Nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình hành động sẽ tập trung vào 6 nhóm nhiệm vụ chính, gồm: Tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị; Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thể dục, thể thao; Nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trường học; Mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động TDTT quần chúng; Nâng cao hiệu quả đào tạo tài năng thể thao và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ.
Theo đó, muốn tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020 phải có sự kết hợp giữa việc nâng cao TDTT quần chúng, TDTT trong học đường với sự phát triển của TTTTC cùng với những việc áp dụng khoa học, công nghệ tiên tiến. Đối với TTTTC, Chương trình hành động của Chính phủ cũng yêu cầu cần phải có sự rà soát, bổ sung cơ chế chính sách về tiền lương cho đội ngũ HLV, VĐV thể thao. Đồng thời cần nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách khen thưởng, chính sách đảm bảo an sinh xã hội (bảo hiểm, việc làm,...) cho các VĐV ưu tú sau khi giải nghệ. Cùng với đó là xây dựng kế hoạch phát triển lực lượng vận động viên các môn thể thao trọng điểm; mở rộng quy mô và hiện đại hóa các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia, tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất, kỹ thuật cần thiết để sẵn sàng tổ chức Đại hội thể thao châu Á lần thứ 18 năm 2019.
Riêng đối với TDTT quần chúng và TDTT học đường cần tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng TDTT công cộng, như các trung tâm luyện tập đa năng, các điểm tập luyện, vui chơi với các trang thiết bị đơn giản tại các quận, huyện, phường, xã, khu dân cư và các trang thiết bị cho công tác giáo dục thể chất trong nhà trường... tạo mạng lưới hạ tầng thể dục, thể thao đáp ứng nhu cầu tập luyện hàng ngày của nhân dân, các hoạt động thể thao ngoại khoá của học sinh, sinh viên.
V.A