Đặc điểm cốt vợt bóng bàn Cốt vợt bóng bàn bao gồm mặt vợt và cán vợt. Phần lớn mặt vợt được cấu tạo từ các lớp gỗ dán hoặc kết hợp giữa gỗ dán và carbon. Một mặt vợt có thể gồm từ 1 đến 7 lớp. Số lượng lớp, độ dày của mỗi lớp, độ cứng và độ phân bổ chất liệu tạo nên những đặc điểm khác nhau của mỗi cốt vợt.
Cấu trúc lớp của cốt bóng bàn
Một số cốt vợt sử dụng thêm các lớp carbon, arylate hoặc titanium để tạo ra khu vực sweet spot lớn hơn (Sweet Spot là khu vực trên mặt vợt nơi mà người chơi có cảm giác bóng tốt nhất khi thực hiện những cú đánh, khu vực này có hình tròn và tâm của nó chính là tâm của mặt vợt, một cách dễ dàng để xác định khu vực sweet spot là thả một quả bóng bàn từ một độ cao cố định xuống những phần khác nhau trên mặt vợt, chúng ta có thể dễ dàng xác định khu vực này dựa vào độ nảy và cảm giác của bóng). Cốt vợt có sử dụng carbon: Lớp sợi carbon nâng cao tốc độ cho cây vợt, làm rộng khu vực sweet-spot, và khiển cây vợt ổn định hơn. Carbon cũng đóng vai trò như là một lớp gia cố làm mạnh thêm cây vợt. Do đó phần lớn cốt vợt có sử dụng Carbon sẽ tạo cảm giác "cứng”, phù hợp với người chơi có lối đánh tấn công. Cốt vợt có sử dụng sợi Arylate: Lớp sợi arylate sẽ làm giảm độ rung của vợt khi tác động với bóng. Giống như sợi carbon, lớp sợi arylate cũng làm rộng khu vực sweet-spot khiến cho cây vợt ổn định hơn. Đặc tính này sẽ tạo ra một cây vợt có cảm giác "trung bình” hoặc "mềm”, phù hợp với người chơi hay tạo ra những cú đánh xoáy. Một số cốt vợt cao cấp sẽ sử dụng những lớp tạo bởi sự kết hợp giữa Carbon và Arylate. Tốc độ và khu vực sweet-spot lớn của Carbon kết hợp với khả năng giảm rung và cảm giác "mềm” của Arylate tạo ra những cây vợt có chất lượng cao nhất hiện nay
Cốt bóng bàn với cấu trúc lớp kết hợp giữa gỗ và vật liệu khác (carbon, titanium)
Theo luật bóng bàn, 85% cốt vợt phải được sản xuất từ gỗ.
Một số cốt vợt thì lại tạo ra khu vực sweet spot lớn hơn bằng cách làm rộng bề mặt vợt (ví dụ như cốt vợt Stiga Oversize).. Một cốt vợt có kí hiệu 5-ply nghĩa là nó có cấu trúc 5 lớp.
Một cốt vợt bóng bàn có những đặc tính quan trọng sau:
Tốc độ và độ điều khiển
Hai đặc tính này liên hệ chặt chẽ với nhau. Thông thường những người mới chơi nên sử dụng các cây vợt chậm do cốt vợt có tốc độ càng chậm thì càng dễ điều khiển (độ điều khiển cao). Một cốt vợt có tốc độ cao thì dễ dàng tạo ra những cú đánh rất nhanh và mạnh, nhưng do cốt vợt di chuyển rất nhanh, bạn sẽ không có đủ thời gian để điều khiển góc độ vợt chính xác khi đánh trả một cú giao bóng xoáy hay một cú đánh mạnh.
Trọng lượng
Một số cốt vợt sẽ nặng hơn những loại khác do sự kết hợp giữa các loại gỗ, số lượng các lớp và chất liệu. Một cốt vợt nặng hơn (đồng nghĩa với tốc độ chậm hơn) sẽ phù hợp với người mới chơi do trọng lượng của cây vợt đã tạo ra phần lớn lực đánh trả, người chơi chỉ việc tập trung vào việc điều khiển cây vợt.
