Sự kiện 2 đội bóng chuyền Vietsov Petro và Bia Sài Gòn-Thái Bình Dương đua nhau đòi giải thể đang nhận được nhiều sự quan tâm, lo lắng của giới hữu quan. Ở tầm vĩ mô, dưới góc nhìn của một nhà quản lý thể thao, ông Nguyễn Hồng Minh cho rằng đây là thực trạng chung đối với các môn thể thao, trong đó gồm cả bóng chuyền.
“Thể thao Việt Nam trước đây phát triển theo cơ chế quản lý bao cấp, với đặc thù sử dụng hoàn toàn vốn nhà nước. Kể từ khi có Nghị định 73 của Chính phủ về xã hội hóa thể thao thì bắt đầu có sự chuyển biến với việc các doanh nghiệp tham gia vào đầu tư, phát triển, đào tạo VĐV.
“Xu hướng này 10 năm trở lại đây phát triển mạnh. Tuy nhiên, về mặt quản lý Nhà nước thì hiện chúng ta chưa có cơ chế, chính sách, đặt ra các điều kiện pháp lý để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia bền vững”-ông Nguyễn Hồng Minh nói.
Theo ông Minh, doanh nghiệp vì vậy khi tham gia vào đầu tư 1 môn thể thao thường xuất phát từ 2 lý do. Một là vì yêu mến môn thể thao đó, muốn đầu tư góp phần phát triển và hai là để PR, “đánh bóng” thương hiệu. Bóng đá, golf, bóng chuyền…đều chung hiện trạng này. Ông Nguyễn Hồng Minh lấy ví dụ các đơn vị đầu tư cho bóng đá như Khatoco Khánh Hòa, Đồng Tâm Long An hay Hải Phòng…hoặc Bia Sài Gòn-Thái Bình Dương, Vietsov Petro… trong bóng chuyền. Nhiều nơi sẵn tiền nên mua cả đội bóng về, hoặc trả tiền cao mua thêm cầu thủ để thi đấu.
Việc đầu tư xuất phát từ ý muốn chủ quan của doanh nghiệp nên khi có điều kiện về tài chính thì mở rộng. “Lúc có tiền người ta nghĩ đến chuyện ăn, chuyện chơi. Nhưng khi kinh tế khủng hoảng buộc doanh nghiệp phải xem lại, và không sớm thì muộn phải giảm dần, chứ không thể “ôm” mãi-ông Minh cho biết-Vì thể thao đỉnh cao là hệ thống gây tốn kém và cần nhiều thời gian”.
Theo ông Nguyễn Hồng Minh, đây là quy luật tất yếu, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan mà buộc phải dựa vào sự phát triển của kinh tế, xã hội.
Trở lại với câu chuyện của Vietsov Petro và Bia Sài Gòn-Thái Bình Dương, ông Nguyễn Hồng Minh cho rằng, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV) chưa tạo được sự phát triển đột biến về chất lượng, dù có nhiều điều kiện thuận lợi. Việc Vietsov Petro và Bia Sài Gòn-Thái Bình Dương muốn rút không nằm ngoài quy luật nói trên.
“Bóng chuyền là môn phát triển sâu rộng từ lâu vì là môn thể thao được yêu mến, dễ phát triển và dễ chơi. Đây là môn nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội, truyền thông. Đây là về mặt phong trào, nhưng thể thao thành tích cao lại là một bài toán khác-ông Minh nói - Về mặt này, phát triển bóng chuyền phải tuân theo quy luật tập trung cao độ có hệ thống: VĐV tốt nhất phải có chuyên gia, HLV giỏi để hướng dẫn, đào tạo. Hiện tại chúng ta chỉ mới tập trung thi đấu để kiếm tiền, đào tạo trẻ trong khi đó không được quan tâm”.
Theo ông Minh, ngoài đội Thông tin của Quân đội, các đơn vị khác đều không quan tâm đúng mức cho đào tạo trẻ. Bóng chuyền Việt Nam lại thiếu ứng dụng khoa học kỹ thuật mới.
“Chiến thuật của bóng chuyền Việt Nam lâu nay không thay đổi và có sự đột biến, trong khi thế giới đã rất khác. Có thể thấy rõ việc này qua việc 3,4 kỳ SEA Games gần đây, chúng ta chỉ dám đặt chỉ tiêu HCB để phấn đấu rất vất vả. Đội tuyển thì vẫn là những gương mặt cũ, muốn một đội hình mới không có”-ông Minh cho biết.
Tổng hợp