Bệnh trĩ là một bệnh rất hay gặp trên lâm sàng. Người xưa có câu “Thập nhân cửu trĩ” (cứ 10 người thì có tới 9 người bị trĩ) nhằm nhấn mạnh tính phổ biến của bệnh. Các búi trĩ hình thành do các búi tĩnh mạch vùng hậu môn trực tràng xung huyết giãn to, sa xuống kéo theo da, niêm mạc tạo thành.
Bệnh trĩ là một bệnh rất hay gặp trên lâm sàng. Người xưa có câu “Thập nhân cửu trĩ” (cứ 10 người thì có tới 9 người bị trĩ) nhằm nhấn mạnh tính phổ biến của bệnh. Các búi trĩ hình thành do các búi tĩnh mạch vùng hậu môn trực tràng xung huyết giãn to, sa xuống kéo theo da, niêm mạc tạo thành. Vị trí xuất phát của búi trĩ từ trực tràng là trĩ nội, xuất phát từ hậu môn là trĩ ngoại. Chúng có thể gây nên nhiều biến chứng nặng nề khi bị viêm nhiễm, chảy máu, gây đau đớn cho người bệnh nhất là khi đi đại tiện. Những nguyên nhân thường gặp gây trĩ như táo bón kéo dài, thói quen nhịn đại tiện, đứng lâu ngồi nhiều ít vận động, ăn quá nhiều chất cay nóng (ớt, hạt tiêu), nghiện rượu, xơ gan…
Y học cổ truyền (YHCT) cho rằng đa phần trĩ là do khí hư nhược dẫn tới trệ uất ở hạ tiêu, không thăng lên được, hạ hãm mà thành. Khí hư làm giảm động lực vận hành của huyết, huyết không được lưu thông ứ lại gây tình trạng xung huyết.
Dựa vào mức độ của búi trĩ phân ra trĩ độ 1-4. Trĩ ở giai đoạn đầu (độ 1, 2 búi trĩ chưa sa ra ngoài hoặc chỉ sa ra ngoài khi đại tiện) có thể điều trị bằng thuốc uống, tập luyện. Khi trĩ đã to (độ 3,4 búi trĩ sa ra ngoài tự nhiên) nên dùng các biện pháp điều trị triệt để như cắt trĩ, thắt trĩ, tiêm hoại tử…
Trong các phương pháp tập luyện của YHCT các bài tập thường được áp dụng cho những trường hợp trĩ ở giai đoạn đầu, có tác dụng tăng cường trương lực cơ vùng hạ vị, tăng sự lưu thông máu, co nhỏ búi trĩ. Những trường hợp trĩ đã quá to sau khi cắt, thắt trĩ cũng có thể tiến hành tập để phòng ngừa tái phát.
Bài tập 1: Có thể tập mọi lúc mọi nơi, khi nằm, ngồi hoặc đứng. Thả lỏng cơ bắp toàn thân, tập trung tinh thần về vùng bụng dưới. Hít vào từ từ, khép và ép chặt hai bên mông, đùi lại với nhau, lưỡi cong đưa lên áp vào hàm trên. Cùng lúc co thắt và thót vùng hậu môn lại như khi nhịn đại tiện. Nín thở và giữ nguyên tư thế này trong vài giây rồi từ từ thở ra, thả lỏng cơ vùng hậu môn về bình thường, lưỡi đưa xuống. Làm khoảng 20 đến 30 lần, mỗi ngày tập 2-3 lần.
Bài tập 2: Tập khi đi bộ. Thẳng người, hàm khép hờ, hai tay buông thõng tự nhiên, bàn tay nắm hờ, tập trung ý nghĩ vào vùng đan điền (vùng bụng dưới gần xương mu, là vùng tập trung khí của cơ thể). Các ngón chân cong gập bám chặt mặt đất. Vừa thót hậu môn vừa đi bộ từng bước nhẹ nhàng, thở đều. Ði bộ trong tư thế như vậy khoảng 3-5 phút. Sau đó giãn hậu môn về như cũ, thả lỏng các ngón chân, đi bộ đều khoảng 1-2 phút lại tiếp tục vừa đi bộ vừa thót hậu môn như trên. Mỗi lần tập khoảng 30 phút, ngày 1-2 lần. Bài tập này còn tốt cho những người bị các chứng tiểu tiện không tự chủ, dò hậu môn, sa trực tràng.
Bài tập 3: Ðứng thẳng, hai chân dạng rộng bằng vai, các ngón chân bám chặt mặt đất, hai tay buông xuôi, bàn tay nắm hờ. Từ từ uốn cong gối như xuống tấn, lưng thẳng. Miệng khép, đưa lưỡi xát vòng quanh vòm miệng trên – dưới. Khi nước bọt tiết đầy miệng, hít sâu nhẹ nhàng, lưỡi đặt lên hàm trên, nuốt từ từ, đồng thời thót hậu môn lại, nín thở giữ tư thế đó vài giây. Thở ra, thư giãn để chuẩn bị lần tiếp theo. Làm như vậy khoảng 20 lần, kết thúc bài tập nên đi bách bộ trong 30 phút. Mỗi ngày tập hai lần. Bài tập này còn có tác dụng tăng cường, kích thích tiêu hóa, làm cho ăn uống ngon miệng hơn.
Bài tập 4: Nằm ngửa trên giường, hai chân duỗi thẳng, khép vào nhau, hai tay xuôi dọc theo thân mình. Mắt nhắm hờ tập trung ý nghĩ về vùng đan điền. Hít vào từ từ đồng thời thót hậu môn, xiết chặt hai bàn tay, cắn chặt hai hàm răng, cong gập hết cỡ các ngón chân lên phía đầu. Giữ tư thế này khoảng 3-5 giây, thở ra từ từ thả lỏng toàn bộ cơ bắp. Làm khoảng 5 đến 10 phút. Mỗi ngày tập 2-3 lần.
Về nguyên lý các bài tập trên gần giống nhau, có thể tùy theo điều kiện thời gian và môi trường sinh hoạt của mình mà chọn bài tập thích hợp. Cũng có thể xen kẽ những tư thế tập khác nhau để nâng cao hiệu quả. Cần tiến hành bài tập thường xuyên kiên trì mới có hiệu quả.
Lưu ý: Không nên tập khi trĩ đang bị chảy máu, nhiễm trùng búi trĩ, nhiễm trùng vùng hậu môn trực tràng hoặc đang trong giai đoạn đầu sau cắt, thắt trĩ.
Theo theduchanhphuc.com