Việc lựa chọn cốt vợt còn phụ thuộc vào lối đánh của người chơi. Có hai lối đánh chính là phòng thủ và tấn công. Những người chơi phòng thủ cũng nên lựa chọn loại cốt có tốc độ chậm vì cùng một lí do - độ điều khiển cao. Điều đó không có nghĩa là bạn không thể có những cú đánh mạnh với cốt tốc độ chậm, nó chỉ tạo thêm độ điều khiển cho bạn. Những người chơi tấn công thì lại ưa thích cốt vợt có tốc độ cao, do nó có thể tạo ra những cú đánh áp đảo vô cùng nhanh và mạnh.
Cốt vợt được phân loại theo tốc độ của nó. DEF, ALL-, ALL, ALL+, OFF-, OFF, OFF+ mô tả phạm vi phân loại tốc độ cốt vợt từ chậm nhất (DEF) đến nhanh nhất (OFF+). Một người chơi trình độ trung bình có thể bắt đầu bằng cốt vợt trong phạm vi ALL. Khi kĩ năng và khả năng điều khiển của bạn tăng lên, bạn có thể chuyển lên chơi loại cốt nhanh hơn để nâng cao tốc độ cú đánh của bạn.
Kích cỡ mặt vợt
Một yếu tố quan trọng nữa là kích cỡ của mặt vợt. Người chơi phòng thủ ưa thích cốt vợt có mặt lớn do họ muốn tận dụng tối đa khu vực sweet spot lớn. Trong khi người chơi tấn công thì lại ưa thích mặt vợt nhỏ để giảm thiểu độ cản không khí.
Cán vợt
Cán vợt cũng là một yếu tố quan trọng. Kiểu cán vợt phụ thuộc vào cách cầm vợt của người chơi, hiện nay có hai cách cầm vợt bóng bàn phổ biến dưới đây:
Kiểu shakehand (còn gọi là bắt tay), được minh họa như hình dưới đây. Người chơi cầm vợt như là bắt tay người khác
Kiểu cầm vợt shakehand (bắt tay)
Có 3 loại cán vợt chính đối với kiểu cầm vợt shakehand , khác nhau ở độ rộng, độ dài và độ dày, có tên lần lượt là "Flared” (cán rộng ở đáy), "Anatomic” (cán rộng ở giữa), và "Straight” (cán thẳng). Hình vẽ dưới đây mô tả cả 3 loại cán: Loại cán phổ biến nhất là "Flared”, sau đó đến "Anatomic”, và cuối cùng là "Straight”.
Kiểu cầm vợt thứ hai có tên là penhold (kiểu cầm bút). Người chơi cầm cây vợt bóng bàn giống như cầm chiếc bút
Kiểu cầm vợt penhold (cầm bút)
Đối với kiểu cầm vợt này, hai loại cán được sử dụng là Chinese penhold và Japanese penhold.
Các thông số liệt kê trên cốt vợt bóng bàn
Dưới đây là các thông số thường liệt kê trên một cốt vợt bóng bàn:
SPEED (tốc độ): thường là từ 1 đến 10. Một số hãng có thể sử dụng thang đo từ 1 đến 100. Số càng lớn tốc độ càng cao.
CONTROL (độ điều khiển): thường là từ 1 đến 10 hoặc có thể từ 1 đến 100. Số càng lớn độ điều khiển càng cao
CLASS (phân loại): DEF, ALL-, ALL, ALL+, OFF-, OFF, OFF+
PLY (số lượng lớp trên cốt): 5W nghĩa là vợt có 5 lớp gỗ, 3W/2A/C nghĩa là cốt vợt có 3 lớp gỗ, 2 lớp Artyle và một lớp carbon…
WT (Weight: trọng lượng): trọng lượng của cốt vợt, thường trong khoảng từ 80 gram đến 100 gram.
HANDLES (kiểu tay cầm): có kí hiệu là FL (Flared), AN (Anatomic) hoặc ST (Straight)