Lịch sử phát triển KCDS từ xa xưa của Trung Quốc đã phát hiện, sau một ngày làm việc lao tâm mệt mỏi, việc áp dụng một số phương pháp hít thở đúng cách sẽ tạo hưng phấn cho cơ thể, hồi phục sức khỏe, tăng cường sinh lực, trí óc minh mẫn. Thông qua hít thở đúng cách kèm những động tác luyện tập bổ trợ điều khí, sự biến năng của dưỡng khí (oxygen) giúp sinh lực phục hồi, thải loại độc tố, cặn bã ra khỏi cơ thể, có tác dụng chữa bệnh khá tốt. Theo nghiên cứu, hơi thở của cơ thể khỏe mạnh (hơi thở tự nhiên) phải hội đủ bốn đặc tính “yên lặng, thanh thản, nhẹ nhàng, và điều hòa”.
Trong mọi phương thức dưỡng sinh, Đông Tây Y thường lấy việc chăm sóc hơi thở, điều hòa khí huyết làm chủ đạo. Yếu quyết KCDS luôn chú trọng đến điều hòa hơi thở, dùng ý vận khí, cùng với việc kiên trì, cơ thể người có thể trạng yếu, mang bệnh tật sẽ dần phục hồi, khỏe mạnh trở lại, tiêu trừ bệnh tật. Thông thường, nhịp độ thở trung bình của người khỏe mạnh khoảng 18 lần/phút. Các phương thức KCDS đều nhằm giảm nhịp độ hô hấp bằng cách thở nhẹ, đưa hơi thở sâu xuống đan điền, tạo sự thư thái, hồi phục sức khỏe rõ rệt.
Quan niệm Y học phương Đông cho rằng, cơ thể khi về già sẽ dần tiến tới quá trình lão hóa, chậm quy trình trao đổi chất, ứ trệ khí tại các kinh mạch gây bệnh tật. Việc tái tạo sức khỏe làm chậm quá trình lão hóa, quân bình âm dương, khai thông Nhâm đốc nhị mạch cho khí huyết luân chuyển khắp châu thân bằng cách kết hợp những liệu pháp dược phẩm (cây thuốc), châm cứu pháp, án ma pháp (kim châm huyệt đạo hoặc thuật xoa bóp, bấm kinh mạch, huyệt đạo), khí công (điều hòa hô hấp) và thể dục dưỡng sinh đả thông kinh mạch đã được áp dụng có hiệu quả vào đời sống từ hàng trăm năm qua. Dựa trên triết lý âm dương, ngũ hành, phép dưỡng sinh đưa con người sống hòa hợp với quy luật thiên nhiên, khai thác tối đa lợi thế của “Thiên khí” và “Địa khí”, tạo quân bình âm dương tính cho “Nhân khí” của con người. Sức đề kháng cơ thể từ đó mà được kiện toàn, làm chậm sự thoái hóa của các tế bào, tiêu trừ mọi mầm mống bệnh tật.
Phương thức tập KCDS và những điều cần tránh
Khí công gồm 2 phần là tĩnh luyện và động luyện (nhu khí công quyền). Phép tập khí công gồm có ba cách thở căn bản gồm thở sâu (hay còn gọi là thở đan điền), thở ngực (thở trung bình) và thở cao. Các tư thế áp dụng khi luyện có thể là đứng, ngồi hoặc nằm tùy điều kiện. Thông thường người tập hay sử dụng trung bình tấn, chân trước-chân sau (để đứng) hoặc Liên hoa bộ ngồi theo thế bán già, kiết già.
Kết hợp nơi tập thoáng mát, trong lành như công viên, rừng cây, bờ suối, bãi biển… tư thế đứng có tác dụng tốt nhất vì giúp hệ tuần hoàn dễ lưu thông khí huyết, nguồn “khí” vận chuyển đến các bộ phận cơ thể nhanh hơn. Thực tế cho thấy, trong phép trị bệnh, việc áp dụng khí công đều đặn, cùng với thói quen ẩm thực kết hợp sinh hoạt điều độ, kiêng cử đúng mức, người tập đã khỏi được những bệnh phổ biến của tuổi già mà không cần dùng thuốc bổ trợ như áp huyết cao-thấp, bệnh tim, bệnh về đường máu, bệnh suyễn, bệnh táo bón, bệnh tiêu hóa, bệnh nhức đầu, bệnh nhức mỏi khớp xương và bắp thịt…
Ngoài ra, việc tập luyện khí công còn giúp ích cho học viên gia tăng sức mạnh tinh thần như tập trung tư tưởng, tính tự chủ, tự kiểm soát nội tâm, tâm hồn thanh tịnh.
Thực tế cho thấy, do nôn nóng luyện tập, nhiều người tập sai phương pháp, điều “khí” sai quy trình sẽ dẫn đến tình trạng thái quá, dễ gây căng thẳng cho hệ thần kinh, hệ tim mạch bị loạn nhịp, sinh lý xáo trộn. Người xưa gọi đó là “tẩu hỏa nhập ma”, tức kinh mạch vận chuyển nghịch, ứ trệ khí huyết gây hôn mê, lạnh tay, mờ mắt. Bởi vậy, muốn đạt được thành quả trong lúc tập luyện khí công, học viên nên tuân hành nghiêm chỉnh theo một thời dụng biểu tập luyện đều đặn với những bài tập thích nghi, từng bước một, tuần tự tiến hành.