Mọi vận động của hệ cơ đều sinh ra nhiệt. Trên thực tế, chỉ có 20% năng lượng mà hệ cơ sử dụng được biến đổi thành cơ năng. Phần còn lại (80%) hoàn toàn bị biến đổi thành nhiệt năng. Cơ thể bắt buộc phải “làm mát” bằng cách tiết ra mồ hôi để giữ nhiệt độ cơ thể ở mức bình thường. Theo bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp Lâm Quang Dũng, nếu đợi đến khi cảm thấy khát mới uống nước thì cơ thể đã ở vào trạng thái mất nước nhẹ. Đặc biệt với người chơi thể thao, hệ cơ khi bị mất nước sẽ thiếu điện giải, dễ dẫn đến vọp bẻ và mau mỏi mệt.
Ngoài ra, khi lượng nước trong cơ thể giảm dưới mức bình thường, thể tích nước trong huyết tương sẽ giảm và khiến cho máu trở nên “cô đặc” lại. Kết quả là việc lưu thông máu trong các mao mạch trở nên khó khăn hơn. Thể tích máu giảm sẽ khiến tim phải đập nhanh hơn để giữ áp lực động mạch. Trong những điều kiện đó, tính hiệu quả của việc tập luyện chắc chắn sẽ giảm đi. Theo nhiều nghiên cứu khi mất lượng nước tương đương 1% trọng lượng cơ thể, năng lực vận động của vận động viên sẽ giảm 10%.
Uống nước đúng cách
- 2 giờ trước khi vận động, nên uống dần khoảng nửa lít nước. Việc uống nước sớm rất quan trọng vì cơ thể cần phải có thời gian tối thiểu để hấp thụ nước.
- Trong lúc luyện tập, trung bình 10-20 phút nên uống nước một lần, mỗi lần khoảng 200 ml. Không được uống quá nhiều vì bao tử chúng ta chỉ có thể hấp thụ tối đa 750 ml chất lỏng/giờ.
- Cần phải uống nước ngay khi kết thúc buổi tập và uống nhiều lần trong suốt 2 tiếng đồng hồ sau đó (số lần tùy theo cường độ, thời gian tập luyện) để bù lại lượng nước mất đi. Điều này sẽ giúp loại bỏ các chất thải a-xít của hệ cơ và cung cấp nước cho các mô.
- Nước uống lý tưởng nhất là ở nhiệt độ từ 10-15°C (nước mát). Tránh uống nước quá lạnh (nước đá), có thể làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, gây khó chịu.
Theo Thanh Niên