Hóa đã tạo ra những sân cỏ nhân tạo, sân tenis, sân cầu lông có tiêu chuẩn kỹ thuật cao. Và đây đang là cách làm hay, thể hiện sự năng động của các cấp ủy Đảng, chính quyền nơi đây mà các địa phương trong tỉnh nên học hỏi.
Thế nhưng nếu so với một đô thị loại I trực thuộc tỉnh, thì những gì T.P Thanh Hóa hiện có về hệ thống nhà thi đấu vẫn đang còn quá ít ỏi. Bởi hiện tại, hệ thống sân chơi, bãi tập của thành phố tuy nhiều nhưng lại mang tính chất cơ quan là chính. Ở nhiều phường, xã tuy có sân bóng đá nhưng vẫn còn thiếu sân chơi thể thao mang tính cộng đồng cho các môn cầu lông, bóng bàn. Điều này đồng nghĩa với nhu cầu tập luyện TDTT của một bộ phận nhân dân chưa được quan tâm đúng mức.
Kể cả nhà thi đấu TDTT của T.P Thanh Hóa cũng chẳng lấy gì làm hiện đại và quy mô cho lắm nếu so với một nhà thi đấu ở cấp huyện, thị.
Trên thực tế, nhà thi đấu này đã được xây dựng và đi vào hoạt động khoảng 15 năm nay, và đang có biểu hiện xuống cấp. Mặt sàn gỗ của nhà thi đấu đã có nhiều lỗ thủng do mối mọt. Các hạng mục như nhà vệ sinh, mái tôn, tường… cũng đã xuống cấp nặng. Đó còn chưa nói đến một phần của nhà thi đấu này đã được cho cơ quan khác sử dụng.
Bên cạnh đó, sức chứa của nhà thi đấu chỉ khoảng gần 1.000 người. Trong khi đó, đây lại là nơi sinh hoạt của nhiều CLB, hội thể thao trên địa bàn như: Liên đoàn Cầu lông, Liên đoàn Vovinam, Hội Bóng bàn Thanh Hóa … Đó còn chưa nói đến việc cứ trung bình mỗi tháng, nhà thi đấu này lại phải “gánh” từ 1 đến 2 sự kiện TDTT trên địa bàn.
Trên thực tế, nếu chỉ cần nơi tổ chức các giải đấu TDTT lớn, thành phố có thể đi thuê nhà thi đấu của tỉnh hoặc Liên đoàn Lao động tỉnh…Thế nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế. Đó còn chưa nói đến việc, nếu được đầu tư tốt về nhà thi đấu, T.P Thanh Hóa cũng sẽ kiếm được một nguồn thu kha khá từ những giải đấu trên địa bàn.
Đầu tư cho TDTT là đầu tư cho tương lai, cho những ý nghĩa lớn hơn thể thao. Có hệ thống nhà thi đấu tốt cũng phù hợp với chiến lược phát triển con người Việt Nam mà T.P Thanh Hóa đang thực hiện.
Đồng Thành
Theo vanhoadoisong.vn