Giảm cân bằng máy tập chạy bộ không chỉ đơn giản là đặt chân này lên trước chân kia. Chỉ cần một chút thay đổi ở tư thế, thói quen và cả kế hoạch tập tành, bạn cũng có thể làm hỏng cả buổi tập của mình. Chính vì thế, cần tránh mắc phải những lỗi dưới đây:
1. Không vạch ra kế hoạch
Bạn bước lên xe, nhấn nút “khởi động,” bắt đầu tăng tốc, bạn chạy cho đến khi nào máy báo giờ réo lên (hoặc cho đến khi nào đuối sức), và bạn ngừng lại. Tập kiểu này không những gây nhàm chán mà còn khiến bạn không thể phát huy hết khả năng của mình. Nếu có kế hoạch, bạn sẽ luôn làm được hơn thế nữa. Hãy vạch ra cho mình một lịch tập từ 1-3 ngày mỗi tuần, và phải làm đúng theo kế hoạch này. Tuy nhiên, nếu lúc nào cũng làm theo đúng kế hoạch thì cũng không hay lắm. Những giới hạn của cơ thể sẽ được nâng cao khi nó được thử thách bằng nhiều cách khác nhau. Việc tập giảm cân bằng bài tập chạy sẽ đem lại hiệu quả bằng cách tập cho cơ thể những bước chạy đều đặn, có tiến độ, chạy ngắt quãng, chạy dài, chạy ngắn đơn giản, chạy nước rút lên dốc, chạy xa, chạy có nhịp độ… Nhưng không chỉ có thế, việc trộn lẫn những bài tập này còn giúp bạn tránh được chấn thương, chính vì thế cần thường xuyên thử những phương pháp chạy mới.
2. Bỏ qua bài khởi động
Lỗi lớn nhất mà rất nhiều người thường xuyên mắc phải đó là bắt đầu quá nhanh và quá sớm. Họ bắt đầu bằng một tốc độ rất khó có thể đạt được, sau đó đột ngột giảm tốc hoặc đi bộ ngay sau khi bắt đầu. Thay vào đó, hãy bắt đầu bằng cách đi bộ, sau đó tăng dần lên thành chạy thong thả trong vòng 5-10 phút đầu. Sau 1,5km đầu tiên, bạn có thể tăng dần tốc độ nếu cơ thể chịu được. Bằng cách này cơ thể sẽ đáp ứng dần mà không bị chấn thương. Đến cuối bài tập thì cũng tương tự như thế, hãy giảm dần tốc độ bằng 5 phút chạy thong thả hoặc đi bộ cho đến khi hết giờ.
3. Bỏ qua độ nghiêng
Bạn cần nhớ rằng máy chạy bộ có hai đơn vị đó là tốc độ và độ nghiêng. Thông thường, rất nhiều người chỉ để độ nghiêng bằng 0. Vấn đề ở chỗ, khi chạy trong nhà, bạn không bị cản gió hay gặp những địa hình mấp mô như ở ngoài trời. Để thử thách bản thân, cần tăng thêm độ nghiêng cho bài tập, khoảng 1-2%. Và khi thiết kế bài tập, cũng đừng quên thêm vào độ nghiêng vì nó giúp tác động vào cơ mông và gân khoeo.
4. Bám lấy máy tập
Việc bám lấy máy tập đem đến nhiều hậu quả xấu. Đầu tiên, bạn sẽ phá hỏng tư thế và dáng đi của mình. Bạn sẽ đẩy hết trọng lượng cơ thể ra khỏi chân và không đánh được tay, từ đó việc đốt cháy calo sẽ kém hiệu quả. Nếu bạn nắm lấy máy vì không chạy kịp, hãy giảm tốc độ hoặc giảm độ nghiêng. Và một khi đã đánh tay, hãy đánh thật chính xác vì tư thế tay cũng quan trọng không kém tư thế chân. Nếu chỉ đánh tay quá nhẹ hoặc chỉ vung vẩy, có thể bạn sẽ gặp chấn thương. Thay vào đó, hãy siết chặt cơ ở vai và cánh tay để giữ cho cánh tay song song với chân, đừng đánh tay vượt quá bên kia đường chia đôi cơ thể, và cũng đừng đánh quá mạnh khiến tay đẩy lên khỏi đầu. Động tác tay và chân chính xác sẽ tạo ra một lực rất lớn, giao nhau tại cơ bụng, đốt cháy mỡ bụng, giúp bạn có được cơ bụng thon thả.
5. Bước chạy quá dài
Đừng bao giờ chạy với bước chạy quá dài, khiến cho cơ thể vượt lên trước cả đôi chân. Hành động này sẽ khiến trọng lượng cơ thể rơi về phía trước, dẫn đến chấn thương đầu gối. Tương tự như thế, khi chạy trên mặt phẳng nghiêng, cần rút ngắn bước chạy và tăng cường tốc độ của guồng chân.
6. Chạy quá gần đầu máy
Xu hướng chạy gần đai máy là bình thường vì khi nó chuyển động, bạn sẽ không muốn mình bị đẩy bay ra khỏi máy. Nhưng chạy quá gần với phần đầu máy có thể hạn chế chân và tay bạn chuyển động một cách tự nhiên. Chính vì thế cần chú ý đến chiều dài của máy, đặc biệt là khi bạn chạy nước rút.
7. Quá kiểm soát hơi thở
Cũng giống như chân, phổi cũng biết tự điều chỉnh chức năng của nó, nó sẽ hít vào tất cả lượng không khí cần thiết. Có nhiều người luôn thực hành các bài tập hít thở, tìm cách kiềm nén hơi thở của mình khi chạy ở cường độ cao. Nhưng đó là sai lầm, đừng bao giờ để cho sự căng thẳng trong bài tập khiến bạn thở quá nông. Thay vào đó, hãy giữ bình tĩnh và chạy bình thường. Sau đó, vào lúc hồi phục, hãy thở chậm lại bằng cách hít mạnh vào qua đường mũi và thở ra qua đường miệng.