Một trong những bệnh thường gặp ở nhân viên văn phòng là bệnh thoái hóa đốt sống cổ, nguyên nhân là bạn thường xuyên phải ngồi một chỗ, ít vận động, lại làm việc nhiều bên máy vi tính…Để hạn chế bệnh ngày một nặng hơn, ngay từ bây giờ bạn hãy tập cho mình một thói quen làm việc và luyện tập một cách hợp lý.
Phòng và điều trị bệnh như thế nào?
Ghế làm việc phải có độ cao thích hợp so với bàn làm việc và máy tính. Không để ghế ngồi quá cao hay quá thấp.
Giữ khoảng cách hợp lý từ tay đến bàn làm việc hay máy tính.
Các chuyên gia khuyên bạn nên sử dụng máy tính có màn hình lớn, tối thiểu là từ 17 inch trở lên. Điều này không chỉ đem lại những hữu ích cho đôi mắt của bạn mà còn giúp các cơ cổ không bị căng, mỏi.
Khi ngủ hãy thường xuyên chuyển mình, tránh nằm chỉ một hoặc 2 tư thế sẽ rất dễ bị vẹo cổ.
Không nằm sấp, bơi tư thế này sẽ khiến cho cổ bị gập xuống rất dễ gây nên chứng thoái hóa đốt sống cổ.
Ngồi cách màn hình vi tính 50-66 cm và đặt màn hình dưới tầm mắt khoảng 10-20 độ.
Không để tầm màn hình quá cao hoặc quá thấp hơn so với tầm mắt.
Sắp xếp hợp lý nguồn ánh sáng, chọn những đồ nội thất không bị phản chiếu ánh sáng, giảm ánh sáng và sự chiếu sáng của màn hình máy tính.
Chú ý đặt màn hình máy sao cho cùng bên với cửa sổ, sử dụng mành để che bớt ánh sáng, điều này cũng rất có lợi cho mắt.
Hãy để màn hình thẳng ngay trước mặt chứ đừng để lệch về một bên.
Bạn nên chỉnh ghế sao cho 2 cẳng tay của bạn song song với nền nhà.
Bạn cũng nên nhớ luôn giữ thẳng lưng và 2 vai giữ ngang bằng.
Nếu bạn sử dụng đồ kẹp hồ sơ dùng khi đánh máy thì kẹp này nên để càng sát màn hình càng tốt.
Mát xa cổ cũng là một trong những cách giảm đau mỏi cho cổ rất hữu hiệu.
Stress không chỉ gây nên cho bạn cảm giác rất căng thẳng, mệt mỏi về tâm lý mà còn khiến cho cảm giác đau đớn do chứng thoái hóa đốt sống cổ tăng lên. Chính vì thế, bạn nên bằng mọi cách khống chế và kiểm soát stress.
Phương pháp Masage giúp giảm đau:
Đầu tiên bạn hãy mát-xa từ phần sau cổ, xoa bằng hai tay hoặc một tay. Lòng bàn tay áp sát vào cổ, di chuyển từ phần tóc ở gáy xuống lưng và phần khớp vai. Sau đó, dùng cạnh của lòng bàn tay và ngón cái bóp mạnh.
Dùng mu lòng bàn tay day nhẹ từ gáy đến cổ. Thực hiên khoảng 1 -2 phút. Dùng tay phải tìm đốt sống cổ thứ 7 (to hơn các đốt sống khác) và day xung quanh đốt sống đó.
Tiếp theo, đan hai tay vào nhau để sau gáy. Ngẩng cằm lên, hít vào từ từ và đếm đến 10. Mắt mở, nhìn trên trần nhà. Khi làm động tác này, tay đóng vai trò là lực cản đầu đang ngẩng lên. Các cơ ở cổ căng hết mức. Thở ra trong 10 giây, cằm từ từ cúi xuống ngực. Dưới sức nặng của tay (lúc này vẫn đan chặt vào nhau để sau cổ), các cơ ở cổ giãn ra. Lặp lại động tác này 3 lần.
Bệnh thoái hóa đốt sống cổ không phải là một bênh dễ chữa cũng không phải không có cách điều trị. Vì vậy tốt nhất ngay từ bây giờ bạn nên tìm hiểu về bệnh này để có cách phòng bệnh hiệu quả.
Theo artrex.vn