Kê toa thể thao
Tính từ tháng 11.2012, khoảng 300 bệnh nhân bị các bệnh mạn tính như béo phì, tiểu đường dạng 2 tại TP.Strasbourg của Pháp đã được bác sĩ kê toa một môn thể thao, bên cạnh những loại thuốc thông thường. Mới đây, thành phố này quyết định mở rộng thử nghiệm chương trình “Kê toa thể thao” cho các bệnh nhân đang điều trị ung thư. Bác sĩ Alexandre Feltz, cố vấn y khoa của hội đồng TP.Strasbourg, nhận định trên kênh France 3: “Rất nhiều nghiên cứu cho thấy đối với những bệnh nhân bị ung thư được điều trị thành công, việc chơi thường xuyên một môn thể thao sẽ giúp giảm nguy cơ tái phát từ 30 - 50%”.
Hiện TP này có 120 bác sĩ đa khoa tham gia chương trình “Kê toa thể thao”. Sau khi được bác sĩ chỉ định, bệnh nhân sẽ cầm toa đến những câu lạc bộ có hợp tác với chương trình để chọn chơi miễn phí các môn thể thao nhẹ nhàng như: đi bộ, đạp xe, thể thao dưới nước, thể dục dưỡng sinh, khí công, thái cực quyền... Ngoài huấn luyện viên, bệnh nhân được bác sĩ thường xuyên tư vấn và theo dõi sức khỏe. Viện Hàn lâm y học Pháp hồi tháng 10.2012 cũng từng đưa ra báo cáo đề nghị bảo hiểm y tế nước này chi trả cho các hoạt động thể thao. Bản báo cáo nhấn mạnh thể thao thật sự là “biệt dược” hiệu quả cao mà giá thành thấp. Theo nghiên cứu của hãng bảo hiểm Imaps, chỉ cần bảo hiểm y tế Pháp chi 150 euro/năm cho khoảng 10% số bệnh nhân bị các bệnh ung thư, tiểu đường dạng 2, suy hô hấp mạn tính ở nước này thì hằng năm sẽ tiết kiệm được 56,2 triệu euro.
Tăng vận động, giảm thuốc
Giáo sư Jacques Bazex, một trong những tác giả chính của báo cáo, cho rằng thể thao cần được bác sĩ chỉ định cho nhiều loại bệnh “ngang hàng” với các thuốc kháng sinh, an thần, aspirine... Cũng theo Viện Hàn lâm y học Pháp, thể thao có thể bổ sung, thậm chí thay thế một số dược phẩm trong các bệnh mạn tính như tiểu đường, cao huyết áp, với điều kiện bác sĩ phải chỉ định cụ thể: môn gì, chơi với cường độ thế nào, trong bao lâu, lịch theo dõi sức khỏe...
Đối với người bình thường, thể thao có vai trò thiết yếu trong việc phòng bệnh, từ béo phì, tiểu đường dạng 2, tim mạch đến các bệnh cơ xương khớp. Đáng lưu ý là cuộc sống hiện đại khiến người ta từ chỗ vận động thể chất trung bình 8 giờ/ngày cách đây 200 năm hiện chỉ còn 1 giờ/ngày. Cư dân thành thị ngày nay ngồi xe để di chuyển, ngồi để làm việc, thư giãn cũng ngồi là chủ yếu. Đài France Télévisions dẫn một thống kê cho biết lối sống thụ động là nguyên nhân dẫn đến 6 - 10% ca tử vong trên thế giới. Trong khi đó, tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về “hoạt động thể chất thường xuyên” không quá phức tạp: tối thiểu 30 phút đi bộ nhanh/ngày, hoặc 3 lần/tuần tập thể thao cường độ cao trong 20 phút.
Hiệu quả của thể thao đối với cơ thể