Menu

Thư viện ảnh

Góc nhìn chuên gia

Góc nhìn thể thao - Vẽ lại mô hình

18 Tháng Sáu 2014

Trong một số chương trình bình luận thể thao trên truyền hình, ngay sau khi đại hội Liên đoàn bóng đá nhiệm kỳ 7 hoàn tất, nhiều chuyên gia, nhà báo thể thao… khi bàn về sự phát triển của từng môn thể thao, vẫn nói đến mô hình tam giác thuận. Nghĩa là, chân đế-thể thao phong trào, bao gồm thể thao học đường, thể thao quần chúng càng rộng khắp, thì phần chóp thể thao đỉnh cao càng phát triển.

Đó là cái lý thuyết đã từng được áp dụng, đã được giảng dạy cho các sinh viên ngành TDTT trong các trường Đại học bao năm qua. Nhưng dựa vào cái nguyên lý tam giác thuận ấy mà áp vào thực tế thì chẳng đúng tý nào. Và trong nhiều cuộc trò chuyện với các chuyên gia, nhà quản lý thể thao nước nhà, không ít người đã ú ớ khi chúng tôi nêu thực tiễn so với lý thuyết.

Nhưng quần vợt, cứ thử vào google và gõ thử mấy từ “quần vợt Việt Nam” mà xem, có vô số trang web được thành lập bởi những cá nhân, tổ chức xã hội yêu thích môn này. Và không chỉ lập trang web để “chém gió”, người ta còn xắn tay áo tổ chức các giải đấu phong trào hết sức phong phú. Những giải đấu theo từng lứa tuổi, theo nhóm gia đình, theo từng cặp tình nhân, vợ chồng… được tổ chức rầm rộ như nấm mọc sau mưa. Rồi người chơi lên mạng tìm tài liệu, chỉ vẽ kinh nghiệm cho nhau làm thế nào để đánh cú trái, cú bỏ nhỏ, cú xì-mách… Phải nói rằng quần vợt phong trào đang phát triển hết sức phong phú. Còn đi ra với thực tế, cứ đến các sân quần vợt thì bất cứ giờ phút nào, từ sáng đến tối mịt, cũng đều có người chơi hăng say.

 

Góc nhìn thể thao - Vẽ lại mô hình 

 

Quần vợt phong trào phát triển rầm rộ như thế, thú vị như thế, nhưng quần vợt đỉnh cao có phát triển tương ứng không? Hay bóng đá, nhiều người bảo rằng ngày xưa thành phố Hồ Chí Minh rất mạnh ở môn này là nhờ cụm sân Phú Thọ mở cửa cho hàng ngàn thanh niên đá bóng mỗi ngày từ sáng sớm đến mịt tối. Rồi những sân Kỵ Mã (quận 1), Lam Sơn (quận 5), Sân Gôn (Phú Nhuận)… cũng là những điểm nóng sôi động của bóng đa phong trào. Bóng đá Sài Gòn chết đứ đừ vì mất đi những sân chơi ấy. Có lúc, chúng tôi nghĩ lý giải ấy là đúng. Nhưng bây giờ, nghiệm lại hình như không phải vậy. Ai không tin, xin cứ đi rảo đến các sân bóng cỏ nhân tạo đang phát triển khắp nơi trên đất Sài Gòn mà xem. Do đặc thù của cỏ nhân tạo là hút nhiệt rất dữ, nên các sân bóng này chỉ trầm lắng vào giữa trưa, còn lại người ta đá ì xèo từ sáng sớm đến quá nửa đêm! Chuyện này không phải chỉ mới vài năm gần đây, để mà nói nó chưa kịp mang lại kết quả, bởi chính một nhà đầu tư trong lĩnh vực làm sân bóng đá cỏ nhân tạo là ông chủ công ty Thành Lâm cho biết đã kiếm tiền từ việc này cách đây hơn chục năm. Thậm chí, bây giờ các công ty làm sân cỏ nhân tạo mọc như nấm mùa mưa, chứ không chỉ có mỗi Thành Lâm làm mưa làn gió như trước.

Ấy vậy mà, bóng đá đỉnh cao của thành phố Hồ Chí Minh vẫn be bét! Còn nữa, đó là cầu lông. Nếu sáng sớm chịu khó xách xe chạy một vòng qua các công viên Tao Đàn, Lê Văn Tám, Hoàng Văn Thụ, Lê Thị Riêng…, hẳn bạn sẽ thấy người chơi cầu lông đông như thế nào. Nhưng cầu lông Việt Nam thì mới đây đã không được dự giải đồng đội Thomas cup, khi người ta không chấp nhận cái việc chỉ có mỗi Tiến Minh, còn lại tất cả đều ở đằng xa xa tít tắp! Rồi bóng rổ cũng thế, sau cái bộ phim Hàn mang tên Cú nhảy cuối cùng gây cơn sốt cho giới học sinh, dẫn đến việc đua nhau chơi bóng rổ. Nhưng rồi bóng rổ Việt nói chung, TP.HCM nói riêng vẫn cứ dậm chân tại chỗ. Đến độ, đội Sài Gòn Heats có lúc gây nổi đình nổi đám nhưng bây giờ đã “xịt” là bởi: Không ai chịu được cái chuyện đi xem một đội bóng Sài Gòn mà toàn cầu thủ Tây thi đấu, trong khi Ta thì quá kém!

Thật ra trong thế giới thể thao hiện đại ngày nay, cái lý thuyết tam giác thuận đã bị xếp xó từ lâu. Hiện giờ, người ta tách bạch phong trào ra phong trào, chuyên nghiệp ra chuyên nghiệp. Phát triển thể thao phong trào là chuyện của nhà nước, thể hiện qua việc đầu tư làm sân bãi thật nhiều để khuyến khích người dân tập luyện thể thao. Cái đó, nó mang ý nghĩa vô cùng quan trọng đến chiến lược phát triển quốc gia, như Bác Hồ từng nói: Dân cường, nước thịnh. Hay nhà lãnh đạo nổi tiếng của Singapore-ông Lý Quang Diệu cũng thể hiện quan điểm về thể thao đối với việc quản lý đất nước, nó là phát triển thể thao học đường, phong trào nhằm giúp người dân khỏe mạnh để nhằm đến mục tiêu phục vụ tốt việc học tập, lao động chứ không phải tìm kiếm thành tích trong thể thao!

Còn muốn tìm kiếm thành tích trong thể thao đỉnh cao, với các nước, đó là nhiệm vụ của các Liên đoàn, của Ủy ban Olympic theo các cách mà chúng ta nói nôm na là “nuôi gà chọi”! Rõ ràng, đã đến lúc phải vẽ lại mô hình, không thể để nhầm lẫn, áp dụng lý thuyết tam giác thuận cũ kỹ trong chiến lược phát triển thể thao.

 

Huy Tho
Nguồn tin: Tạp chí Thế giới Tennis

Print

Số lượt xem (1905)/Bình luận (0)

Comments are only visible to subscribers.