Vào cuối mỗi buổi tập, những tiếng sột soạt của chiếc máy đi bộ, tiếng vo vo của vòng quay xe đạp hay tiếng bồm bộp của bước chân bạn trên máy chạy bộ có thể nghe như tiếng nhạc đối với đôi tai của bạn (để đẩy lùi stress, cardio chính là tuyệt chiêu). Hơn nữa, cardio còn rất tốt đối với tim mạch và chắc chắn nó là một cỗ máy đốt cháy calo hiệu quả. Tuy nhiên, mặc dù tất cả những điều trên đều là sự thật, vẫn còn đó rất nhiều quan niệm sai lầm về bài tập này mà nếu quá tin vào đó sẽ khiến bạn tập giảm cân không hiệu quả.
1. Tập cardio càng nhiều thì giảm cân càng nhanh
Hàng giờ liền gắn chặt với những chiếc máy tập tốc độ cao trong phòng gym chắc chắn là cách hiệu quả để đốt cháy cân nặng, và bạn có thể giảm cân nhanh hơn nếu chỉ tập cardio, nhưng loại cân nặng bị đốt cháy lại không phải là loại bạn cần giảm. Chỉ tập mỗi cardio sẽ làm cơ thể sụt giảm cả chất béo và cơ bắp.
Vì thế, nếu muốn thay đổi dài lâu, bạn phải kết hợp tập thêm các bài tập tăng cường lực nữa. Các bài tập này sẽ có tác dụng xây dựng khối cơ nạc, điều này sẽ thúc đẩy quá trình trao đổi chất và đốt cháy thêm chất béo, ngay cả khi bạn đang không tập.
2. Nếu không dành ra một giờ để tập cardio thì sẽ không có tác dụng
Đây là quan niệm không chính xác. Mọi vận động của cơ thể đều có tác dụng đốt cháy calo. Chính vì thế, điều quan trọng đó là phải đốt cháy calo làm sao cho hiệu quả. Bạn có thể tập cardio lâu hơn và đều đặn hơn, và đốt cháy nhiều calo hơn trong quãng thời gian đó, nhưng vấn đề nằm ở những điều xảy ra sau khi tập.
Bằng cách thực hiện những bài tập ngắt quãng ở cường độ cao, tức là kết hợp những quãng tập nặng với thời gian hồi phục ngắn, quá trình trao đổi chất sẽ được thúc đẩy và bạn sẽ đốt cháy calo đến 38 tiếng đồng hồ sau khi tập. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cho biết 20 phút tập cardio ở cường độ cao (như chạy) cũng tương đương với 30 phút tập ở cường độ vừa phải (nhưng đi bộ nhanh). Vì thế, chỉ cần 10 phút tập cardio ở cường độ cao cũng đem đến hiệu quả.
3. Tập cardio khi đói bụng đốt cháy tối đa lượng mỡ thừa trong cơ thể
Quan niệm này xuất phát từ thực tế là nếu cơ thể không có sẵn lượng calo nạp từ thức ăn, nó sẽ tìm đến lượng calo dự trữ sẵn từ trước và đốt cháy chúng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã chứng minh điều này đi ngược lại với khoa học: một cuộc nghiên cứu trong năm 2011 đã kết luận quá trình đốt cháy chất béo vẫn diễn ra như thường cho dù bạn có ăn trước khi tập hay không, hơn nữa, nếu không ăn trước khi tập, khối cơ bắp nạc cũng sẽ bị hao hụt, gây ảnh hưởng xấu đến cơ thể.
Mỗi cơ thể đều cần năng lượng để vận động, và năng lượng này phải xuất phát từ thức ăn. Có thể bạn không cần phải ăn nhiều quá, chỉ cần ăn nhẹ trước khi tập là cũng đủ để bạn tập được hiệu quả hơn.
4. Nếu chạy bộ hay đạp xe, có thể bỏ qua bài tập tăng cường lực cho chân
Trừ khi bạn chạy hết tốc lực lên đỉnh đồi hay điều chỉnh độ kháng lực của xe đến điểm mà hầu như bạn không thể đạp nổi, còn không thì bạn sẽ không tăng cường thêm được tí cơ bắp nào cho các khối cơ lớn nhất trên cơ thể từ bài tập này.
Vì thế mặc dù có thể bạn có cảm giác như thể cơ chân và cơ mông đang làm việc liên tục, bạn cũng phải tập thêm những bài tập như bước tấn, nâng tạ và đứng chồm hỗm. Không chỉ có thế, những bài tập tăng cường lực còn hỗ trợ bạn trong bài tập chạy và đạp xe, tức những bài tập cardio.