Và hiện nay, giới trẻ đất Hà thành cũng đang lao vào học thiền để tăng thêm sức khỏe và sự minh mẫn trong cuộc sống.
“Thiền – một phần cuộc sống của tôi”
Ngày nào cũng vậy, dù bận rộn đến đâu, Phan Minh (ĐH Bách khoa) cũng dành khoảng 30 phút để ngồi thiền. Thời gian “kết nhất” của cậu vào lúc tờ mờ sáng. Không khí trong lành và khoảng không gian yên tĩnh giúp cho tâm hồn Phan Minh thanh thản, chuẩn bị cho ngày mới bắt đầu.
Minh cho biết: “Tôi đi học cả ngày và buổi tối chạy đi làm thêm nên nhiều lúc cảm thấy hết sức căng thẳng, mỏi mệt. Từ khi học thiền đến giờ, tôi không còn cảm giác đó nữa. Stress chả là gì đối với tôi”.
Một ngày tình cờ, Phan Minh đến với lớp học thiền qua lời giới thiệu của một người bạn.“Ban đầu do tính thích bay nhảy nên khi ngồi một chỗ Minh cảm thấy tê chân, mỏi lưng rất khó chịu”. Nhưng được sự dìu dắt của thầy và sự động viên của các bạn trong lớp, “con ngựa bất kham” trong con người Phan Minh dần dần được khuất phục. Bây giờ, Minh có thể ngồi vài tiếng đồng hồ mà không hề nhúch nhích, kể cả… muỗi cắn.
Nhìn các bạn khác chơi thể thao, chạy tung tăng trên sân làm cho Lê Huyền (huyện Yên Thành – Nghệ An) không khỏi thầm ao ước. Từ khi lọt lòng mẹ, cô không được may mắn như các bạn cùng trang lứa. Bệnh tim, kèm theo chứng đau đầu kinh niên làm ảnh hưởng không nhỏ đến học tập và làm cha mẹ cô vất vả lo thuốc thang chạy chữa nhưng kết quả vẫn không như mong đợi.
Đến khi trở thành SV khoa Văn (ĐHSPHN), thế giới thơ thiền mở rộng ra trước mắt cô sinh viên tỉnh lẻ. Từ sự gợi ý của thầy giáo, cô lao vào nghiên cứu thơ thiền không mệt mỏi. “Một hôm, khi đang ngồi trong thư viện đọc thơ thiền của Không Lộ Thiền Sư, tôi nghĩ sao mình không học thiền nhỉ ? Thế là tôi đi học…”- Lê Huyền tâm sự.
Qua hơn một năm tập luyện không ngừng, bệnh tim và bệnh đau đầu của Huyền đỡ hẳn, sức khỏe cô tốt hơn nhiều, không còn bị ốm vặt như trước nữa. Hè về, thấy Huyền ra đồng gánh lúa giúp mẹ, các bạn cô không khỏi ngỡ ngàng. Huyền đã làm được điều mà trước đây, dưới con mắt của các bạn cô chỉ là kẻ ốm yếu, chẳng làm được việc gì”.
Một phong trào học sôi nổi
Trong dịp hè 2005 này, vào các phòng của KTX Mễ Trì (ĐHQGHN) chắc hẳn các bạn sẽ ngạc nhiên khi bắt gặp những sinh viên ngồi thiền định, mặc cho tiếng nói cười và tiếng kêu của máy điện tử phòng bên vang lên. Họ ngồi im như tượng gỗ mà không hề nhúc nhích, mọi việc xung quanh họ coi như… không có gì. Phòng 214 trong khu KTX Mễ Trì là một trong những phòng như thế.
7h 30 phút, trong căn phòng nhỏ tại nhà bác Tiệp (Thanh Xuân –HN), mọi người đã có mặt đông đủ: già, trẻ, gái, trai… nhưng phần đa là các bạn trẻ. Họ đến đây để tham gia học một lớp Thiền sơ cấp, ngắn hạn trong thời gian một tuần.
Bác Tiệp là một người theo phái Trường sinh học dưỡng sinh cho biết: “Thiền định giúp cho con người khai mở các luân xa (huyệt đạo), phát triển những khả năng tiềm ẩn của cá nhân, rèn luyện sức khoẻ và chữa bệnh cho người khác”.
Điều đặc biệt là những người theo học môn này đều được ông giúp khai mở các luân xa và truyền năng lượng Trường sinh học nên việc tập luyện của học viên nhanh đạt kết quả hơn so với những người tập luyện bình thường khác.
Ngoài ra, các môn võ thuật cổ truyền như Thiếu Lâm, Vịnh Xuân quyền, Lâm Sơn động, Bình Định Gia… rất chú trọng khai thác tiềm năng, sức mạnh ý chí từ thiền.
Ngô Đức Quân (K47 Vật lí- ĐH KHTN – ĐHQGHN), một võ sinh của môn phái Bình Định Gia cho biết: “Thiền giúp cho tôi rèn luyện về thể chất và tinh thần trở nên khỏe mạnh”. Tuy nhiên, học thiền không phải là chuyện một sáng một chiều là làm được mà đòi hỏi phải có tính kiên nhẫn. Đó cũng chính là tiêu chí bắt buộc cho những người học thiền.