Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X trình bày tại Đại hội XI nêu rõ: “Phát triển mạnh phong trào thể dục, thể thao đại chúng, tập trung đầu tư nâng cao chất lượng một số môn thể thao thành tích cao nước ta có ưu thế. Kiên quyết khắc phục những hiện tượng tiêu cực trong thể thao”(2). Theo định hướng trên, công tác TDTT cần tiếp tục đổi mới, tạo nền tảng về các mặt cho những bước phát triển mạnh mẽ và vững chắc của sự nghiệp TDTT vào năm 2020, khi nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta có nhiều chính sách phát triển TDTT, coi TDTT là một bộ phận thuộc chính sách xã hội, nhằm chăm lo bồi dưỡng sức khoẻ, phát triển thể lực cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, TDTT nước ta đã đạt được nhiều thành tích to lớn, góp phần tích cực trong việc nâng cao sức khỏe, thể lực và cải thiện đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế-xã hội của Đảng và Nhà nước. TDTT từng bước trở thành một bộ phận không thể thiếu trong đời sống xã hội.
Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được trên các lĩnh vực TDTT, TDTT cơ sở nước ta còn nhiều hạn chế, yếu kém. Nhiều cơ sở xã, phường, thị trấn, nhất là ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, việc phổ biến và tổ chức các hoạt động TDTT còn rất khó khăn. Sự chênh lệch về mức độ hưởng thụ TDTT giữa các vùng, miền, giữa các đối tượng nhân dân ngày càng rõ. Công nhân trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài không chỉ thiếu thốn về đời sống văn hóa tinh thần, thiếu thốn về các điều kiện sống và chăm sóc sức khỏe, mà hầu như không có điều kiện tham gia các hoạt động TDTT để thư giãn, giải trí và củng cố, nâng cao sức khỏe.
Công tác quản lý, chỉ đạo phát triển TDTT quần chúng ở cơ sở còn nhiều hạn chế, kém hiệu quả, chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn. Phong trào TDTT chưa có tính bền vững, còn nặng về các hoạt động bề nổi, chưa thực sự quan tâm lợi ích của người dân trong hoạt động TDTT. Phương thức chỉ đạo TDTT cơ sở còn mang nặng tính chất hành chính, bao cấp, chưa phù hợp với yêu cầu xã hội hoá, chưa sát với thực tiễn.
Phong trào TDTT trong trường học còn hạn chế, đặc biệt ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Công tác giáo dục thể chất cho học sinh trong và ngoài giờ học chưa được quan tâm đúng mức, còn kém chất lượng và hiệu quả. Hiện còn thiếu sân bãi, phương tiện phục vụ cho việc dạy và học TDTT; thiếu các địa điểm để thanh, thiếu niên vui chơi và rèn luyện thể chất.
Hiện nay, nước ta có trên 23,5 triệu học sinh, sinh viên (chiếm gần một phần tư dân số và phần lớn trong số đó sống ở nông thôn), tuy nhiên tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng còn cao, thể nhẹ cân chiếm 16,3%, thể thấp còi chiếm 26,5%... Các công trình nghiên cứu về chiều cao, cân nặng và thể lực của thanh, thiếu niên Việt Nam từ thập kỷ 80 của thế kỷ XX tới nay của nhiều tác giả thuộc các lĩnh vực khác nhau như: y tế, giáo dục, TDTT và đặc biệt là Dự án Điều tra thể chất nhân dân (từ 6-60 tuổi) năm 2003-2004 do ngành TDTT tiến hành đều thống nhất nhận định: chiều cao, cân nặng, trình độ phát triển của một số tố chất thể lực quan trọng như sức bền, sức nhanh, sức khéo léo của thanh, thiếu niên nước ta còn thấp hơn, tốc độ phát triển còn chậm hơn so với thanh, thiếu niên có cùng độ tuổi ở một số nước trong khu vực Đông Nam Á. So với trẻ em ở thành phố, thị trấn có cùng độ tuổi, các em ở nông thôn, các vùng miền núi, trẻ em người dân tộc thiểu số đều thua kém về chiều cao, cân nặng và thể lực. Thực tế này là khó khăn, thách thức to lớn đối với quá trình chuẩn bị nguồn nhân lực cho đất nước trong bối cảnh toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế với sự cạnh tranh gay gắt... Với tư cách là một bộ phận thuộc chính sách xã hội, góp phần bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực cho tương lai, TDTT phải đối mặt với những khó khăn, thách thức nói trên.
Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng và Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 1-12-2011 của Bộ Chính trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020”, TDTT nước ta cần góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Theo đó, mục tiêu chủ yếu của công tác TDTT là phát triển toàn diện con người Việt Nam về sức khoẻ, thể lực và các phẩm chất trí tuệ, đạo đức, để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Từ cơ sở lý luận và thực tiễn, từ những thuận lợi và khó khăn trong phát triển TDTT ở cơ sở, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển về TDTT ở cơ sở trong thời gian tới như sau:
Thứ nhất: Tăng cường sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng và chính quyền đối với công tác TDTT ở cơ sở. Tiếp tục thực hiện “Cuộc vận động toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2012-2020 gắn với triển khai phong trào xây dựng gia đình văn hóa; làng, bản, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị văn hóa, với Chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng khu đô thị văn minh,… Tạo nên sự phát triển cả về bề rộng và chiều sâu của phong trào này ở cơ sở.
Thứ hai: Đổi mới quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo phát triển TDTT ở cơ sở. Gắn nhiệm vụ phát triển TDTT với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Nội dung phát triển TDTT cần được đặt trong chương trình nghị sự của cấp uỷ đảng, HĐND, UBND địa phương. Hướng vào những nhiệm vụ trọng tâm, sử dụng nguồn nhân lực, tài chính, quy hoạch đất và vật chất hợp lý nhất, có hiệu quả cao nhất. Chú trọng phát triển phong trào TDTT tại các khu công nghiệp, khu đô thị cho nhân dân và người lao động.
Thứ ba: Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền các ban, ngành, đoàn thể về vị trí, vai trò của TDTT đối với việc góp phần nâng cao sức khoẻ, thể lực, giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống và xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở. Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước.
Thứ tư: Chăm lo xây dựng tổ chức và bố trí cán bộ phụ trách công tác TDTT, trước hết cán bộ, đảng viên, đoàn viên gương mẫu tham gia tập luyện và tổ chức các hoạt động TDTT của nhân dân. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, hướng dẫn viên TDTT. Chú trọng tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho cộng tác viên TDTT cấp xã và thôn, làng, bản.
Thứ năm: Quan tâm đầu tư cho TDTT theo tinh thần Nghị quyết của Đảng; thực hiện việc hỗ trợ dụng cụ thể thao, tài liệu chuyên môn và phụ cấp trách nhiệm cho cộng tác viên TDTT các xã, phường, ấp khó khăn.?Tạo điều kiện về cơ sở vật chất cho hoạt động TDTT, gắn với các tiêu chí Chương trình xây dựng nông thôn mới về dành đất và xây dựng các công trình văn hóa, thể thao cấp xã. Trước mắt, quan tâm đến cơ sở vật chất trường học, để mỗi trường học đều có sân chơi, bãi tập cho học sinh tập luyện; hình thành trung tâm TDTT của xã, phường gắn với trường học, được dùng chung cho học sinh và nhân dân địa phương.
Thứ sáu: Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển các tổ chức xã hội về TDTT, các hình thức dịch vụ TDTT như: đa dạng hoá các hình thức tổ chức hoạt động TDTT, các hội, nhóm, câu lạc bộ TDTT; lồng ghép nhiệm vụ phát triển TDTT trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và trong hoạt động của các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện công tác xã hội hoá, phát huy tính tự giác và chủ động của nhân dân. Cần hướng hoạt động TDTT về cơ sở, về người dân; tổ chức, hướng dẫn, phát triển và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ TDTT của nhân dân.
Thứ bảy: Cấp ủy đảng, chính quyền tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và động viên, khuyến khích phong trào TDTT ở cơ sở. Tiến hành tổng kết thực tiễn, nhân rộng các điển hình tiên tiến, khen thưởng kịp thời các đơn vị, cá nhân tiêu biểu trong hoạt động TDTT ở cơ sở.../.
------------------------
(1) (2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. Nxb.CTQG, H, 2011, tr.124, 231- 232.
Phạm Thanh Cẩm