Các bệnh đường hô hấp cũng như nhiều bệnh khác thường dễ phát sinh hoặc nặng lên trong mùa thu đông – là lúc thời tiết giao mùa, khi mà vũ trụ vận hành từ dương sang âm, từ nóng sang lạnh cho nên sự thích nghi giữa con người và tự nhiên không hợp nhất, làm trạng thái sinh học biến động mà khởi phát hoặc nặng thêm bệnh tật.
Mùa thu đông âm khí sinh trưởng nên dương khí thu lại và vạn vật thâu tàng. Cây cối vàng úa, động vật thu mình và con người cũng tàng ảnh cùng vạn vật trở về gốc, về bản thể của mình.
Do đó mùa thu tinh thần trầm lắng ảm đạm, chúng ta phải mở cửa thông thoáng nhà, ánh sáng phải đầy đủ. Năng tập thể thao, đặc biệt là các môn dưỡng sinh. Phải di dưỡng về tinh thần, ít ham muốn.
Nguyên tắc thực dưỡng là phải dùng các đồ âm để dưỡng phế, bổ thận.
Về mặc, nên đủ ấm về mùa đông nhưng vừa đủ cho mùa thu, vì mùa thu mát mẻ không nên mặc quần áo dày để làn da thông thoáng và để tăng khả năng chịu lạnh vào mùa đông.
Nên tăng cường xoa bóp các giác quan và làn da. Đặc biệt là xoa bóp về tinh khí thần như: vỗ, gõ, giác xoa vùng đầu và các giác quan (nhãn, nhĩ, tỵ, khẩu, thân, ý). Xoa bóp vùng đan điền (khoang bụng dưới). Xoa bóp vùng mệnh môn và hai thận.
Nên ngủ sớm dậy sớm để thích nghi với thu tàng của tinh – khí – thần.
Sinh hoạt tình dục cũng phải giảm bớt để giữ cho nguyên tinh; tránh tinh suy, khí đoản và thần hao. Theo nguyên tắc chu chuyển sinh lực trong bốn mùa với con người trong lứa tuổi tình dục là “xuân nhị, hạ tam, thu nhất và đông vô”. Nghĩa là mùa xuân dương khí non chỉ xuất dương khí 2 lần trong tháng. Mùa hè dương khí mở được phép xuất tinh 3 lần trong tháng. Mùa thu dương khí tàng, chỉ được xuất tinh 1 lần trong tháng và mùa đông sinh lực ẩn vào trong nên không được xuất dương (nghĩa là có giao hòa giữa vợ chồng nhưng không được xuất tinh).
Điều này rất quan trọng trong việc điều dưỡng tinh khí thần trong mùa thu đông này.
Tinh – khí – thần đều là năng lượng, khi tinh mạnh thì khí vượng và thần sáng. Tinh hóa khí để hợp nhất với nguyên thần và nguyên thần sáng thì khí tụ, tinh sinh.
Nói chung các phương pháp luyện tập khí công căn bản đều có tác dụng tích cực đến toàn bộ cơ thể nói chung và đối với hệ thống hô hấp, cũng như các bệnh của hệ thống hô hấp nói riêng.
Dù là luyện động công hay tĩnh công cũng là rèn luyện sức thở để có hơi thở tốt nhất. Khi đạt hơi thở tốt nhất sẽ làm cho khí huyết lưu thông, kinh lạc thông suốt, âm dương quân bình, thủy hỏa tương tế, làm cho nhịp điệu sinh học cơ thể thích nghi cao nhất với trời đất.
Thông qua hơi thở sẽ điều hòa được thân. Luyện cho hơi thở liên tục, đều đặn, êm nhẹ và thanh mượt sẽ đưa đến cơ thể buông thư, tinh thần yên tĩnh và trạng thái sinh học cơ thể được lặp lại. Sẽ có tác dụng phòng bệnh, phục hồi chức năng, tăng cường sức khỏe và tuổi thọ.
