Những yếu tố ảnh hưởng đến thành tích
Nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã xác nhận: Việc tuyển chọn chính xác, công tác huấn luyện khoa học và dinh dưỡng hợp lý là 3 mặt không thể thiếu trong việc chiếm lĩnh đỉnh cao thành tích. Cho dù có thể chất tốt, tập luyện đúng và một tinh thần thép trong thi đấu nhưng dinh dưỡng không đủ, không đúng vẫn không thể đạt được kết quả tốt đẹp như mong muốn. Chế độ dinh dưỡng có sự đầu tư đúng mức sẽ hỗ trợ nhiều cho việc nâng cao thể lực, tầm vóc lẫn thành tích thi đấu của các cầu thủ.
Trên thế giới, ở các nước tiên tiến, dinh dưỡng trong thể thao nói chung và trong bóng đá nói riêng được nghiên cứu nghiêm túc từ lâu. Các vận động viên được giáo dục cẩn thận về dinh dưỡng.
Chế độ ăn
Các chuyên gia trong lĩnh vực thể thao y học đã soạn thảo những chế độ ăn cụ thể cho đội bóng. Nhấn mạnh nhiều đến chất bột đường trong chế độ ăn là nguồn cung cấp nhiên liệu chủ yếu cho các hoạt động cường độ cao. Những cầu thủ đá ở những vị trí khác nhau thậm chí sẽ được xây dựng các chế độ ăn uống phần nào khác nhau nhằm phát huy tối đa sức mạnh, tốc độ, sức bền tại vị trí đảm trách.
Rất nhiều VĐV vẫn nghĩ rằng nhóm thức ăn nhiều đạm là cần thiết nhất cho thể thao. Cho nên chế độ ăn rất nhiều thịt và thậm chí lạm dụng các viên đạm, viên acid amin không cần thiết. Trong khi đó họ không biết rằng nếu cung cấp lượng đạm quá mức cần thiết sẽ làm tăng các sản phẩm acid hóa trong cơ thể và do đó bắt gan thận phải tăng hoạt động nhiều hơn không cần thiết, chưa kể những rối loạn bất lợi cho hệ tiêu hóa nếu dùng nhiều đạm.
Uống nước
Các cầu thủ đều được giáo dục về tầm quan trọng của nước. Nước không thể thiếu được cho sức khỏe và thành tích của một vận động viên. Các vận động viên cần phải uống nhiều nước hơn là theo cơn khát nếu họ muốn lập thành tích với tất cả sức lực của mình. Khi một vận động viên bị mất 1-2% cân nặng của mình do bị mất nước thì thành tích sẽ bị giảm sút.
Do đó, trong những môn thể thao phải vận động, thi đấu cường độ cao như bóng đá, vận động viên cần rất nhiều nước và nước này phải được hấp thu nhanh để bù được lượng mồ hôi mất trung bình từ 1-2 lít mỗi giờ (hoặc hơn nữa), và để tránh bị rối loạn do nóng như: vọp bẻ, nhức đầu, mệt lả, kiệt sức… Do vậy, vận động viên luôn được khuyến khích uống nước trước, trong, sau khi tập luyện và thi đấu.
Một số nguyên tắc cơ bản trong uống nước có thể kể đến như
- Uống thức uống ưa thích, độ lạnh ưa thích vì điều này giúp vận động viên uống được nhiều hơn. (Tuy nhiên, nếu nước ngọt quá, cần được pha loãng).
- Nếu thi đấu ngắn thì chỉ cần nước là đủ; nếu thi đấu, tập luyện kéo dài trên 60 phút hoặc ngắn hơn nhưng cường độ cao, nên uống loại nước có đường 4-8% (các loại nước thể thao).
- Bù muối khoáng tốt nhất bằng nhiều bữa ăn trước và sau thi đấu, tập luyện. Chỉ những vận động kéo dài trên 4-5 giờ, vận động viên hay bị vọp bẻ, tập luyện ngắn hơn nhưng điều kiện khí hậu quá nắng, nóng, ẩm… mới cần các loại nước có chứa điện giải thấp (ví dụ nước uống thể thao – sport drink).
- Các loại nước như: cà phê, trà, rượu, bia… không nên uống vì có tác dụng lợi tiểu, gây mất nước và ảnh hưởng đến thần kinh. Các loại nước ngọt, tăng lực không uống trong quá trình tập luyện vì bù nước kém, gây khó chịu dạ dày, nước có gaz làm đầy bụng, cản trở bù nước.
+ Trước tập luyện 1–2 giờ, nên uống 450–600ml.
+ Trong suốt thời gian tập luyện, nên uống 200–300ml cách khoảng 15–20 phút.
+ Sau khi tập, uống tối thiểu 1,5 lít nước để bù lại cho mỗi kg cân nặng cơ thể bị sụt mất so với trước khi tập.
BS. Dương Công Minh