Thoái hóa khớp gối là một bệnh ở phụ nữ từ tuổi 40 trở lên hay mắc phải, một số trường hợp người trẻ hơn cũng mắc bệnh này do chấn thương hoặc di truyền..Có nhiều phương pháp để chữa bệnh thoái hóa khớp gối, bạn có thể kết hợp giữa vật lý trị liệu và tập luyện các bài tập thể dục nhẹ nhàng cũng mang lại hiệu quả bất ngờ.
Kết hợp giữa vật lý trị liệu và tập luyện chữa bệnh thoái hóa khớp gối
1. Điều trị bằng vật lý trị liệu
Điều trị vật lý trị liệu không chỉ giảm đau, giảm phù nề, tăng lực cơ, tăng tầm vận động khớp gối mà còn phục hồi các chức năng sinh hoạt hằng ngày của người bệnh.
Giảm đau, tăng tuần hoàn: chiếu đèn hồng ngoại, chườm nóng, chiếu thấu nhiệt vi sóng, điều trị bằng các dòng điện giảm đau (dòng Ten, dòng giao thoa…), sóng siêu âm giảm đau, kháng viêm, làm mềm tổ chức tổn thương xơ sẹo trong sâu, hướng dẫn sử dụng băng thun hoặc bó gối để cố định khớp gối khi đi lại, lên xuống cầu thang.
Huấn luyện cơ, tập mạnh các nhóm cơ gập duỗi khớp gối, các nhóm cơ gập duỗi dang áp khớp hông để hỗ trợ khớp gối tùy vào lực cơ người bệnh, gia tăng tầm vận động khớp gối, độ di động xương bánh chè: kỹ thuật P.N.F, tập đề kháng bằng tay, bằng tạ, dây thun co giãn, tập di động xương bánh chè, tập chịu sức, lên xuống cầu thang.
6 Động tác thể dục giảm đau khớp gối tại nhà :
Động tác 1: Người bệnh nằm ngửa, gập hai bàn chân về phía đầu, cố gắng ấn hai nhượng chân xuống nệm, giữ lại đến lúc nào mỏi thì đạp hai bàn chân xuống, cố gắng ấn hai gót chân xuống nệm, giữ lại đến lúc nào mỏi thì lặp lại động tác ban đầu, mỗi động tác làm 15 – 20 lần.
Động tác 2: Người bệnh nằm ngửa, chân bên phải gập bàn chân về phía đầu, nâng cao chân lên khoảng 30-45 độ so với mặt giường, giữ lại đến lúc nào mỏi thì đổi qua chân bên trái, mỗi bên lặp lại 15 – 20 lần.
Nếu lực cơ người bệnh tốt có thể tập đề kháng bằng tạ thẻ, túi cát (đeo ở vùng bắp chân hoặc cổ chân), trọng lượng tăng từ 0,54kg tùy theo khả năng người bệnh lực cơ sẽ mạnh nhanh hơn .
Động tác 3 : Người bệnh nằm nghiêng bên phải, chân bên phải co lên, chân bên trái thẳng đồng thời gập cổ bàn chân trái về phía đầu, nâng cao chân trái khoảng 30-45 độ so với mặt giường, giữ lại đến lúc nào mỏi thì nghỉ, làm 15-20 lần, người bệnh có thể tập đề kháng bằng tạ thẻ, túi cát. Sau đó nằm nghiêng qua bên trái, lặp lại động tác trên với chân bên phải.
Động tác 4 : Người bệnh nằm sấp, đeo tạ thẻ hoặc túi cát vào hai chân, co duỗi từng chân luân phiên, làm mỗi bên 15 – 20 lần.
Động tác 5 : Người bệnh ngồi thòng hai chân xuống giường, chân bên phải gập mặt lưng cổ chân (ngóc cao cổ chân), giơ chân thẳng, giữ lại đến lúc nào mỏi thì đổi qua chân bên trái, mỗi bên lặp lại 15 – 20 lần. Người bệnh có thể tập đề kháng bằng tạ thẻ, túi cát.
Động tác 6 : Tập với bục gỗ hoặc bục inox cao khoảng 20cm. Người bệnh đứng thẳng, chân bên phải bước lên bục, chân bên trái đứng dưới sàn nhà, sau đó cố gắng bước chân bên trái lên bục rồi bước xuống từ từ, lặp lại đến lúc nào mỏi thì đổi chân, mục đích bài tập là tăng sức mạnh cơ cho hai chân, mỗi bên lặp lại 1520 lần.
Làm sáu động tác thì tính một đợt, mỗi ngày người bệnh có thể làm 2-3 đợt tùy theo tình trạng sức khỏe.
Theo artrex.vn