Thanh Hóa có phong trào vật khá phát triển, nhưng vẫn thiếu những đô vật tài năng.
Mặc dù vẫn có thành tích trong những năm gần đây, thế nhưng bộ môn vật của thể thao thành tích cao Thanh Hóa đang đứng trước khó khăn về nguồn VĐV tài năng cho tương lai. Nỗi lo này thực sự hiện hữu khi đô vật nổi danh một thời Lương Thị Quyên đang bước vào tuổi nghỉ thi đấu.
Khoảng đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, bộ môn vật của thể thao thành tích cao Thanh Hóa đã được thành lập. Ngày ấy, khi hội tụ được nhiều tài năng như: Nguyễn Minh Hùng, Lê Đức Tùng, Nguyễn Công Hà… vật Thanh Hóa đã gây được tiếng vang lớn trên đấu trường quốc gia. Cho đến Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 3 (năm 1994) những đô vật của xứ Thanh cũng chỉ thua duy nhất đoàn Hà Nội về số lượng huy chương. Thứ hạng này đã được xứ Thanh duy trì cho đến gần hết thế kỷ XX.
Cũng như nhiều bộ môn thể thao khác, việc thành - bại của vật phụ thuộc rất lớn vào lớp VĐV tài năng. Bởi sau những đô vật nam nổi danh hết tuổi, vật Thanh Hóa lại bước vào cảnh chật vật lo tìm VĐV kế cận. May thay, một lớp vật nữ có tài năng lại ra đời thế chỗ, và liên tục mang vinh quang về cho Thanh Hóa ở cả đấu trường trong nước, khu vực và quốc tế.
Cái thời “âm thịnh dương suy” của bộ môn vật đã khiến Thanh Hóa nổi danh hơn trong khoảng từ năm 2001 đến năm 2007. Rồi những cái tên như: Lương Thị Quyên, Nguyễn Thị Vân, Lê Thị Huệ đã liên tục có được HCV trên các đấu trường lớn. Đặc biệt, cô gái người Hoằng Thành (Hoằng Hóa) Lương Thị Quyên đã mang về Thanh Hóa 3 tấm HCV liên tục trong 3 kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á (Seagames).
Những tưởng với bề dày truyền thống của vùng đất xứ Thanh thượng võ, môn vật sẽ ngày càng thịnh vượng. Thế nhưng khi những Nguyễn Thị Vân, Lê Thị Huệ hết tuổi thi đấu hoặc bị chấn thương, vật Thanh Hóa lại đi vào thời kỳ trầm lắng. Mãi cho đến những năm gần đây, bộ môn này mới lấy lại thanh thế của mình bằng sự vươn lên của những tài năng trẻ.
Đáng chú ý, ngay trong đầu năm nay 3 gương mặt là Nguyễn Văn Tuấn, Vũ Thị Hạnh và Trần Thị Lan Anh đã mang về Thanh Hóa tới 3 HCV trong Giải vô địch trẻ Đông Nam Á. Cũng trong giải đấu này, nữ đô vật Trần Thị Vân cũng giành thêm một HCB, làm phong phú thêm thành tích của xứ Thanh. Họ thực sự đang là hy vọng vớt vát của môn vật Thanh Hóa trong tương lai ngoài Lương Thị Quyên.
Đó là chuyện trong tương lai, còn hiện tại vật Thanh Hóa cũng chưa có gương mặt nào sáng giá hơn Lương Thị Quyên và Nguyễn Thị Vinh khi tham gia các giải vô địch quốc gia. Do vậy trong Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII tới đây, bộ môn này cũng chỉ đặt ra mục tiêu là 2 tấm HCV, và được đặt lên vai 2 VĐV này. Và như vậy đồng nghĩa với hy vọng của vật Thanh Hóa đang được đặt lên vai của những gương mặt cũ, những VĐV sắp phải nghỉ thi đấu. Điều này cũng khiến cho Phó Giám đốc, kiêm phụ trách bộ môn vật của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Thanh Hóa Lê Xuân Dương không mấy vui. Ông khẳng định: Quyên là đô vật số 1 của bộ môn vật Thanh Hóa, nếu nghỉ thi đấu thì rất khó để tìm được người kế cận. Kể cả những VĐV giành được HCV giải trẻ Đông Nam Á vừa rồi cũng khó có thể đạt được thành tích như Quyên.
Trên thực tế, cảnh lên rừng, xuống biển để tìm kiếm VĐV tài năng cho môn vật vẫn diễn ra lâu nay. Thế nhưng việc bộ môn này không đủ sức hấp dẫn đối với giới trẻ trong thời hiện đại đã khiến vật xứ Thanh càng gặp khó.
Lâu nay các HLV của bộ môn vật Thanh Hóa vẫn tự nguyện mở lớp nghiệp dư để tìm kiếm, đào tạo VĐV môn vật, thế nhưng những lớp này vẫn thiếu vắng người tập. Cách tốt nhất để tìm ra nguồn VĐV tài năng cho môn vật cũng như nhiều môn thể thao khác là phải thực hiện việc xây dựng phát triển VĐV tuyến 3 đã được tỉnh phê duyệt. Có nghĩa là sự phối hợp giữa ngành thể thao và giáo dục mới tìm được ra được nguồn VĐV này. Ông Lê Xuân Dương nói về cách tiếp cận để tìm VĐV cho môn vật.
Đồng Thành
Theo vanhoadoisong.vn