Mà luyện hơi thở lại do phế đảm nhiệm trực tiếp, để điều hòa toàn thân. Vì thế luyện khí công sẽ có tác dụng trực tiếp đến hệ thống hô hấp, do đó các bệnh thuộc hệ thống hô hấp sẽ có tác dụng hiệu quả nhất.
Các phương pháp luyện tập khí công để tăng cường chức năng, cũng như chữa bệnh đường hô hấp thì có nhiều các công pháp nổi tiếng như: bát đoạn cẩm, ngũ cầm hí, trường sinh âm dương khí công, dịch cân tẩy tủy kinh, kim cương khí công, tiên thiên khí công, khí công tâm pháp và thiền định. Nhưng các công pháp khí công đều thuộc các bí kíp luyện công chân truyền phải có thầy trực tiếp truyền pháp để tránh sai lầm, gây phản tác dụng.
Để giúp độc giả có thể có phương pháp thật đơn giản, nhưng căn bản và hiệu quả. Dưới đây tôi xin giới thiệu một số bài tập có thể tự tập cho mình.
Trước tiên cần điểm qua lại giải phẫu chức năng của phổi có liên quan đến luyện khí công.
Phổi được bắt nguồn từ phế quản gốc, chia làm hai nhánh phải và trái, từ đó phân thành nhiều nhánh tiểu phế quản lan dần đến mạng phế nang như tổ ong (là các nang nhỏ chứa khí).
Phổi mở khướu ra mũi và thông tỏa ngoại vi qua da. Dung lượng khí trong phổi trung bình 2,5 đến 3,5 lít. Lượng khí thông lưu qua phổi là 300 – 400ml/giây và khoảng 9.000 lít khí/24 giờ. Mỗi người hít thở từ 16 -18 nhịp/phút, cho đến 18 – 24 nhịp/phút. Phổi có nhiều chức năng; nhưng chức năng chính là thông khí, hành huyết, kết nối tâm thận để điều hòa thủy hỏa âm dương kết nối ngũ hành. Ngoài ra, phổi còn giúp lưu thông thủy dịch và thải độc.
Khí công trị liệu các bệnh hô hấp nói chung như sau: Về động công
Bài 1: Nâng trời, đẩy núi kết hợp với hít thở.
Cụ thể: – Tư thế chuẩn bị: Hai tay bắt chéo trước ngực tại cổ tay, lòng bàn tay hướng vào trong (hình 1).
- Tiếp theo khi hít vào đồng thời hai tay mở ra và nâng lên như đẩy trời lên (lòng bàn tay hướng lên trên) (hình 2). Sau đó dừng thì thả lỏng vùng ngực, đồng thời hai bàn tay thu về đỉnh đầu và hạ dần tới đản trung (đại huyệt nằm trung tâm cột sống giữa hai núm vú).
- Tiếp tục hít tiếp, đồng thời đẩy sang hai bên như đẩy hai trái núi ra xa. Sau đó hai tay cùng toàn thân thả lỏng (hình 3).
- Khi thở ra: người từ từ gập xuống, mặt đối đất (lưu ý không chúc đầu xuống khí âm dốc lên não gây hư não) (hình 4).
- Đứng dậy thì dừng thở, hai tay hoành (nâng) lên bắt chéo trước ngực như thế chuẩn bị ban đầu.
Tập 10 lần.
Tác dụng:
- Tăng dung lượng khí ở phổi lên từ 1 đến 1,5 lít/ 1 nhịp thở.
- Khí vào phổi mạnh và lan tỏa sâu xuống phế nang, vì vậy giúp phổi được thanh lọc, thải hết trọc khí trong phế nang, làm chậm tần số thở, làm tăng cung lượng tim, giảm nhịp tim và tuần hoàn máu tốt hơn.
- Do đó tăng cường công năng cho phổi, làm mạnh đề kháng, lưu thông khí huyết, dịch thể, giúp đẩy lùi bệnh tật, tăng cường sức khỏe.
