Sáng nay (22/5), tại Kỳ họp 7, Quốc hội thảo luận về Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi). Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) gây bất ngờ khi đề cập đến những thất bại đáng buồn của tuyển bóng đá nữ và bóng chuyền nữ Việt Nam để dẫn dắt cho câu chuyện về dinh dưỡng trẻ em.
“Tối hôm qua và mấy ngày gần đây, chúng ta chứng kiến và nuối tiếc với cả 2 sự thất bại của đội tuyển bóng đá nữ và bóng chuyền nữ Việt Nam trước đối thủ Thái Lan – một quốc gia gần gũi về địa lý, vốn có nhiều điều kiện tương đồng với Việt Nam trên lĩnh vực thể thao và cử tạ. Một triển vọng có thể còn kém cỏi hơn, chừng 20 năm sắp tới Thái Lan còn có thể bỏ xa chúng ta hơn nữa trong lĩnh vực này nếu chúng ta không quan tâm cải thiện một vấn đề rất hệ trọng mà chúng ta đã có mục tiêu phấn đấu từ lâu là cải thiện, nâng cao thể trạng giống nòi”, chuyên gia sử học chia sẻ tại nghị trường.
Đại biểu này cho rằng, chúng ta phải thừa nhận thực tế là chiều cao trung bình của người Việt Nam ngày càng thấp so với nhiều quốc gia trong khu vực. Cụ thể chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam mới đạt 1m63 so với Hàn Quốc (1m73), Trung Quốc (1m72), Singapore, Thái Lan, Malaysia (đều trên 1m7).
“Điều đáng nói hơn, giống như nguồn gốc của hiện trạng trên, chính là lời cảnh báo của UNICEF được Viện Dinh dưỡng kiểm chứng đáng để chúng ta phải suy nghĩ: Nước ta là quốc gia đông dân thứ 13 thế giới thì cũng đứng thứ 13 có gánh nặng về suy dinh dưỡng lớn nhất thế giới. Cụ thể hơn, trong số 10 triệu trẻ em dưới 5 tuổi, có 2,5 triệu trẻ suy dinh dưỡng mãn tính (trong đó có 1/10 suy dinh dưỡng nặng cấp tính). Con số thống kê cho thấy, trẻ em suy dinh dưỡng không chỉ ở vùng nghèo, vùng sâu vùng sa, mà ngay ở đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM cũng có”, ông Quốc nói.
Theo đại biểu Dương Trung Quốc, nói một cách đơn giản thì 30% người Việt Nam trưởng thành mang thể trạng của một tuổi thơ suy dinh dưỡng: “Thật nghịch lý khi thực trạng này xảy ra ở quốc gia thừa lương thực, có lượng xuất khẩu gạo lớn nhất nhì toàn cầu”.
“Các nghiên cứu cho thấy suy dinh dưỡng không chỉ là hậu quả của nghèo đói mà còn từ sự thiếu hiểu biết, thiếu hướng dẫn về khoa học dinh dưỡng trong việc chăm sóc trẻ nhỏ mà một thời ở nước ta đã được khắc phục nhờ hệ thống các nhà trẻ và đội ngũ nuôi dạy trẻ thời bao cấp mà đến nay thời đổi mới lại chưa đáp ứng được.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác định suy dinh dưỡng là một căn bệnh của trẻ em cần được chữa trị. Chúng ta là một trong những nước sớm nhất ký Công ước về quyền trẻ em, tuy nhiên, chế độ bảo hiểm y tế chưa quan tâm đến việc chữa căn bệnh suy dinh dưỡng của trẻ em”.
Đại biểu tỉnh Đồng Nai đề nghị trong Dự thảo luật BHYT lần này nên bổ sung vào điều 21 nội dung “Khám, tư vấn dinh dưỡng và điều trị suy dinh dưỡng cho trẻ em dưới 6 tuổi”. Theo ông Quốc, đây thực ra là sự bổ sung một căn bệnh thế giới đã công nhận vào đối tượng đã có trong Luật BHYT.
“Nếu như chúng ta không quan tâm đến đòi hỏi tối thiểu và chính đáng này trong cơ hội sửa đổi Luật BHYT lần này thì chúng ta đừng bao giờ mơ đến mục tiêu sánh ngang với các nước trong khu vực, chứ đừng nói đến tham vọng của một dân tộc sánh vai với các cường quốc năm châu. Kính mong Quốc hội quan tâm đến các cháu, cũng là hậu duệ của chúng ta, tương lai của đất nước”, ông nói.
Việt Nguyễn