Lịch sử phát triển
Quyền Anh có lịch sử rất lâu đời. Khoảng 3700 năm trước Công nguyên, ở xứ Mésopotamie (cổ Hy Lạp) đã lưu hành môn đấu quyền, thuỷ tổ của môn quyền Anh ngày nay. Có một thời gian môn này bị suy giảm, mãi đến năm 1750 trước Công nguyên mới thịnh hành trở lại. Bấy giờ, vào những ngày nghỉ ngơi người ta thường tổ chức thi đấu quyền, với sự tham dự đông đảo của mọi tầng lớp.
Đất nước Hy Lạp phát triển khá mạnh mẽ những cuộc thi đấu quyền, thậm chí còn cho phép các đối thủ được phép mang thêm dây da hoặc dây sắt vào tay để hạ đối thủ nhanh hơn, bởi luật thi đấu lúc đó là đấu đến khi nào có một người không thể tiếp tục đấu nữa mới thôi! Đến năm 746 trước Công nguyên, sau khi La Mã tiêu diệt Hy Lạp, môn đấu quyền cũng truyền theo đến La Mã với sự hưởng ứng nhiệt tình của tầng lớp thanh niên. Tuy nhiên, do sự phát triển môn đấu quyền ngày càng đi sâu vào sự tàn nhẫn, nên đến năm 404 trước Công nguyên, hoàng đế La Mã là Theodosius đệ nhất đã ra lệnh cấm hẳn môn đấu quyền.
Mãi đến thế kỷ 16, môn đấu quyền xa xưa của Hy lạp - La Mã đã trở thành một hoạt động ưa chuộng của giới trung lưu và thượng lưu ở nước Anh trong phong trào phục hưng. James đã trở nên bá chủ môn đấu quyền ở Anh sau khi đánh bại tất cả những danh thủ sừng sỏ khác, và là người đầu tiên mở trường dạy môn đấu quyền. Sau đó, một nhà vô địch người Anh thế hệ nối tiếp là Jack Broughton đã đi xa hơn: mở trường dạy đấu quyền, phát minh ra đôi găng tay để giảm bớt tai nạn trong thi đấu, lập ra qui tắc đấu quyền mang tính thể thao hơn.
Đến năm 1865, một hầu tước người Anh là Queens Beery Vlll lại cải tiến qui tắc đấu quyền thành một qui tắc mang tính tài tử hơn: chỉ đấu ba hiệp, mỗi hiệp ba phút, thay vì đấu mười sáu hiệp như qui tắc Broughton. Sau này qui tắc Broughton trở thành luật thi đấu quyền Anh nhà nghề và qui tắc Berry trở thành luật thi đấu quyền Anh tài tử. Từ đó, môn quyền Anh đã lan toả đến nhiều vùng đất khác trên hành tinh. Năm 1881, Hiệp hội Quốc tế quyền Anh tài tử ra đời, tạo cơ hội cho môn quyền Anh phát triển rộng rãi hơn. Và năm 1904, Thế vận hội lần thứ ba đã chính thức xếp môn quyền Anh vào các môn thi đấu chính thức.
Môn quyền Anh ngày nay phát triển trên toàn thế giới, nổi tiếng với kỹ thuật chỉ sử dụng đôi tay với ba đòn chính là đấm thẳng, móc ngang và móc lên, cộng với kỹ thuật sử dụng hai chân di chuyển kết hợp với sự tránh né của thân thể, đầu... Ngoài ra, luật thi đấu môn quyền Anh chỉ cho phép đánh vào khu vực phía trước mặt và từ trên thắt lưng trở lên, buộc người tập môn quyền Anh càng khổ luyện hơn hầu giành được ưu thế trong thi đấu cũng như trong tự vệ.
Môn quyền Anh, do chỉ sử dụng ba đòn tấn công là ba đòn tay, nên người tập được luyện cho đôi tay đánh thật nhanh và thật mạnh vào những điểm yếu trên vùng cơ thể cho phép đánh, song song với kỹ thuật gạt đỡ, tránh né, nhập nội chắc chắn và nhanh nhẹn như chớp, tất cả sẽ làm cho đối thủ luống cuống, không kịp đỡ và chỉ cần một đòn tay trúng đích là có thể hạ đối thủ rồi!
Những năm bước vào thế chiến thứ hai thì môn quyền Anh mới phát triển rộng rãi hơn và bắt đầu có những giải vô địch.
Quyền Anh nghiệp dư
Quyền Anh nghiệp dư có thể được tìm thấy thể dục thể thao cấp độ đại học, tại Thế vận hội, Đại hội Thể thao Khối thịnh vượng chung, Đại hội Thể thao châu Á, hay Đại hội Thể thao Đông Nam Á. Ở nhiều địa điểm khác nhau có các hiệp hội Quyền Anh nghiệp dư khác nhau quản lý. Quyền Anh nghiệp dư có một hệ thống tính điểm đo lường số lượng đòn đánh trúng đích chính xác được tính, ưu tiên hơn là sát thương vật lý, hay sức mạnh của đòn đánh. Các hiệp đấu bao gồm ba hiệp, mỗi hiệp ba phút trong Thế vận hội, ABA (các hiệp hội quyền anh nghiệp dư) quốc gia, có khoảng cách giữa các hiệp là một phút.
