Trong cuộc nghiên cứu thứ nhất, các nhà khoa học đã theo dõi gần 6.000 người bị bệnh đái tháo đường, phát hiện rằng những người thường xuyên thực hiện các hoạt động thể chất với mức độ vừa phải, đã giảm nguy cơ tử vong ở mức thấp nhất.
Việc thực hiện các hoạt động thể chất trong thời gian rảnh rỗi như chạy xe đạp, làm vườn hoặc đi bộ cũng liên quan đến tình trạng giảm nguy cơ tử vong ở người bệnh đái tháo đường, nhà nghiên cứu Diewertje Sluik thuộc Viện dinh dưỡng con người Rotsdam-Tehbrucke (Đức) cho biết.
Trong một cuộc nghiên cứu khác, các nhà khoa học đã theo dõi hơn 32.000 người đàn ông và phát hiện rằng, việc tập tạ cũng có thể giúp họ ngăn ngừa phát triển bệnh đái tháo đường type 2, nhờ vào việc tăng khối lượng cơ bắp và cải thiện độ nhạy cảm của insulin.
Tuy nhiên, việc kết hợp giữa tập tạ với tập thể dục nhịp điệu có thể mang lại lợi ích trong việc ngừa bệnh cao nhất.
“Kết quả các nghiên cứu trước đây cho thấy, việc luyện tập thể dục nhịp điệu có khả năng giúp ngăn ngừa bệnh đái tháo đường type 2”, Anders Grontved, người chủ trì cuộc nghiên cứu về tập tạ, cho biết. “Tuy nhiên, nhiều người khó có thể theo đuổi việc tập thể dục nhịp điệu. Cho nên, cuộc nghiên cứu mới này nhắm vào việc tập tạ, thay cho việc tập thể dục nhịp điệu nhằm ngăn ngừa phát triển bệnh đái tháo đường type 2”, Grontved bổ sung.
Sau khi phân tích các thông tin về thói quen tập tạ và thể dục nhịp điệu hằng tuần của nhóm nam giới tham gia nghiên cứu từ năm 1990 -2008, các nhà khoa học phát hiện rằng: những người thường xuyên tập tạ có thể kéo giảm 34% nguy cơ bị đái tháo đường type 2.
Dù chỉ tập tạ trong khoảng thời gian ngắn cũng có lợi ích. Những người đàn ông chỉ cần tập tạ khoảng 59 phút mỗi tuần giảm được 12% nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường. Trong khi đó, những người tập tạ từ 60 – 149 phút/tuần có thể kéo giảm 25% nguy cơ và trên 150 phút/tuần có thể giảm 34% nguy cơ phát triển bệnh.
“Cuộc nghiên cứu này đã cung cấp bằng chứng rõ ràng rằng việc tập tạ mang lại hiệu quả ngừa bệnh đái tháo đường cao hơn so với tập thể dục nhịp điệu, vì nó có khả năng làm gia tăng khối lượng cơ bắp và cải thiện độ nhạy cảm của insulin” – nhà nghiên cứu thâm niên Frank Hu, giáo sư dinh dưỡng và dịch tễ học tại Trường ĐH Harvard (Mỹ) nói – “Tuy nhiên, để đạt được kết quả cao nhất trong việc ngừa bệnh đái tháo đường, mọi người nên kết hợp giữa tập tạ với luyện tập thể dục nhịp điệu”.
Theo báo cáo của cuộc nghiên cứu, những người đàn ông theo đuổi việc luyện tập thể dục nhịp điệu 59 phút mỗi tuần có thể giảm 7% nguy cơ, và giảm 31% nguy cơ khi tập với thời gian từ 60-149 phút, và với ít nhất 150 phút tập mỗi tuần có thể giảm 52% nguy cơ bị bệnh đái tháo đường.
Việc kết hợp giữa tập tạ với luyện tập thể dục nhịp điệu mang lại lợi ích cao nhất, các nhà nghiên cứu cho biết. Những người đàn ông vừa tập tạ 150 phút, vừa tập thể dục nhịp điệu 150 phút mỗi tuần, giảm 59% nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường type 2.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết cần nghiên cứu thêm để khẳng định những phát hiện này và xác nhận xem nó có thể mang lại lợi ích tương tự cho phụ nữ hay không.
Theo tamvocviet.vn