Khi tham gia môn thể thao này, ngoài việc tuân thủ theo hướng dẫn của giáo viên về kỹ thuật tay chân, nên lưu ý một số vấn đề về dinh dưỡng như sau:
- Uống đủ nước trước, trong và sau khi tập luyện. Cũng như các môn thể thao khác, bơi lội dù ở trong môi trường nước nhưng cơ thể vẫn bị mất nước. Vì vậy, trước khi tập 15 phút bạn nên uống khoảng 200 - 400ml nước.
Trong thời gian tập, thỉnh thoảng 30 - 45 phút thì uống từng ít một nước và sau khi tập xong nên uống nhiều hơn. Không nên để quá khát mới uống nước và tránh để sụt cân nhiều sau khi tập luyện. Nên dùng nước lọc trước và trong khi tập.
Sau khi tập thì dùng nước lọc hoặc nước khoáng, nước chanh, tắc muối... để bù lượng chất bị mất trong quá trình vận động kéo dài. Ngoài ra, cũng có thể bù khoáng với các loại thức ăn.
- Chất bột, đường có trong cơm, phở, bún, mì, nui, hủ tíu, khoai củ, đường, mật ong, trái cây... là nguyên liệu chính để hoạt động cơ bắp, giúp hoạt động nhanh, mạnh và có sức bền.
Sau bữa ăn chính no thì nên nghỉ ngơi 60 - 90 phút hãy vận động. Sau bữa ăn phụ nhẹ nhàng thì có thể tập sau 15 - 30 phút. Sau khi tập, nghỉ ngơi thấy hết thở nhanh là có thể ăn.
- Người đang trong giai đoạn phát triển cơ thể (dưới 25 tuổi) thì cần có chế độ dinh dưỡng cân đối và đa dạng trước và sau khi tập luyện. Mức độ luyện tập cũng vừa phải và phù hợp với thể chất để cơ thể phát triển tốt nhất.
- Cần chú ý cân đối năng lượng do thức ăn đưa vào và năng lượng tiêu hao khi vận động, nếu không sẽ bị sụt cân hay tăng cân không theo ý muốn.
- Người muốn tăng cân thì cần chuẩn bị thức ăn và sữa để dùng ngay sau khi tập luyện.
- Người muốn giảm cân thì sau tập luyện chỉ nên uống nước lọc, ăn trái cây ít ngọt, củ sắn hoặc ăn nhiều canh rau và rau luộc...
Kết hợp tốt giữa dinh dưỡng và tập luyện, bạn sẽ vừa có kỹ năng bơi giỏi vừa có một cơ thể cân đối khỏe mạnh.
(BS Đào Thị Yến Thủy - Theo DNSG)