Nếu bạn tập giảm cân bằng phương pháp Yoga, bạn sẽ biết có những tình huống khi bạn đang thực hiện một tư thế khó nhưng bị mất thăng bằng và ngã nhào xuống thảm. Những khi đó, bạn có bao giờ nghĩ đến một dụng cụ hỗ trợ khi tập không? Có nhiều người sẽ cho rằng sử dụng những dụng cụ này sẽ là “ăn gian,” nhưng điều đó không quan trọng.
Trong thực tế, những dụng cụ này chính là cách an toàn nhất để tập cho cơ thể hoàn thiện những tư thế khó, đồng thời hỗ trợ bạn kéo giãn cơ thể ra xa hơn và sâu hơn đối với những tư thế bạn đã hoàn thiện một cách tự tin rồi. Thậm chí ngay cả những chuyên gia Yoga cũng cần sử dụng dụng cụ hỗ trợ để điều chỉnh lại bài tập của họ nên không có gì phải xấu hổ cả.
1. Gạch
- Dùng trong trường hợp: Không thể với tới mặt sàn
- Mục đích: Thu ngắn khoảng cách từ tay đến mặt sàn.
- Cách sử dụng: Nếu bạn gặp khó khăn trong việc với tay chạm sàn trong những tư thế như Half Moon Pose hay Triangle Pose, đặt một viên gạch dưới bàn tay để bạn có thể duỗi người sâu hơn mà bình thường nếu không có nó bạn sẽ không làm được. Cái hay của viên gạch đó là bạn có thể điều chỉnh được độ cao bằng cách chọn đầu nào để đặt xuống đất, tùy thuộc vào cảm nhận của cơ thể trong từng buổi tập. Vì thế nếu bạn đã quen với việc tập ở một độ cao nào đó, có thể lật viên gạch sang mặt khác để thay đổi độ cao và thử thách bản thân.
- Nên chọn loại nào: Loại bằng gỗ bần vì chúng bền hơn loại bọt biển và đủ nặng để hỗ trợ sức nặng của cơ thể.
2. Khăn đệm
- Dùng trong trường hợp: Xương hay khớp nhạy cảm.
- Mục đích: Làm miếng đệm cho những phần xương lồi.
- Cách sử dụng: Lót một tấm khăn bên dưới xương chậu trong những tư thế nằm gập lưng như Upward Facing Dog hay lót dưới đầu gối trong tư thế Crescent Lunge. Bạn có thể điều chỉnh độ dày của khăn đệm bằng cách gập nó lại bao nhiêu lần tùy thích. Khăn đệm còn hỗ trợ bạn trong những tư thế giúp cơ thể hồi phục vì nó cho phép cơ thể được thư giãn toàn diện.
- Nên chọn loại nào: Loại khăn dệt từ vải bông hay len vì chúng mềm và dễ gập.
3. Dây đai
- Dùng trong trường hợp: Không thể chạm tay vào chân.
- Mục đích: Làm cầu nối giữa tay chân.
- Cách sử dụng: Quấn dây bên dưới các ngón chân trong tư thế Standing Forward Bend và kéo lấy hai đầu dây. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc nắm hai tay vào nhau trong tư thế chéo vai của các bài tập như Bound Side-Angle Pose, hai tay nắm lấy dây đai để bù đắp cho khoảng cách bị hụt. Ở mỗi lần tập, nên thử từng độ dài khác nhau để tạo sự đa dạng cho độ khó của bài tập.
- Nên chọn loại nào: Loại dây dệt bằng sợi có khóa ở một đầu để dễ làm thòng lọng.
4. Thanh nêm
- Dùng trong trường hợp: Cổ tay bị đau trong những tư thế phải nâng trọng lượng cơ thể hoặc tay đang bị chấn thương.
- Mục đích: Giảm áp lực lên các khớp tay.
- Cách sử dụng: Khi thực hiện những động tác như Crow hay Downward Facing Dog, lót một thanh nêm nằm ngang trên thảm để nâng cao cổ tay. Lúc này, góc độ của cổ tay sẽ không còn sâu như trước, nhờ đó bạn có thể giữ tư thế này lâu hơn mà không phải chịu đau đớn.
- Nên chọn loại nào: Chọn loại gỗ bần vì chúng bền và chống được lực, cũng có thể chọn loại bằng bọt biển vì chúng mềm, nói chung nên chọn loại nào có cùng độ rộng với thảm tập.