Bài 2: Kéo cung kết hợp hít thở giúp lưu thông và điều hòa khí phổi.
Cụ thể: – Hai tay bắt chéo trước ngực (như bài 1).
- Hít vào, kết hợp xoay eo về phía sau bên trái, đồng thời hai tay kéo giãn như bắn cung, chếch lên 45 độ (tay trái trên, tay phải dưới) (hình 5).
- Thở ra hai tay thu về bắt chéo như lúc ban đầu, đồng thời xoay eo trở về.
Đổi bên. Tập 10 lần.
Tác dụng: – Tăng cường lưu thông khí trong phế quản và phổi. Có tác dụng chống viêm, chống ứ trệ và phù nề trong phổi, làm cho phổi mạnh lên, đẩy lùi bệnh tật.
- Tác dụng giãn nở, làm mạnh cột sống, mở đới mạch, lưu thông tâm thận, làm quân bình âm dương giúp quân bình sinh học cơ thể.
Về tĩnh công
Bài 1: Thở đan điền, phần bụng dưới (cách rốn 4cm). Dùng tinh thần quan sát hơi thở tại đây.
Tác dụng: làm cho thần tĩnh, thận ấm, chính khí được bảo tồn, tinh – khí – thần hội tụ (tam bảo quy nguyên).
Bài 2: Thở ngực
- Khi hít vào tụ khí ở huyệt đản trung (Xem vị trí huyệt phần trên).
- Khi thở ra thả lỏng lồng ngực và niệm âm “hê” trong tâm tưởng.
Tác dụng: khai mở tâm lực để lan tỏa năng lượng vùng tâm, phế, từ đó giúp lưu thông khí huyết, tăng sinh lực cho tạng phủ.
Bài 3: thở trung quản (thuộc tỳ thổ) để tăng cường cho phế quản phổi. Huyệt trung quản ở đường giữa bụng, trên rốn 3cm.
- Khi hít vào tụ khí ở trung quản.
- Thở ra thả lỏng vùng trung quản và niệm âm “hu” trong tâm tưởng, đồng thời quán tưởng (tưởng tượng) năng lượng lan tỏa khắp ổ bụng.
Tác dụng: tăng cường công năng cho tỳ vị thổ (lách và dạ dày) để bồi bổ cho phế.
Bài 4: Tiếp tục quán (tưởng tượng) vùng trung quản có một bông hoa sen màu vàng.
- Khi hít vào quán bông hoa sen cụp.
- Khi thở ra quán bông hoa sen nở ra khắp vùng bụng trên.
Tác dụng: tăng cường cho bài 3.
Lưu ý: Có thể tăng cường thêm bấm day các huyệt: phế du, đản trung, trung quản và thông tuyền, kết hợp xoa mũi, bụng và ngoài da.
- Sống lạc quan yêu đời, tinh thần yên tĩnh và cơ thể buông thư.
- Vì bệnh phổi là phế kim liên quan đến mùa thu; nên phải trị bệnh quanh năm nhưng tăng cường vào mùa thu.
- Bệnh phổi là phải dưỡng âm: nên phải ít nói để giữ nguyên khí, ít nghe để giữ nguyên tinh và ít nghĩ để giữ nguyên thần.
- Nên ăn các thức ăn bổ âm, nhuận táo như mộc nhĩ trắng, mía, lê, ngó sen, rau chân vịt, bưởi, sữa đậu nành, phổi heo, trứng vịt, thịt rùa, táo, lựu, nho, mãng cầu, dương đào, chanh…
Dù là luyện động công hay tĩnh công cũng là rèn luyện sức thở để có hơi thở tốt nhất. Khi đạt hơi thở tốt nhất sẽ làm cho khí huyết lưu thông, kinh lạc thông suốt, âm dương quân bình, thủy hỏa tương tế, làm cho nhịp điệu sinh học cơ thể thích nghi cao nhất với trời đất.
Theo theduchanhphuc.com