Khi trượt patin chỉ là “mốt”
Đó là cách đây hơn 10 năm, khi Hà Nội có khoảng 20 sân trượt patin với hàng trăm lượt người chơi mỗi ngày, Hải Phòng cũng có khoảng 5 sàn, thành phố Hồ Chí Minh thì khỏi nói...
Không chỉ thu hút giới học sinh, sinh viên mà rất nhiều công chức văn phòng cũng say mê. Các sàn trượt đông như hội, tràn ngập tiếng cười. Ai thích thể hiện kỹ năng cá nhân thì biểu diễn những đường trượt có độ khó cao, ai thích đông vui thì chơi trò nối đuôi nhau, trượt quanh sàn.
Thế nhưng, như một loại “mốt” thời trang, các sàn trượt patin đã gần như bị xóa sổ. Ở Hà Nội nay chỉ còn có hai sân bé xíu ở Bách Thảo và Thủ Lệ với những đôi patin cũ. Các thành phố lớn khác như Hải Phòng, Đà Nẵng… thậm chí cả TP Hồ Chí Minh cũng vậy. Phong trào rầm rộ đã thoái trào.
Khi đó là niềm đam mê
Thực ra,10 năm đã trôi qua và patin vẫn chưa bao giờ mất đi sức hấp dẫn của nó. Không còn những tụ điểm trượt, những người yêu thích patin đã tìm đến đường phố. Và đây mới thực sự là bản chất của môn thể thao này - là phương tiện di chuyển thân thiện với thiên nhiên, thể hiện cá tính bản thân, là khao khát được thể hiện mình trong cảm giác… lướt đi nhẹ nhàng trên chiếc bánh xe bé xíu.
Dĩ nhiên, với vỉa hè ở Việt Nam, chắc chắn đó không phải là địa hình lý tưởng để chơi patin mà các sàn trượt patin thì không còn ai đầu tư xây dựng nữa, các bạn trẻ đã “lặng lẽ” tìm đến công viên, vườn hoa trong thành phố.
Nhiều nhóm yêu patin đã ra đời, họ tìm đến nhau và xây dựng hẳn các forum để chia sẻ kinh nghiệm, nhóm họp lại để cùng nhau tập luyện.
“Zombie” là một nhóm như vậy. Không ai bảo ai, cứ đều đặn 5 giờ các buổi chiều trong tuần, 25 bạn trẻ trong nhóm patin có cái tên khá ấn tượng này cùng tụ tập nhau lại tại Công viên 23/9, Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.
Sân tập đơn giản chỉ là một khoảng trống rộng để các bạn có khoảng không tha hồ… “thể hiện” mình. Và thực tế các bạn đã khiến cho không ít khán giả có mặt hồi hộp, kinh ngạc chứng kiến những động tác đơn giản như đứng hoặc ngồi trượt dài trên sân cho đến kỹ thuật phức tạp hơn là vượt qua chướng ngại vật (những chiếc cốc), giữ thăng bằng trên giầy, xoay vòng…
Rất nhiều nhóm khác, cũng ấn tượng không kém, thường xuyên hẹn nhau tập trượt patin tại Công viên Gia Định. Tuy nhiên, lực lượng càng lúc càng phát triển mạnh mà sân lại chật nên các bạn quyết định “chia đàn” và di cư về đây.
Mà không chỉ có giới trẻ, Công viên Gia Định còn có một đôi trượt rất đặc biệt, đó là... hai bố con bé Anh Quân. Bé Quân mới 4 tuổi, bố thì hơn 30. Hàng ngày, sau khi đón bé Quân đi học về, cả 2 cha con lại ra sân tập cùng mọi người.
Patin bảo vệ thiên nhiên và thể hiện cá tính
Không chỉ tập luyện ở các công viên, đa số người tập patin hiện nay (nhưng phải giỏi) thường xuyên đi tới trường bằng phương tiện này. Thu Nga, một cô bé ở Quận 1, TP Hồ Chí Minh tự tin khỏe: “Em không chơi patin theo mốt đâu. Thực sự em muốn góp phần bảo vệ môi trường bằng cách không đi xe máy hay xe hơi của ba mẹ, nhưng em cũng không thích đi xe đạp vì thiếu cá tính và em hay làm mất vé xe. Trượt patin tới trường là cách hay nhất, thân thiện với môi trường và làm mình thật cá tính, tự tin. Em có hẳn một nhóm bạn cùng đến trường bằng cách này. Chúng em trượt rất an toàn chứ không “đua” như nhiều người lớn nghĩ đâu.”
Không rầm rộ như ở TP. Hồ Chí Minh, song Hà Nội cũng thấy có cậu học trò mang balô chạy patin tự tin trên vỉa hè, phố vắng. Ngược lại với giới trẻ TP.Hồ Chí Minh, patin không hút các bạn nữ ở thủ đô lắm.
Trên thế giới, patin vô cùng phổ biến không chỉ đối với giới trẻ. Nhiều cửa hàng chuyển phát bưu phẩm, báo chí khuyến khích và thuê những tay trượt patin siêu đẳng làm postman (người đưa thư). Nhiều cửa hàng pizza, fast food… cũng vậy. Học trò cũng thường xuyên đến trường bằng ván trượt, patin…
Tất thảy đều chỉ muốn truyền tới cho xã hội một thông điệp: “Các bạn hãy tập luyện patin vì sức khoẻ của mình và bảo vệ môi trường”.
Chịu chơi và chịu... ngã
Để đến được với patin, các bạn đã phải chịu đầu tư một khoản kha khá. Theo sự tư vấn của Lê Quân, một tay chơi patin già dặn, có thâm niên 5 năm thì: “Những bạn mới vào “nghề”, đang còn… non chân thì có thể mua đôi giầy patin khoảng 500.000 - 1,5 triệu. Tuy nhiên, sau khi kỹ thuật của các bạn khá lên thì phải chọn những loại giầy tốt hơn, từ 2 - 4 triệu hoặc cao hơn để đáp ứng động tác khó của mình. Phải mang đầy đủ đồ bảo hộ tay, cùi tay, đầu gối, mũ bảo hiểm để đảm bảo an toàn khi tập và khi di chuyển trên đường phố.”
Song ngược lại với giầy, quần áo mặc khi luyện tập không yêu cầu chất lượng cao, miễn sao mỗi người cảm thấy thoải mái. Mốt mà dân chơi patin “kết” nhất chính là áo phông hip hop và quần bò bởi sự tiện dụng, rộng rãi.
Bên cạnh đó, việc luyện tập thường xuyên khá quan trọng để nâng cao trình độ của mình. Thực tế cho thấy, đây là môn thể thao dành cho những người dũng cảm vì phải ngã nhiều, ngã đau, chăm tập luyện thì mới có được kết quả tốt.
Theo kinh nghiệm của nhóm “Zombie” thì với những bạn mới chơi, nên đi tốc độ vừa phải, tuyệt đối không được đi vào làn đường của người khác để tránh va chạm. Khi tập lúc nào trên người cũng phải mang bảo hộ đầy đủ để tránh bị trầy xước. Đặc biệt, các bạn nên được học… ngã vì đúng kỹ thuật sẽ không bị chấn thương.
Theo tapchithethao.vn