Thể thao Thanh Hóa đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của các cấp lãnh đạo, chính vì vậy mà trong khoảng 5 năm trở lại đây đã có sự phát triển nhanh chóng, không hề kém các địa phương mạnh khác như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, vượt cả TP Đà Nẵng. Số lượng các môn thể thao được đầu tư mạnh lên tới 35 môn thể thao với lực lượng VĐV lên tới 800 người, góp mặt vào tất cả các Đại hội thể thao quốc tế, góp công không nhỏ vào sự thành công của Thể thao Việt Nam.
Từng bước tạo cơ chế mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Duy Tự VĐV cho biết: “Thanh Hóa ưu tiên phát triển các môn có thế mạnh của tỉnh; phát triển thêm một số môn thể thao phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và xu thế chung của quốc gia, khu vực và quốc tế. Chuẩn bị các điều kiện thành lập thêm một số môn thể thao đạt mục tiêu giai đoạn 2022-2025 từ 31 bộ môn tăng thêm 4 bộ môn với 1.000 VĐV các tuyến, 130-150 HLV. Tổ chức từ 5 - 7 giải quốc gia theo sự ủy quyền của Cục TDTT và các giải thể thao khác khi được giao nhiệm vụ. Tích cực tham gia thi đấu và giành được thành tích cao tại các giải quốc gia, quốc tế và chuẩn bị lực lượng tham gia Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ X năm 2026, SEA Games, ASIAD, Olympic và các giải đấu quốc tế khác, phấn đấu giữ vị thế tốp đầu toàn quốc và giành được những thành tích bứt phá trên đấu trường quốc tế. Để làm được điều đó, từ năm 2022, Thanh Hóa đã tạo cơ chế, tăng chế độ dinh dưỡng cho các VĐV. Năm 2024, chúng tôi đã và đang trình Nghị quyết “Quy định về một số chính sách đặc thù đối với huấn luyện viên, vận động viên và người phục vụ huấn luyện viên, vận động viên thể thao thành tích cao tỉnh Thanh Hóa” lên tỉnh ủy. Đây sẽ là động lực mới để thể thao Thanh Hóa đột phá”.
Thực vậy, từ ngày 6/10/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 3352/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự toán và bổ sung kinh phí chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với HLV, VĐV thể thao thành tích cao đội tuyển năng khiếu tỉnh Thanh Hóa.
Kết quả, trong năm 2022-2023, tổng kinh phí thực hiện chính sách là 27,582 tỷ đồng. Được thụ hưởng chính sách đã giúp ổn định tâm lý, tạo động lực và niềm tin cho VĐV, HLV yên tâm tập luyện, thi đấu. Bên cạnh nguồn kinh phí từ nhà nước, Thể thao Thanh Hóa cũng đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm tăng thêm kinh phí thực hiện, bảo đảm chế độ dinh dưỡng cho HLV, VĐV khi tham gia tập huấn, thi đấu các giải thể thao quần chúng cấp tỉnh...
Tiếp tục thảy đổi cơ chế, ngày 05/7/2024, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa (Liên hiệp hội) tổ chức Hội thảo phản biện Nghị quyết “Quy định về một số chính sách đặc thù đối với huấn luyện viên, vận động viên và người phục vụ huấn luyện viên, vận động viên thể thao thành tích cao tỉnh Thanh Hóa”. Tại hội thảo, các ý kiến cơ bản thống nhất với sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết. Thông qua chủ trương tăng mức chi hỗ trợ để giữ chân VĐV, HLV. Tăng cường, nâng cao điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ cho các huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV) trong công tác tập luyện và thi đấu, được xác định là chìa khóa đem đến những kết quả tích cực cho thể thao thành tích cao Thanh Hóa trong giai đoạn mới.
Đổi mới chính sách, cải thiện điều kiện tập luyện
Bên cạnh việc đổi mới chính sách, tạo cơ chế thoáng, tăng chế độ ăn uống, sự đột phá thành tích của thể thao Thanh Hóa còn đến từ sự cải thiện điều kiện tập luyện. Ở môn điền kinh, hàng loạt đường piste được làm mới, nâng cấp, hiện đại. Chất lượng các buổi tập của đội tuyển được nâng lên rõ rệt, nhất là đối với tuyến VĐV năng khiếu và VĐV trẻ. Đường chạy chất lượng đã góp phần giúp các VĐV không ngừng cải thiện về thành tích, nhất là ở các cự ly chạy thế mạnh của Thanh Hóa như 100m, 200m, 400m, 400m vượt rào, 800m, 1.500m, các nội dung chạy tiếp sức. Bên cạnh đó, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh cũng đã mua sắm trang thiết bị mới cho các VĐV ở các nội dung nhảy cao, nhảy xa, chạy 3.000m vượt chướng ngại vật, đặc biệt là nội dung nhảy sào nữ.
Ở môn xe đạp, đội tuyển xe đạp Thanh Hóa đã không ngừng tiến bộ khi giành được nhiều thành tích nổi bật tại giải trẻ và giải vô địch quốc gia cả ở nội dung địa hình và đường trường với lứa VĐV tài năng như Nguyễn Văn Lãm, Lê Thị Huyền, Trần Thị Mai... Để có được thành tích nói trên, đội tuyển xe đạp Thanh Hóa không chỉ phải nỗ lực hết mình về chuyên môn, mà còn nhờ mua được thêm những chiếc xe đạp từ nguồn xã hội hóa để tham gia các giải đấu như HTV Cup, Cúp xe đạp nữ Bình Dương, giải trẻ quốc gia, giải vô địch quốc gia ở cả nội dung đường trường và địa hình để đem về thành tích cao cho tỉnh.
Ở các môn võ thuật, các đội tuyển vovinam, karate, teakwondo, judo, pencak silat, vật... được đầu tư mua thảm tập mới. Điều này đã giúp ban huấn luyện và VĐV các đội tuyển yên tâm, nỗ lực cao nhất trong tập luyện, thi đấu.
Một số bộ môn khác như cử tạ, cầu mây, bóng chuyền nữ đang từng bước được cải thiện, nâng cao điều kiện tập luyện.
Năm 2024 được xem là năm bản lề của thể thao thành tích cao Thanh Hóa. Kế thừa những thành tích nổi bật, gần 800 VĐV của hơn 30 đội tuyển đều dành sự tập trung cao cho công tác xây dựng, đào tạo lực lượng VĐV kế cận với mục tiêu nâng cao chất lượng chuyên môn, tạo điều kiện tham gia hệ thống các giải đấu quốc gia như giải vô địch, giải trẻ, giải khu vực... Bên cạnh đó, công tác tập huấn cũng được quan tâm nhằm nâng cao trình độ, đẳng cấp cho đội ngũ HLV, VĐV đáp ứng yêu cầu mới.
Hồng Hà