Về chia hạng thể thức của các hạng cân: hệ thống cân Quyền Anh nghiệp dư theo kilôgam (Metric) và hệ thống Aviordupois được sử dụng chia làm 12 hạng cân của Thế vận hội từ 48 kg (105 lb) đến trên 91 kg (200 lb).
Ở nghiệp dư, các vận động viên đội mũ bảo hộ đội đầu và đeo găng tay có dải hoặc vòng tròn màu trắng trên đốt ngón tay. Tuy nhiên, có những trường hợp không yêu cầu găng tay trắng, có thể đeo bất kỳ loại găng màu nào. Điểm găng màu trắng chỉ là một cách để giúp giám khảo dễ dàng hơn trong việc ghi điểm đòn đánh tốc độ cao. Mỗi đấu thủ phải được quấn tay đúng cách trước khi đánh để được tối ưu hóa tính chất bảo vệ thêm cho bàn tay của họ, có thêm đệm dưới găng tay. Găng tay của đấu sĩ phải có trọng lượng 12 ounce trừ khi võ sĩ nặng dưới 165 pound (75 kg), cho phép đeo găng tay 10 ounce
Trong khi tung đòn, một cú đấm chỉ được coi là cú đấm ghi điểm khi phần màu trắng của găng tay chạm tới vị trí yếu điểm trên cơ thể của đối thủ. Mỗi cú đấm chạm vào đầu hoặc phần thân với một lực vừa đủ sẽ được cộng một điểm. Để cho điểm mỗi đòn đánh, đòn đó không bị ngăn chặn hay bảo vệ và phải trúng đích với diện tích tiếp xúc hợp lệ của găng, đòn đó phải trúng đích vào phần trước của đầu hay thân thể kể từ thắt lưng trở lên. Các đòn tạt ngang (swing) đánh đúng như trên cũng được tính điểm. Giá trị của các đòn đánh giáp thân sẽ được đánh giá vào thời điểm cuối của lần giáp thân giữa các vận động viên và tùy thuộc vào số đòn đánh chiếm đa số của vận động viên đó.[51] Đòn đánh không ghi điểm là cú đánh vi phạm luật hoặc đánh bằng cạnh, mặt sau của găng, đánh mở găng hoặc bất kỳ phần nào khác ngoài diện tích găng che của các khớp của năm ngón tay (diện tích tiếp xúc hợp lệ), chạm vào cơ thể đối phương mà không có lực của vai hay cơ thể người ra đòn, đánh bằng cánh tay. Hình thức cho điểm theo quyết định được thiết lập, giám định ấn các nút được hướng dẫn để cho điểm vận động viên có những đòn đánh chính xác, hợp lệ. Về cơ bản, những đòn đánh chính xác và các thông tin khác được ghi lại và tính toán một cách tự động bởi máy chấm điểm.
Quyền Anh chuyên nghiệp
Ở Quyền Anh chuyên nghiệp, các trận đấu chuyên nghiệp thường dài hơn nhiều so với các trận nghiệp dư, thường dao động từ mười đến mười hai hiệp, mặc dù các trận đấu bốn hiệp thường xảy ra đối với các võ sĩ ít kinh nghiệm hơn hoặc các võ sĩ câu lạc bộ. Ngoài ra còn có một số trận đấu chuyên nghiệp hai và ba hiệp, đặc biệt là ở Úc. Trong suốt đầu thế kỷ XX, các trận đấu thường có số hiệp không giới hạn, chỉ kết thúc khi một võ sĩ bỏ cuộc, mang lại lợi ích cho những võ sĩ có độ bền cao như Jack Dempsey. Mười lăm hiệp đấu vẫn là giới hạn được quốc tế công nhận cho các trận đấu vô địch trong hầu hết thế kỷ XX cho đến đầu những năm 1980, giảm giới hạn xuống còn mười hai hiệp. Mũ đội đầu không được phép sử dụng trong các cuộc đấu chuyên nghiệp và các võ sĩ thường chịu nhiều sát thương hơn hẳn so với nghiệp dư. Bất cứ lúc nào, trọng tài có thể dừng trận nếu cho rằng một võ sĩ không thể tự vệ do chấn thương. Trong trường hợp đó, võ sĩ còn lại được tuyên thắng trực tiếp. Bên cạnh KO là TKO cũng sẽ tuyên nếu võ sĩ tung ra một cú đấm mở ra một vết cắt vào đối thủ và đối thủ sau đó được bác sĩ cho là không đủ sức khỏe để tiếp tục vì vết cắt chảy máu liên tục. Vì lý do này, trong đội ngũ của mỗi võ sĩ thường có chuyên gia xử lý viết thương, công việc của họ là xử lý vết cắt giữa các hiệp để võ sĩ có thể tiếp tục bất chấp vết cắt. Ngược lại với quyền anh nghiệp dư, các võ sĩ nam chuyên nghiệp phải để ngực trần.