Chị Nguyễn Thị Chi, 47 tuổi, Phú Xuyên, Hà Nội là một người vừa mắc bệnh tim và vừa mắc bệnh thấp khớp. Theo nhiều người mách, chị tập thể dục rất đều đặn để giảm bệnh. Hầu như ngày nào chị cũng tập thể dục vào sáng lẫn chiều.
Theo như lối suy diễn đơn giản là thể dục tốt cho nên càng tập nhiều càng có lợi, chị ra sức tập. Chị rất thích tập kiểu xoắn vặn người và nằm nâng cao hai chân. Nhưng rồi chị phải nhập viện vì quá mệt. Vốn là người bị bệnh hẹp van hai lá, suy tim trái độ I, việc tập thể dục quá sức đã làm chị bị suy tim độ II. Cực hơn, chị còn bị rối loạn nhịp tim, một biến chứng mà trước đây chị chưa từng có.
Theo chẩn đoán ban đầu của các bác sỹ tại Bệnh viện 103, Quận Hà Đông, Hà Nội chị bị suy tim nặng thêm do biến chứng thể dục gây ra. Nguyên nhân của hiện tượng bệnh tim nặng thêm do thể dục đó là sự tác động quá nặng đã làm cho tim bị thiếu máu, rối loạn nhịp tim và rối loạn phản ứng điều mạch.
Trong quá trình khám chữa bệnh, chúng tôi đã gặp nhiều trường hợp như chị Chi. Trái ngược, chúng tôi cũng gặp nhiều bệnh nhân tim mạch rất sợ tập thể dục vì luôn sợ “vận động sẽ làm bệnh nặng thêm” khiến cho bệnh của họ lâu phục hồi.
Thực chất thể dục làm tăng khả năng sức bóp cơ tim làm giảm các hormone có hại cho tim mạch. Thể dục làm giảm huyết áp đồng thời làm tăng khả năng của hệ hô hấp. Như thế, hoạt động của cơ thể sẽ chóng được phục hồi hơn. Nghe thông tin này nhiều người vội cho rằng cứ thể dục là tốt nên họ tập bất cứ bài tập nào họ thích. Nhưng thực ra bài thể dục cho bệnh nhân tim phải rất nhẹ nhàng, đôi khi chỉ là tập đi, tập đứng.
5 điều nên từ bỏ
1. Tập ở nơi vắng: Sẽ là rất nguy hiểm nếu như bạn vừa ra viện mà tập thể dục ngoài đường, tập thể dục ở nơi vắng người. Việc tập thể dục cho người bệnh tim là một biện pháp điều trị để hệ tim mạch sớm trở về bình thường. Nhưng nhất thiết cần phải có người theo dõi sát vì họ có thể gặp sự cố bất cứ lúc nào.
2. Tập bài thể dục như lúc còn khỏe: Tập thể dục cho bệnh nhân tim là nhằm để hồi phục chứ không phải để trở thành cơ bắp thêm. Bởi thế, sẽ rất nguy hiểm khi bạn áp dụng chế độ thể dục như khi bạn chưa bị bệnh.
3. Nhẹ nhàng nhưng xoắn vặn: Có rất nhiều người cho rằng các động tác yoga đều nhẹ nhàng nên bệnh nhân tim có thể áp dụng. Tuy nhiên, bạn chỉ nên áp dụng các động tác không có tính xoắn vặn. Kiểu xoắn vặn trong yoga cũng có thể làm ngẹt đường lưu thông mạch máu chính.
4. Môi trường quá nóng, lạnh, ẩm: Những môi trường này gây ra những tác động tiêu cực tới hệ tim mạch, làm hệ tim mạch hoạt động trở nên quá sức cộng với tình trạng rối loạn.
5. Tập nhẹ nhưng lâu: Tim của người bị bệnh tim mạch có sức chịu đựng rất kém. Thể dục giúp tim dần quen với cuộc sống chứ không phải rèn luyện cho tim chịu đựng thêm. Việc tập kéo dài, dù là bài nhẹ nhàng cũng khiến ngừng tim hoặc nhồi máu cơ tim có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
5 điều nên áp dụng
1. Tâp từ nhẹ đến vừa sức: Điều quan trọng nhất của người bệnh tim là không để cho tim mạch quá sức chịu đựng hiện tại. Vậy nên thể dục cần phải tập từ nhẹ đến vừa sức. Ban đầu chỉ là tập ngồi dậy, sau đó tập men giường, tiếp đến tập đi có người đỡ, rồi sau đó tập đi. Bạn chỉ nên tự tập đi hoàn toàn khi không còn dấu hiệu đau ngực hay khó thở nào xảy ra. Sau đó bạn mới chuyển sang đi bộ chậm và đi bộ thong dong. Cần ngồi nghỉ ngay khi thấy mệt hoặc khó thở, đau ngực.
2. Chia nhỏ thời gian tập: Ban đầu khi mới điều trị bệnh chỉ là tập vài chục giây. Sau đó thì kéo dài lên 1-2 phút. Rồi dần dần là 5 phút, 10-15 phút. Nên chia nhỏ buổi tập thành nhiều lần trong ngày, tránh tình trạng tập liền tù tì trong vòng 1h đồng hồ.
3. Tập trong nhà để đảm bảo nhiệt độ, độ ẩm: Nhiệt độ chỉ nên duy trì từ 26-280C. Độ ẩm chỉ nên trong khoảng 60-70%. Vì vậy phòng tập trong nhà luôn đáp ứng được điều này. Nên thông gió và bật quạt nếu bạn cảm thấy ra nhiều mồ hôi. Bạn nên tránh tập ngoài trời, ngoài công viên một mình, nhất là khi thời tiết thay đổi thất thường.
4. Chọn bài tập phù hợp: Tránh tập tạ, tập yoga tư thế chèn ép mạch, tập thể dục dụng cụ với vòng dây trên cao, đu xà. Tránh chọn các bài tập cản trở hô hấp và tuần hoàn như bơi, xông hơi nước nóng, yoga nóng. Không chọn các bài tập leo cầu thang cao và kéo dài. Không chọn các bài tập có cường độ vận động cao và thể lực lớn như đá bóng, đánh bóng chuyền, đánh bóng bàn, đua xe đạp, bơi thuyền. Chỉ nên tập đi bộ quanh nhà, vận động tay chân nhẹ nhàng, bước lên bước xuống bậc thềm thấp, chơi cầu lông nhẹ nhàng.
5. Nhớ bù nước khi tập: Trước khi tập nên uống một cốc nước. Sau khi dừng tập 15 – 30 phút thì uống thêm cốc tiếp theo.
BS Cao Hồng Phúc
Học viện Quân y