Căn bệnh cũ: tự mãn!
Người Việt dễ sa vào tự mãn khi cảm thấy mình làm điều gì khiến mọi người hài lòng, vì thế mà thấy đủ, không cần cố gắng thêm. Bóng đá cũng chẳng ngoại lệ, tính đến trước thế hệ U19 hôm nay, bóng đá Việt Nam cũng có những tài năng thiên bẩm, chuyên môn cao nhưng đứng trên đỉnh vinh quang ngắn ngủi.
Ngày đó, truyền thông gọi Văn Quyến là “cậu bé vàng”, người có thể làm thay đổi nền bóng đá nước nhà. Nhiều bài viết ca ngợi anh, hình ảnh tiền đạo số 10 lấy làm trang bìa nhiều tờ báo và hơn thế nữa. Đằng sau hình ảnh đầy thăng hoa ấy, Văn Quyến làm thêm được gì ngoài sự thật đau xé lòng người hâm mộ. Ngày đó, người ta tin yêu Quyến bao nhiêu thì thông tin Quyến dính vào nhóm cầu thủ bán độ tại Sea Games 23 làm mọi thứ có được tan thành bọt biển.
Nhắc lại đến một tài năng cũ của bóng đá nước ta để đánh động đến hiện tại; bởi U19 hiện nay không khác Văn Quyến ngày xưa là mấy. U19 Việt Nam hiện nay được xem là tương lai, càng thực tế hơn khi các em đã thể hiện tốt trước hàng triệu khán giả ở trận gặp AS Roma. Báo chí đã khen, người hâm mộ đã tin, U19 Việt Nam đã nổi tiếng hơn, không chỉ trong nước mà lan ra cả quốc tế.
Những lời có cánh là con dao 2 lưỡi, nếu các em biết giữ mình trước những cám dỗ của câu chữ và vật chất để tiếp tục phấn đấu thì không có gì phải nói thêm, nhưng điều đáng lo ngại là căn bệnh tự mãn, nó như khối u lớn dần trong mỗi người. Nếu chấp nhận thành quả của hiện tại, có lẽ tài năng sẽ chỉ là hiện tượng, như những hiện tượng đã cũ mà trong quá khứ mà bóng đá Việt Nam không thiếu.
Quay trở lại sân Thống Nhất tối ngày 06/01 vừa qua, trước một U19 AS Roma có ngoại hình vượt trội, các cầu thủ chúng ta dù phát huy xuất sắc những bài phối hợp đập nhả cự ly ngắn nhưng vẫn thua đối thủ về thể lực. Kết quả là 2 bàn thua đáng tiếc trong thế trận sở hữu nhiều hơn những cơ hội ngon ăn. Để lại sau lưng những ngợi khen, khắc phục những lỗ hổng còn tồn đọng là việc thầy trò HLV Guillaume Graechen phải làm trong cuộc tiếp đón U19 Nhật Bản ở lượt trận thứ 2 cũng như U19 Tottenham ở lượt trận cuối cùng.
Đừng như một Loretti…
Robertino Loretti là một giọng ca thần đồng người Italia. Ở tuổi 13, cậu đã làm ngất ngây người nghe với một chất giọng tuyệt vời. Nhờ giọng hát ấy, từ cậu bé nghèo không ai biết đến, Loretti gây chú ý đến mọi người, rồi cả thế giới. Mỗi buổi biểu diễn của cậu thu hút đến hơn 50.000 khán giả tập trung để được nghe hát.
“Một phút huy hoàng rồi chợt tắt”, khi chất giọng trong trẻo, mong manh ấy không được thời gian giữ lạị mà chuyển sang chất giọng baritone của một người trưởng thành. Từ đó, người ta dần quên Loretti là ai; với họ cậu chỉ tồn tại mãi với bản tình ca đượm ký ức thời gian bằng chất giọng trong trẻo.
Lan man sang nghệ thuật cũng để minh họa cho những tài năng sớm nổi rồi cũng vội tan. U19 Việt Nam hiện tại cũng như Loretti thời kỳ chưa vỡ giọng, trong trẻo, hồn nhiên. Không tài năng nào mãi sống trên đỉnh cao của phong độ, và khi bước sang thời kỳ đỉnh cao của sự nghiệp, thử hỏi có mấy ai nhớ đến.
Truyền thông Việt Nam hiện là chiếc cầu nối mang U19 gần với người hâm mộ. Dẫu vậy, không cần thiết phải tung hô các em như những ông thần. Hãy để các em thi đấu với sự hồn nhiên đúng độ tuổi, không mưu toan và suy nghĩ mang mục đích cá nhân. Sức mạnh của truyền thông khủng khiếp đến mức có thể đưa người khác lên mây, giữ họ trên đỉnh cao nhưng ngược lại, có thể giết chết bất cứ một ai bằng cuộc chiến tinh thần đáng sợ.
Kết
U19 Việt Nam xuất sắc vì sự gắn kết, tập luyện lâu năm với nhau; bên cạnh chế độ sinh hoạt tốt đến từ Học viện Hoàng Anh Gia Lai, Arsenal JMG của ông bầu Đoàn Nguyên Đức. Việc quản lý cầu thủ được cho là nghiêm khắc của bầu Đức khi không có các cầu thủ tiếp xúc với báo chí, tất cả mọi hoạt động đều hướng về sân cỏ và trái bóng đến hôm nay đã phát huy tác dụng. Ai yêu bóng đá và nghĩ cho tương lai bóng đá Việt Nam nên để các em sống trọn vẹn với niềm đam mê mà không làm tì lên một vệt màu nào khác.
Việc vượt qua các cám dỗ đối với các cầu thủ trẻ sẽ khó khăn hơn qua mặt các được các đối thủ trên sân cỏ.