Thiền là nét văn hoá đặc sắc của phương Đông. Từ đầu thế kỷ 20, sau khi du nhập vào phương Tây, thiền đã nhanh chóng được tiếp nhận như một phương pháp chữa lành những căn bệnh tâm lý của xã hội hiện đại.
Nhiều nghiên cứu khác nhau của các giáo sư Mỹ, Nhật, Pháp… cho thấy thiền giúp cải thiện các chức năng sinh lý của cơ thể, giúp phát triển trí não, tăng cường khả năng tập trung tư tưởng và cải thiện lão hoá; trị các chứng bệnh do căng thẳng tâm lý gây ra, giúp cải thiện những thói quen xấu. Đối với những người bình thường, thiền giúp tinh thần thoải mái, lạc quan, nâng cao chỉ số thông minh, cảm xúc…
Nên bắt đầu thiền vào sáng sớm, trước khi tập thể dục và ăn sáng. Nếu thiền trước khi ngủ sẽ bất lợi vì người tập dễ bị cơn buồn ngủ lôi kéo hoặc có thể trong đầu còn nhiều tạp niệm chưa giải quyết được sau một ngày làm việc.
Để ngồi thiền hiệu quả, sự chuẩn bị và luyện tập đòi hỏi cũng phải rất công phu. Khi thiền, nên mặc quần áo bằng vải mềm, rộng rãi. Chuẩn bị một tấm nệm vuông dày khoảng 5cm, ở giữa đặt lên một cái gối ngồi nhỏ. Nửa mông sau đặt trên gối và ngồi ngay thẳng.
Có nhiều cách ngồi, nhưng với người mới bắt đầu có thể ngồi kiểu Miến Điện hay ngồi bán kiết già. Khi đã quen nên chọn thế toàn kiết già. Những người thường mặc âu phục có thể thiền trên ghế hay ngồi theo kiểu Nhật Bản.
Ngồi kiểu Miến Điện: cả hai chân xếp chéo nhau đặt trên nệm.
Ngồi bán kiết già: đặt chân trái lên đùi phải hoặc ngược lại.
Ngồi toàn kiết già: hai chân khoá vào nhau. Đặt bàn chân phải lên đùi trái rồi đem bàn chân trái đặt lên đùi phải. Kéo sát chân vào trong thân để ngồi được lâu. Bàn tay trái để lên bàn tay phải, hoặc ngược lại. Hai bàn tay để lên hai lòng bàn chân, những ngón tay chồng lên nhau, hai đầu ngón tay cái chạm vào nhau nằm ngay chiều rốn, cùi chỏ vừa ôm hông là được. Đây là tư thế thiền đúng cách và hữu hiệu nhất.
Ngồi kiểu Nhật Bản: ngồi trên một ghế nhỏ, hai chân để dưới chân ghế.
Ngồi trên ghế: sử dụng ghế chân cao, ngồi lên, hai bàn chân đặt trên mặt đất.
Với bất cứ kiểu ngồi thiền nào, xương sống cũng phải ở vị thế thẳng đứng, không nghiêng trái, ngả phải; không cúi tới, ngả lui. Lỗ tai thẳng với vai, lỗ mũi ngay nơi rốn. Lưỡi chạm hàm trên, miệng ngậm, mắt nhắm hờ. Hít sâu bằng mũi đầy bụng rồi thở ra bằng miệng nhẹ nhàng.
Điều quan trọng của thiền là “tâm toạ”, tức là tâm không được đi “dong duổi ta bà”. Muốn vậy, phải giảm thiểu từ từ những ý nghĩ miên man trong đầu. Tập trung tư tưởng vào một điểm hoặc một đề mục duy nhất để dần dần đạt đến tình trạng trống rỗng, không còn vướng mắc vào bất cứ ý niệm nào.
Nên tập thiền đều đặn hàng ngày, mỗi ngày một hoặc hai lần. Lúc đầu, ngồi khoảng 15 phút, dần dần tăng lên. Thỉnh thoảng sẽ có những lúc tâm phân tán. Điều này bình thường, chỉ cần khi nhớ ra hãy tập trung trở lại.
Xả thiền
Sau khi ngồi thiền, trước khi đứng dậy cần làm một số động tác để cơ thể hết tê mỏi và khí huyết lưu thông.
Từ từ buông thõng hai chân. Dùng hai tay vuốt nhẹ hai bên sóng mũi từ đầu mũi xuống chót cằm, vuốt ấm vành tai. Xoa hai lòng bàn tay vào nhau cho ấm rồi áp vào mắt. Dùng hai bàn tay xoa bóp dọc theo hai chân, từ đùi dài xuống bàn chân. Xoa ấm hai lòng bàn chân.
Việc xả thiền tuỳ mỗi buổi thiền. Nếu chỉ thiền khoảng 15 phút hoặc khi có công việc cần đứng lên gấp thì chỉ cần co duỗi hai chân và xoay người, hoặc lắc cổ qua lại nhiều lần là đủ.
Theo theduchanhphuc.com